Ngân hàng Quốc dân có sự xáo trộn nhân sự cấp cao

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã chứng khoán NVB) vừa công bố thay đổi nhân sự chủ chốt.

Theo đó, trước thềm phát hành cổ phiếu tăng vốn, một lần nữa nhân sự cấp cao của Ngân hàng Quốc dân đã có sự xáo trộn.

Cụ thể, ông Vũ Hồng Nam (sinh năm 1967), bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1978) và ông Lê Hồng Phương (sinh năm 1976) cùng thôi đảm nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị NCB kể từ ngày 26/4/2019.

Trong khi đó, ông Phạm Thế Hiệp sinh năm 1969 được bầu đảm trách thành viên Hội đồng quản trị kể từ ngày 26/4.

Ông Phạm Thế Hiệp

Ông Phạm Thế Hiệp

Được biết, ông Phạm Thế Hiệp hiện còn là Phó Tổng Giám đốc NCB. Ông Hiệp sinh năm 1969, có khoảng 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đảm nhiệm một số vị trí tại Ngân hàng Techcombank, ACB, Maritime Bank. Trước khi làm Phó TGĐ NCB, ông Hiệp là Giám đốc Khối Ngân hàng Doanh nghiệp. (Ảnh)

Ông Lê Hồng Phương (sinh năm 1966) hiện là Tổng Giám đốc ngân hàng. Ông Phương chỉ mới tham gia vào HĐQT NCB đúng 1 năm (vào ngày 26/4/2018), hiện ông Phương không nắm cổ phần NVB. Bà Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1978, trình độ Thạc sỹ kinh tế) hiện giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng, hiện không nắm cổ phần NVB, là thành viên HĐQT ở NCB từ năm 2010 tới 26/4/2019.

Có thể thấy năm nào HĐQT NCB cũng có sự thay đổi, đặc biệt năm nay, nhân sự lại thay đổi ngay trước thềm ngân hàng đang có kế hoạch phát hành hơn 199 triệu cp giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên trên 5.000 tỉ đồng.

Trong kế hoạch này chỉ bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu gần 184,56 triệu cổ phiếu và cho cán bộ, công nhân viên ngân hàng gần 14,88 triệu cổ phiếu. Mặc dù từ năm 2017 đến nay, NCB liên tục đánh tiếng về việc làm việc với các đối tác nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ để xác định đối tác chiến lược mua cổ phần.

Tính đến tháng 10/2018, tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài tại NCB chỉ khoảng 0,05%, tức chưa đầy 160 nghìn cổ phần.

NCB đã giữ nguyên vốn điều lệ khoảng 3.010 tỉ đồng từ suốt năm 2011 đến nay. Việc huy động vốn lần này của NCB dự kiến thu về gần 2.000 tỉ đồng. Trong đó ngân hàng dùng gần 100 tỉ đồng đầu tư thay đổi và xây dựng thương hiệu cho ngân hàng; 150 tỉ đồng đầu tư cơ sở công nghệ; 100 tỉ đồng tăng vốn cho Công ty TNHH Quản lý nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng Quốc dân (AMC); còn lại 1.644 tỉ đồng để bổ sung vốn tự có để cho vay trung và dài hạn.

Đáng chú ý, NCB cho hay sẽ tái thiết hình ảnh và nội thất hệ thống, hoàn thành và quảng bá bộ nhận diện thương hiệu mới… Trước đó, sau khi nhóm cổ đông Đặng Thành Tâm rút lui, NCB cũng đã từng thay đổi nhận diện thương hiệu và đổi tên (từ Ngân hàng TMCP Nam Việt - Navibank), từ màu xanh ngọc bích chuyển thành màu đỏ và xanh dương.

Theo kế hoạch trong quý I NCB sẽ phân bổ cổ phần cho cổ đông, tuy nhiên đến đầu tháng 5 này vẫn chưa có công bố chính thức từ phía ngân hàng về kết quả phát hành cổ phần.

Đối với kế hoạch xây dựng hình ảnh hưởng hiệu toàn bộ ngân hàng, dự kiến quý II sẽ tiến hành đầu tư thay đổi và xây dựng thương hiệu cho hội sở, 5 chi nhánh và 22 phòng giao dịch. Quý III sẽ thay đổi 7 chi nhánh, 22 phòng giao dịch và đến quý IV là 12 chi nhánh với 22 phòng giao dịch.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2019 hôm 26/4 của NCB, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị NCBcho biết, J Trust - tập đoàn tài chính Nhật Bản - từng có ý định trở thành cổ đông chiến lược của NCB. Tại phiên họp thường niên năm 2018, hai đại diện của tổ chức này đã có mặt và khẳng định thương vụ đầu tư "sắp hoàn tất". Tuy nhiên, đến đầu năm nay,tập đoàn này lại cho biết ý định tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, trong đó có nguyện vọng đầu tư vào Ngân hàng Xây dựng (VNCB), thay vì NCB.

Hoàng Dung

Nguồn ANTT: http://antt.vn/ngan-hang-quoc-dan-co-su-xao-tron-nhan-su-cap-cao-272689.htm