Ngân hàng phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội chống tín dụng đen

Ngày 9-4, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức cuộc họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm đánh giá kết quả phối hợp giữa ngành ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen và triển khai định hướng phối hợp trong thời gian tới.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN và Bộ Công an, đặc biệt Bộ Công an có vai trò chính xử lý tín dụng đen, và các bộ, ngành vào cuộc rất tích cực. NHNN nhận thức, để giải quyết tốt tín dụng chính thức, phải tạo điều kiện để người dân tiếp cận tín dụng chính thức.

“Tuy nhiên, chỉ ngành ngân hàng làm tốt thì chưa đủ mà cần có sự phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội cũng như giải quyết được câu chuyện làm thế nào để người dân tiếp cận được vốn nhanh nhất. Điều kiện nhanh nhất về thủ tục, về thời gian, quá trình giải quyết cho vay, nhưng ngược lại các tổ chức tín dụng về nguyên tắc là phải bảo toàn vốn - làm thế nào để giải quyết câu chuyện này? Thế nên phải có sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội”, ông Tú nói.

Bởi vậy, đại diện NHNN cho biết, sau cuộc họp này, NHNN sẽ ký quy chế phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Chia sẻ về hệ lụy của tín dụng đen, ông Nguyễn Văn Toản, Phó ban chính sách Kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tín dụng đen đang bủa vây công nhân lao động, len lỏi vào các ngõ ngách, đặc biệt đối với công nhân ở các khu công nghiệp, chế xuất.

 Nâng mức cho vay tối đa hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ góp phần chống tín dụng đen.

Nâng mức cho vay tối đa hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ góp phần chống tín dụng đen.

“Con đường tín dụng đen cực kỳ nguy hiểm. Nhiều công nhân đã không dám đến nơi làm việc, phải trốn về quê. Bằng mọi cách, những đối tượng cho vay tín dụng đen uy hiếp, thậm chí đánh đập con nợ. Nạn nhân là công nhân có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, đang ốm đau, con cái không có tiền học hành, đặc biệt là vào các kỳ học, các dịp lễ tết, gia đình ở quê có khó khăn đột xuất, hay bản thân họ phải thuê nhà, đến thời kỳ phải trả tiền nhà... Tổng Liên đoàn cũng đã có các văn bản gửi các cấp công đoàn, nói rõ các hình thức trá hình cho vay dưới dạng tín dụng đen để cảnh báo công nhân cũng như người lao động nói chung.

Từ phía NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết thời gian qua, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người nghèo/người thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, ngành ngân hàng đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp tích cực.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng như cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội...

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, Agribank đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tín dụng đen như ban hành nhiều văn bản quy trình nghiệp vụ thực hiện chính sách, cho vay hộ gia đình cá nhân. Đến nay, Agribank đã cho vay qua 68.871 tổ vay vốn với tổng dư nợ đạt 122.203 tỷ đồng. Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân.

Còn ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngân hàng này đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ, không phải bảo đảm đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo…

Dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng

Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, tính đến ngày 27-3-2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7,39 triệu tỷ đồng thì dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1,82 triệu tỷ đồng. Hiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang cung ứng tín dụng cho gần 4 triệu hộ nông dân và cá nhân; trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang cung cấp tín dụng cho 6,6 triệu hộ vay đang còn dư nợ.

B.K.

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/ngan-hang-phoi-hop-voi-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-chong-tin-dung-den-540353/