Ngân hàng Phố Wall kiếm đậm nhờ vàng và dầu mỏ

Những diễn biến cực đoan trên thị trường hàng hóa năm 2020 tạo ra cơ hội béo bở cho các ngân hàng Phố Wall với doanh thu cao nhất kể từ năm 2011.

Theo Bloomberg, các ngân hàng đầu tư lớn tại Mỹ đang trên đà có năm ăn nên làm ra trên thị trường hàng hóa.

“Hai nguồn lợi nhuận béo bở của các ngân hàng Phố Wall chính là dầu mỏ và kim loại quý”, Amrit Shahani, giám đốc nghiên cứu của Coalition, nói. “Tôi cho rằng đây sẽ là năm tốt nhất của họ trong một thập kỷ”.

Năm tốt nhất một thập kỷ

Theo hãng nghiên cứu Coalition Development Ltd., tổng doanh thu thuần của 12 ngân hàng toàn cầu lớn nhất tại Mỹ đã tăng vọt lên 3,8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2020, tăng 95% so với cùng kỳ năm trước và có thể vượt 7 tỷ USD trong cả năm nay. Đây là mức doanh thu từ giao dịch hàng hóa cao nhất ghi nhận được tại các ngân hàng này kể từ năm 2011.

Theo Coalition, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc giá dầu sụt xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử hồi tháng 4, khiến nhà đầu tư tháo chạy và tạo cơ hội lớn cho các nhà giao dịch Phố Wall.

 Ngân hàng Phố Wall kiếm đậm nhờ vàng và dầu mỏ. Ảnh: Reuters.

Ngân hàng Phố Wall kiếm đậm nhờ vàng và dầu mỏ. Ảnh: Reuters.

Không chỉ dầu mỏ, các ngân hàng cũng kiếm đậm nhờ sự đứt gãy của thị trường vàng. Ban đầu, hồi tháng 3, nhiều ngân hàng đầu tư hàng hóa chịu lỗ hàng trăm triệu USD do đại dịch ảnh hưởng tới nguồn cung vàng miếng. Điều này khiến nhiều ngân hàng lớn giảm hạn mức giao dịch trên Sàn giao dịch Hàng hóa New York (COMEX) - sàn giao dịch hợp đồng tương lai vàng lớn nhất thế giới - gây ra tình trạng thiếu thanh khoản, đẩy giá vàng trên sàn này cao hơn so với sàn London - trung tâm giao dịch chính của vàng vật chất - và một số sàn khác.

Sự phân tách giữa các thị trường này tạo cơ hội béo bở cho các ngân hàng đầu tư Phố Wall đang có sẵn cơ sở hạ tầng. Họ bắt đầu mua vàng từ nước ngoài và chuyển về Mỹ để hưởng chênh lệch giá, đặc biệt là khi dịch bệnh khiến giới đầu tư đổ xô vào mua vàng, đẩy giá kim loại này lên mức kỷ lục khoảng 2.000 USD/ounce.

Bên cạnh đó, việc các ngân hàng giảm giao dịch vàng hồi tháng 3 cũng khiến giá hợp đồng tương lai kỳ hạn dài cao hơn so với những hợp đồng kỳ hạn ngắn. Đây lại là một cơ hội lớn cho những ngân hàng đang giữ vàng bởi lợi nhuận từ việc bán ra đủ lớn để trả cho chi phí lưu trữ và vốn.

Những yếu tố trên đã tạo một “cơn lốc” lợi nhuận dành cho các ngân hàng, công ty môi giới và quỹ đầu tư trên sàn COMEX.

“Đó là tiền ‘trên trời rơi xuống’”, Reuters dẫn lời giám đốc một trong những ngân hàng giao dịch vàng lớn nhất tại Mỹ, cho biết.

Trở lại ngoạn mục nhưng có bền vững?

Thị trường giao dịch hàng hóa chứng kiến sự trở lại đầy khởi sắc của các nhà băng, trong bối cảnh lợi nhuận của họ trong lĩnh vực này suy giảm suốt thập kỷ qua khi giá các loại hàng hóa sụt giảm và sự vào cuộc quyết liệt của giới chức nhằm hạn chế những giao dịch rủi ro.

Goldman Sachs Group Inc. là trường hợp điển hình đổi vận trên thị trường hàng hóa. Chỉ mới 3 năm trước, doanh thu từ giao dịch hàng hóa của Goldman Sachs giảm xuống mức thấp kỷ lục, làm dấy lên hoài nghi về tương lai của bộ phận giao dịch hàng hóa của nhà băng này. Tuy nhiên, tính tới tháng 5/2020, doanh thu từ giao dịch hàng hóa của Goldman Sachs đã vượt 1 tỷ USD, theo Bloomberg.

Thị trường giao dịch hàng hóa chứng kiến sự trở lại đầy khởi sắc của các nhà băng. Ảnh: Getty Images.

Dù vậy, nhiều người dự báo tăng trưởng doanh thu từ lĩnh vực này của các nhà băng sẽ không bền vững bởi thị trường khó có thể lặp lại những diễn biến cực đoan như trong năm 2020.

“Loạt biến động này khó có thể tiếp diễn”, Shahani nhận định. “Tôi cho rằng hầu hết ngân hàng cũng nhận định điều này khó xảy ra nên đã cố gắng tập trung cho các hoạt động kinh doanh dài hạn hơn”.

Shahani cho rằng các nhà băng cố gắng kiếm lợi nhuận từ diễn biến hiện tại của thị trường nhằm thuyết phục khách hàng doanh nghiệp thực hiện những giao dịch dài hạn hơn, như giao dịch phòng ngừa rủi ro.

Ngược lại với sự trở lại ngoạn mục trên thị trường hàng hóa của các ngân hàng Mỹ, dẫn đầu là Goldman, Citigroup Inc. và JPMorgan Chase & Co., tình hình của giới nhà băng châu Âu có phần ảm đạm. Chuỗi bê bối, sụp đổ đang phủ bóng đen lên ngành tài chính tại khu vực này.

Hãng nghiên cứu Coalition chuyên theo dõi doanh thu từ giao dịch hàng hóa của các ngân hàng như Goldman, JPMorgan và Morgan Stanley. Phân tích của công ty này không bao gồm các ngân hàng tại Australia, Canada và những thị trường mới nổi.

Nguyễn Duy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngan-hang-pho-wall-kiem-dam-nho-vang-va-dau-mo-post1133673.html