Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,9% năm 2018

'Nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng 7,1% trong nửa đầu năm 2018. Với khả năng tăng trưởng giảm nhẹ trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP cả năm sẽ thấp hơn một chút so với dự báo trước đây' - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu nhận định trong buổi họp báo ngày 26/9, tại Hà Nội - 'Dưới tác động tăng của một số mức phí do Nhà nước quản lý, giá dịch vụ y tế đã tăng 16,7% trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi học phí của khu vực giáo dục công lập tăng 6,8%'.

Họp báo ADB ngày 26/9/2018 tại Hà Nội. (Ảnh: Bắc Sơn)

Tăng trưởng toàn diện trên mọi lĩnh vực

Theo ADB, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn, nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Tăng chi tiêu công trong nửa cuối năm nay dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong đầu tư.

“Tăng trưởng kinh tế đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực từ ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước” - ông Eric Sidgwick (Giám đốc ADB tại Việt Nam) nhận định.

Kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng mạnh, mặc dù có những thách thức trong và ngoài nước có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau. Đáng chú ý, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,9% năm 2018 (thấp hơn mức 7,1% được dự báo trước đây, do xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm. Dự báo tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam ở mức 6,8% (vẫn như dự báo trước đó của ADB).

Mặc dù được đánh giá mức độ tăng trưởng mạnh, song nền kinh tế vẫn còn dễ bị ảnh hưởng bởi những thách thức. Chẳng hạn, tăng trưởng giảm nhẹ ở các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, có thể ảnh hưởng đến cầu thương mại trên thế giới. Hay căng thẳng leo thang toàn cầu cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam. Mặt khác, áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn, do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Mức lạm phát của Việt Nam được ADB dự tính lên 4% trong năm 2018 và 4,5% trong năm 2019 (tăng hơn mức dự báo trước đó là 3,7% năm 2018 và 4% năm 2019).

Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 7,1% trong nửa đầu năm 2018, so với mức 5,8% cùng kỳ năm 2017. Về phía cầu, thu nhập tăng đã nâng mức tăng trưởng tiêu dùng tư nhân lên 7,2% (so với 7,0% của năm trước). Đầu tư tư nhân vẫn mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng cao và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,7% trong sáu tháng đầu năm so với 14,4% của năm trước. Tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu, tiêu dùng tư nhân trong nước và đầu tư bù đắp sự sụt giảm trong tiêu dùng của Chính phủ và đầu tư công do các chính sách củng cố tài khóa.

Nửa đầu năm 2018, học phí của khu vực giáo dục công lập tăng 6,8%. (Ảnh: Bắc Sơn)

Học phí của khu vực giáo dục công lập tăng 6,8%

Hầu hết các ngành kinh tế trọng yếu của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả vững chắc. Sản lượng nông nghiệp và các ngành kinh tế liên quan tăng trưởng 3,9% trong 6 tháng đầu năm nay, so với 2,7% trong nửa đầu năm 2017. Nhờ thời tiết thuận lợi và nhu cầu xuất khẩu mạnh, sản lượng nông nghiệp tăng 3,3% (so với mức tăng 2,1% cùng kỳ năm trước), đồng thời lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng trưởng vững.

Tăng trưởng cao cùng với sự gia tăng các loại giá cả do Nhà nước điều tiết và giá dầu tăng trên thị trường thế giới đã gây áp lực tăng lạm phát. Lạm phát chung tính đến tháng 6/2018 đã tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát trung bình năm trong 6 tháng đầu năm nay đã lên đến 3,3%. Dưới tác động tăng của một số mức phí do Nhà nước quản lý, giá dịch vụ y tế đã tăng 16,7% trong 6 tháng đầu năm nay, trong khi học phí của khu vực giáo dục công lập tăng 6,8%. Đồng thời, chi phí vận tải đã tăng 9,7%, chủ yếu do tăng giá xăng dầu.

Cán cân thanh toán đã ghi nhận mức thặng dư ước tính bằng 8,4% GDP trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó cả tài khoản vãng lai và tài khoản vốn đều thặng dư. Nhờ thặng dư thương mại hàng hóa trong nửa đầu năm, tài khoản vãng lai đạt mức thặng dư ước tính bằng 5,0% GDP, ngược lại với kết quả thâm hụt 1,1% trong cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại đạt được nhờ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa 17%, vượt xa mức tăng nhập khẩu 10,5%. Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng chính bao gồm điện thoại di động và các sản phẩm điện tử khác, hiện chiếm 31,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI mạnh và dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng, tài khoản vốn ghi nhận mức thặng dư tương đương 7,9% GDP trong nửa đầu năm 2018.

Mặc dù lạm phát có dấu hiệu tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì lãi suất chính sách không đổi kể từ đợt hạ lãi suất trong tháng 7/2017, nhằm giữ cho tăng trưởng tiền tệ và tín dụng phù hợp với mục tiêu chính thức. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm xuống 2,1% vào cuối tháng 6/2018, so với mức 2,5% vào đầu năm 2017, do các ngân hàng đẩy mạnh giải quyết nợ xấu thông qua thu hồi nợ và bán tài sản thế chấp. Việc xử lý nợ xấu đã nhận được động lực mới nhờ việc cải cách hành lang pháp lý có hiệu lực trong năm 2017, tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản thế chấp và tái cấu trúc tài sản xấu.

Bắc Sơn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ngan-hang-phat-trien-chau-a-adb-du-bao-kinh-te-viet-nam-tang-truong-69-nam-2018-3954101-b.html