Ngân hàng phải cung cấp thông tin cho thuế?

Đây là nội dung gây nhiều tranh cãi tại Dự thảo Luật Quản lý thuế sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ VI, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Đòi hỏi ngân hàng phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế càng trở nên vững chắc khi mà mới đây hàng loạt vụ truy thu thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử được diễn ra. Đặc biệt khi Cục thuế TP HCM kiểm tra 4 ngân hàng thì đã phát hiện 575 tỷ đồng chưa kê khai thuế, song chỉ mới xử lý phạt, truy thu được chưa tới 20 tỷ đồng.

Trong các văn bản nên quy định cụ thể những trường hợp phải cung cấp thông tin khi ngành thuế yêu cầu.

Thiếu hướng dẫn

Tại Khoản 2, Điều 2 của Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử quy định: “Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để hướng dẫn các biện pháp quản lý đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động thương mại điện tử với chủ thể Việt Nam”.

Tuy nhiên, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, đây là quy định để quản lý giao dịch của các trang mạng nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Song đến nay, các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành. Thực tế, việc thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử, theo Khoản 2 Điều 24 của Thông tư 19/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, các giao dịch thanh toán qua thẻ thanh toán do tổ chức quốc tế phát hành đều phải thực hiện qua một trung tâm thẻ tại Việt Nam. Quy định này giúp quản lý được dòng tiền thanh toán và từ đó có cơ sở để tính thuế. Song đến nay, điều này cũng chưa được thực hiện.

Dự thảo cũng bổ sung quy định ngân hàng thương mại thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Kiểm soát quyền lực

Nhưng theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TP HCM, việc cung cấp thông tin thế nào cần có quy định chặt chẽ, bảo đảm bảo mật và không làm mất thông tin của khách hàng, nêu rõ thông tin nào được cung cấp, thông tin nào tuyệt đối không được cung cấp. Cơ quan thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin thấp nhất phải từ cấp cục trở lên và chỉ được yêu cầu cung cấp thông tin những giao dịch chuyển tiền lớn hoặc giao dịch nhỏ nhưng lặp đi lặp lại gây nghi vấn. Trong một số trường hợp, việc cung cấp thông tin của người nộp thuế là hợp lý. Nhưng phải quy định rõ việc cơ quan thuế được yêu cầu ngân hàng cung cấp ở mức nào, nếu không sẽ dẫn đến sự lạm quyền và làm lộ thông tin của khách hàng.

Đồng tình về quan điểm này ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nếu quy định mở như dự luật, có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế. Quan hệ giữa ngân hàng và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.

H.Minh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/ngan-hang-phai-cung-cap-thong-tin-cho-thue-138179.html