Ngân hàng niêm yết thu hút nhà đầu tư ngoại

Ngành ngân hàng đang nhận được những tác động tích cực từ xu hướng dòng vốn ngoại gia tăng đầu tư, trong đó có nhiều khoản vốn trị giá hàng trăm triệu USD.

Tính đến nay đã có 13 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chính thức. Nguồn: Internet

Mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của ngành ngân hàng đã kết thúc, bức tranh về hoạt động tài chính ngân hàng 2018 cơ bản cũng bắt đầu hiện lên qua những kế hoạch phát triển "khủng" được cổ đông thông qua.

Bên cạnh những mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh, việc gọi vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cũng rất đáng chú ý với các đợt chào bán cổ phiếu lớn đang được các nhà băng lên kế hoạch gối đầu, dự kiến từ quý II này.

Rầm rộ kế hoạch lên sàn

Kể từ cuối năm 2017 đến nay, sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng chưa bao giờ hết "nóng", số lượng các nhà đầu tư ngoại quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng ngày càng tăng.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cho hay cổ phiếu ngân hàng đã trở nên hấp dẫn hơn các năm trước nhờ nợ xấu giảm mạnh, tín dụng tăng trưởng tốt, kết quả kinh doanh khả quan. Chính vì vậy mà giá cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên sàn tăng trong thời gian gần đây và các nhà đầu tư ngoại không muốn bỏ qua cơ hội này.

Đầu năm nay, cổ phiếu của HDBank lên sàn đã thu hút hàng trăm triệu USD của nhà đầu tư nước ngoài. Trước khi niêm yết trên HoSE, các đối tác nước ngoài là các nhà đầu tư tài chính hàng đầu đến từ các _thị trường lớn chi khoảng 300 triệu USD để sở hữu 21,5% vốn của HDBank. Room ngoại còn lại (khoảng 8,5%) của cổ phiếu HDBank khi niêm yết là điểm hấp dẫn trong bối cảnh nhiều ngân hàng trên sàn hiện không còn room ngoại.

TPBank là ngân hàng thứ hai lên sàn trong năm nay, ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu của TPBank có khối lượng giao dịch đạt trên 5 triệu đơn vị và được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với khối lượng gần 13.000 cổ phiếu.

Ngày 4/6, cổ phiếu của Techcombank sẽ chính thức niêm yết trên HoSE, với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 128.000 đồng/cp. Mức giá tham chiếu này được đánh giá là khá cao cho một ngân hàng không phải nằm trong top đầu.

Lý giải cho mức giá này, ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc đầu tư của Techcombank, cho rằng giá cổ phiếu đắt hay rẻ không phải do Techcombank quyết định mà từ nhu cầu của nhà đầu tư. Lần bán cổ phiếu quỹ mới đây, nhu cầu nhà đầu tư nước ngoài gấp nhiều lần nguồn cung.

Ngoài ra, trong năm nay, một số ngân hàng như OCB, VIB… cũng đã chốt kế hoạch niêm yết cổ phiếu chính thức trên sàn chứng khoán vào thời điểm quý III, quý IV.

Tính đến nay đã có 13 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chính thức gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Eximbank, MBBank, Sacombank, VPBank, HDBank, ACB, SHB, NCB, TPBank, HDBank. Ngoài ra, VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank đang niêm yết trên sàn UPCoM. Một số ngân hàng cũng có kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm nay.

Cuộc đua sắp xếp lại vị thế

Theo dõi thị trường có thể thấy, cổ phiếu ngân hàng đang trở lại "ngôi vua", trong nhiều phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu ngân hàng còn đóng vai trò dẫn dắt thị trường.

Chẳng hạn, trong phiên giao dịch chiều 1/6, cổ phiếu nhóm đầu vẫn tiếp tục đà bứt phá ngoạn mục như: VPB của VPBank tăng từ mức 38.800 đồng lên 46.000 đồng/cp, HDB của HDBank từ ngưỡng 32.800 đồng phiên 28/5 đã đạt ngưỡng 41.200 đồng/cp, VCB của Vietcombank từ 46.800 đồng của ngày 28/5 đã tăng vọt lên 57.000 đồng/cp.

Giới chuyên gia chứng khoán dự báo cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục tạo sóng do nhu cầu nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn.

Tuy nhiên, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng hấp dẫn nhà đầu tư, mỗi một cổ phiếu dự định mua, họ sẽ có những tính toán, so sánh lợi nhuận nắm giữ cổ phiếu ngân hàng trong vòng 5 năm trở lại đây để lọc ra những mã cổ phiếu có tăng trưởng cao hơn bình quân chung của ngành và của toàn thị trường.

Theo các chuyên gia, năm 2018 sẽ là cuộc đua "sắp xếp lại" vị thế của từng ngân hàng, thông qua lợi thế cạnh tranh, sức mạnh nội tại của ngân hàng và kỳ vọng của nhà đầu tư. Vì vậy, top cổ phiếu các ngân hàng dẫn đầu sẽ được nới dài hơn, bởi những tân binh mới nhiều tiềm năng.

Đơn cử như cổ phiếu Techcombank sắp niêm yết có giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên lên đên 128.000 đồng/cp, mức giá này cao hơn gấp hai lần so với cổ phiếu của một số ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV…

Tuy nhiên, đại diện Techcombank cho biết, ngay sau khi niêm yết, nhà băng này sẽ chia cổ phiếu thưởng, chia lợi nhuận tích lũy và thặng dư vốn cho các cổ đông. Vì vậy, thị giá cổ phiếu TCB sẽ được điều chỉnh trở nên hợp lý.

Với tỷ lệ chia cổ tức thưởng lên tới 200%, thị giá cổ phiếu TCB trên thị trường tại ngày chốt quyền cũng được điều chỉnh tương ứng xuống còn 1/3.

Nếu tính theo giá khởi điểm, thị giá TCB sau điều chỉnh còn khoảng hơn 40.000 đồng. Mức giá này được giới đầu tư đánh giá khá cao và rất có thể sẽ tiếp tục tăng trong những phiên giao dịch sau đó.

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/ngan-hang-niem-yet-thu-hut-nha-dau-tu-ngoai-142611.html