Ngân hàng Nhà nước báo cáo Quốc hội về sở hữu chéo và tái cơ cấu

Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại Ngân hàng Đại Dương sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài.

Báo cáo gửi Quốc hội mới đây của Ngân hàng Nhà nước đã cập nhật về kết quả xử lý tình trạng sở hữu chéo và kết quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Giảm sở hữu chéo

Theo nội dung báo cáo, nhằm tiếp tục hạn chế, khắc phục tình trạng vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số giải pháp xử lý bao gồm các giải pháp chính sách và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; thanh tra, giám sát và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các cơ quan liên quan (Ủy ban chứng khoán Nhà nước), Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn góp, vốn cổ phần tại các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp, lộ trình đã đề ra.

Kết quả, các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục được một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Cụ thể: số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đến thời điểm cuối tháng 12/2018 đã khắc phục được hết (năm 2012 là 7 cặp); sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến tháng 12/2018 còn lại 1 ngân hàng thương mại cổ phần với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Ngân hàng Nhà nước cho biết, cặp này là Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) – Công ty cồ phần Bất động sản Hòa Phát – ACB (tỷ lệ sở hữu của ACB tại Công ty cổ phần bất động sản Hòa Phát – ACB là 2,86% và ngược lại là 0,046%).

Oceanbank được bán cho tổ chức nước ngoài

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án hoặc có văn bản giao Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên rà soát, hoàn thiện, chịu trách nhiệm phê duyệt phương án cơ cấu lại của hầu hết các tổ chức tín dụng. Một số tổ chức tín dụng chưa được phê duyệt phương án chủ yếu là các ngân hàng thương mại Nhà nước đang thực hiện thủ tục sáp nhập; tổ chức tín dụng đang rà soát, bổ sung, hoàn thiện Phương án cơ cấu lại trên cơ sở kết luận thanh tra; các tổ chức tín dụng yếu kém đang xử lý theo phương án đặc thù.

Công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra tại Đề án, tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Giao dịch tại OceanBank.

Giao dịch tại OceanBank.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết đang tích cực triển khai các bước cơ cấu, xử lý các ngân hàng mua lại bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DongA Bank).

Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng. Sau khi được phê duyệt chủ trương, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương tiến hành các bước để tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng là Oceanbank, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu và DongA Bank, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, thực hiện kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

"Đến nay, trên cơ sở phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại Oceanbank sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Phương án cơ cấu lại các Ngân hàng Xây dựng, Dầu khí toàn cầu, DongA Bank đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật,” báo cáo nêu rõ.

Cũng theo nội dung của báo cáo, đến cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 578,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2018 và tăng 13% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2018 và 20,1% so với cuối năm 2017.

Việc triển khai Basel II được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, đã có 7 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II, gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank và ACB.

Quy mô hệ thống các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục tăng, tính đến cuối tháng Ba, tổng tài sản của hệ thống các ngân hàng thương mại đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018. Tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng cùng với mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định thực sự đã có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 4/4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Đồng thời, để đảm bảo các ngân hàng thương mại Nhà nước đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II , Ngân hàng Nhà nước đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư để xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Thúy Hà (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngan-hang-nha-nuoc-bao-cao-quoc-hoi-ve-so-huu-cheo-va-tai-co-cau/570397.vnp