Ngân hàng mùa Covid: Đánh đổi giữa lợi nhuận và nợ xấu?

Nợ xấu không chỉ là vấn đề sống còn của ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo các ngân hàng phải có những biện pháp để hạn chế tình trạng gia tăng nợ xấu.

Lo mới "nới" thêm cũ

Nợ xấu giảm được kỳ vọng sẽ tạo đà cho các nhà băng tăng tốc về đích Basel II cũng như cải thiện doanh thu, lợi nhuận trong năm 2020. Thế nhưng, kỳ vọng trên bỗng nhiên tan biến khi dịch COVID-19 bùng phát.

Để giúp các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng, hiện tại nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng. Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng triển khai các gói tín dụng và giảm lãi suất cho vay, có những ngân hàng giảm tới 4,5%/năm, cũng có đơn vị giảm lãi suất cho cả dư nợ hiện hữu.

Do đó, nguồn thu của tổ chức tín dụng cũng giảm, rủi ro về nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giảm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng.

Một số ngân hàng cũng thừa nhận, để hạn chế những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà băng lên nhiều kịch bản khác nhau, nhưng ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, nợ xấu vẫn là nỗi lo hiện hữu.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 21 ngân hàng đã công bố thời cuối năm 2019 (có thuyết minh), tổng số dư nợ xấu của các ngân hàng giảm nhẹ 0,5% với 77.475 tỉ đồng.

Trong đó, BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu lớn nhất với 19.451 tỉ đồng, tăng 3,4% so với cuối năm trước. Tiếp theo là VietinBank với hơn 10.800 tỉ đồng, giảm 21% và VPBank với gần 8.800 tỉ đồng nợ xấu nội bảng.

TOP 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất được ghi nhận theo thứ tự là: BIDV, VietinBank, VPBank, Sacombank, Vietcombank, Techcombank, MB, VIB và LienVietPostBank.

Tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng năm 2019.

Tỷ lệ nợ xấu ở một số ngân hàng năm 2019.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng có số dư nợ xấu thấp nhất gồm Saigonbank, Kienlongbank, Bac A Bank,... Tuy nhiên, đây chỉ là con số tuyệt đối, việc đánh giá chất lượng tài sản của một ngân hàng còn phụ thuộc vào qui mô tài sản của các ngân hàng.

Kịch bản nào cho nợ xấu ngân hàng?

Trên thực tế, dịch Covid 19 diễn biến rất nhanh, phức tạp, mức độ ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế trong nước, gây ra khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng trên toàn cầu.

Theo phản ánh của nhiều ngân hàng và một số doanh nghiệp thì phần lớn các khoản giải ngân sau ngày 23/01/2020 (đặc biệt là các khoản cho vay ngắn hạn), khách hàng vẫn không có khả năng trả nợ theo kỳ hạn, thời hạn tại hợp đồng, thỏa thuận cho vay.

Do đó, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng cho phép TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23/1/2020 đến ngày 24/4/2020.

NHNN đánh giá rằng thời điểm 24/4/2020 là phù hợp bởi đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19 trong tình hình mới. Đồng thời, đến thời điểm này thì các TCTD đã nắm bắt được đầy đủ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế và cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó dịch.

Theo đó, đối với các khoản giải ngân sau ngày 24/4/2020, các TCTD đã có thể đánh giá được đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid 19 thì cần căn cứ vào đặc điểm của khách hàng để thống nhất với khách hàng lịch trả nợ phù hợp mà không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể khoảng thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. NHNN dự kiến quy định như sau: Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2020.

Như Tiên

Theo ANTT/NĐT

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/ngan-hang-mua-covid-danh-doi-giua-loi-nhuan-va-no-xau-294064.htm