Ngân hàng lãi lớn nhờ tăng thu phí dịch vụ

Bên cạnh việc cải thiện NIM (biên lãi ròng), tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng năm 2019 đến từ việc tăng thu phí hoạt động dịch vụ thanh toán và tiền mặt.

Theo số liệu từ FiinGroup, 18 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán hiện chiếm khoảng 67,4% tổng dư nợ toàn ngành với mức tăng trưởng tín dụng 15,5% năm qua, cao hơn mức chung của ngành là 13,5%.

Trong năm 2019, 18 nhà băng này cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 29,3%. Số lợi nhuận tăng thêm chủ yếu đến từ việc cải thiện biên lãi ròng (NIM) với mức tăng 30 điểm cơ bản từ 3,1% (2018) lên 3,4%.

Trong đó, việc cải thiện NIM của các ngân hàng cũng đến chủ yếu từ tăng trưởng tín dụng bán lẻ, bao gồm tài chính tiêu dùng ở một số ngân hàng thông qua công ty con như VPBank, HDBank, MBBank và gần nhất là SHB.

Tăng trưởng hoạt động cho vay doanh nghiệp có xu hướng giảm, tăng 7,8% của năm 2018. Tín dụng cá nhân có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì tăng trưởng ở mức 23,3%.

Đáng chú ý, hãng thống kê này cho biết đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận năm qua của nhiều ngân hàng niêm yết còn đến từ việc tăng thu phí dịch vụ.

 Tăng thu từ phí dịch vụ giúp nhiều ngân hàng lãi hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: T.L.

Tăng thu từ phí dịch vụ giúp nhiều ngân hàng lãi hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: T.L.

Báo cáo tài chính cho biết, khoản tiền lãi từ phí dịch vụ tại hầu hết nhà băng đều tăng so với năm trước. Trong đó, nhiều cái tên sở hữu mức tăng 3 chữ số như VietBank (220%); LienVietPostBank (159%); VIB (145%); hay NCB (104%)...

Xét theo mức tăng tuyệt đối, VPBank, Vietinbank và VIB là 3 ngân hàng có lợi nhuận mảng dịch vụ tăng mạnh nhất năm qua, đều đạt trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi số tăng trưởng chính của Vietinbank đến từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt nhờ lượng khách lớn, phần tăng thêm ở VPBank và VIB lại đến từ hoa hồng bán bảo hiểm.

Những ngân hàng tư nhân như VPBank và VIB hay Techcombank, TPBank... rất khó để cạnh tranh về số lượng khách sử dụng dịch vụ so với nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietinbank. Vì vậy, nhiều năm gần đây nhóm này đều tập trung vào mảng liên kết và bán bảo hiểm.

Hiện tại, Techcombank, VIB và TPBank cũng đang là những ngân hàng miễn hoàn toàn phí chuyển tiền nội và ngoại mạng cho khách hàng, trong khi đa số tiền lãi mảng dịch vụ đều đến từ bảo hiểm.

Năm qua, các ngân hàng có vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank) là nhóm thu nhiều tiền lãi từ phí dịch vụ nhất, đều trên 4.000 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày việc thu phí khoản thanh toán cũng như quản lý tiền mặt mang về cho các nhà băng này trên 11 tỷ đồng tiền lãi.

Thực tế, đây cũng là những ngân hàng có lượng khách hàng mở tài khoản cũng như số lượng thẻ ngân hàng phát hành lớn nhất hệ thống hiện nay.

Ngoài ra, những ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất hiện nay cũng là nhóm có số lãi từ hoạt động dịch vụ cao năm vừa qua như Sacombank, Techcombank, MBBank hay VPBank, trên dưới 3.000 tỷ đồng.

Tại nhiều ngân hàng tỷ lệ đóng góp lợi nhuận của mảng dịch vụ trên tổng thu nhập hoạt động ngân hàng đã xấp xỉ 25-30%.

Ngoài dịch vụ, các hoạt động khác bao gồm đầu tư, kinh doanh chứng khoán (chủ yếu là trái phiếu chính phủ), kinh doanh ngoại hối, vàng và thu nhập từ cổ tức cũng ghi nhận đà tăng 5,4% trong năm qua và đóng góp vào kết quả lợi nhuận chung của toàn ngân hàng.

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ngan-hang-lai-lon-nho-tang-thu-phi-dich-vu-post1049558.html