Ngân hàng không thể làm thay cơ quan thuế

Một số nội dung trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được phân tích dưới đây rất cần được thảo luận tại Quốc hội kể từ hôm nay trước khi dự luật được thông qua vào đầu năm 2019.

Không phải cơ quan thuế muốn thông tin gì của khách hàng sẽ được các TCTD đáp ứng. Ảnh: THÀNH HOA

Ngày 8-11, Chính phủ tiếp tục trình ra Quốc hội dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tại những lần lấy ý kiến trước, việc dự thảo quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc phối hợp với cơ quan quản lý thuế định kỳ trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản... theo đề nghị của cơ quan quản lý đã bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản ứng vì cho rằng các quy định quá rộng này có thể không phù hợp với yêu cầu về bảo mật thông tin được quy định tại khoản 2, điều 14, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) bỏ đi chữ “định kỳ” trong các dự thảo sau khi bị phản ứng thì Nghị định 117/2018 của Chính phủ quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã cho phép từ cấp Tổng cục trưởng Tổng cục thuế đến Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế có thẩm quyền ký văn bản yêu cầu các TCTD cung cấp thông tin của khách hàng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Tuy nhiên, muốn nhận được thông tin của khách hàng tại các ngân hàng (từ thông tin tài khoản trở đi...) cơ quan quản lý thuế hay cơ quan khác cũng phải tuân thủ quy định: phải có căn cứ pháp lý cụ thể quy định thẩm quyền được yêu cầu cung cấp thông tin, lý do cần cung cấp cũng như nội dung và phạm vi thông tin khách hàng, thời hạn cung cấp... Nghĩa là không phải cơ quan thuế muốn thông tin gì của khách hàng sẽ được các TCTD đáp ứng.

Nghị định trên đã hợp thức hóa một phần việc các cơ quan thuế lấy thông tin của khách hàng như mong muốn của các nhà soạn luật thời gian qua. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được trình lên Quốc hội để các đại biểu cho ý kiến kể từ ngày 8/11 tới, Bộ Tài chính vẫn để lại những quy định tại điều 27: “NHTM có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản... theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế”

Lý giải về quy định này, theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự luật, Bộ Tài chính cho rằng cơ bản là kế thừa Luật Quản lý thuế hiện hành, đồng thời bổ sung các quy định như khấu trừ, nộp thay tổ chức cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử... Đồng thời quy định dự kiến còn yêu cầu NHTM trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan thuế. Thêm nữa là NHTM phải nộp thay người nộp thuế có bảo lãnh về tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nếu bên bị bảo lãnh không nộp đúng hạn.

Phía soạn thảo cho rằng, sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan quản lý thuế giúp người nộp thuế thuận tiện, giảm hồ sơ, đồng thời giúp quản lý về thuế đúng quy định của pháp luật. Làm như vậy lại không trái với Hiến pháp và không xung đột với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Nhưng trên thực tế ngay từ Nghị định 117 về cung cấp thông tin cũng giới hạn phạm vi cung cấp thông tin và trường hợp được cung cấp thông tin. Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi phải quy định rõ những trường hợp như thế nào cơ quan quản lý thuế mới được yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ cung cấp, chứ không phải mở rộng phạm vi cung cấp thông tin thiếu rõ ràng.

Mặt khác, cũng không có quy định nào cho phép ngành thuế yêu cầu NHTM tự động khấu trừ, trích tiền từ tài khoản của khách hàng để chuyển giao cho cơ quan thuế, cho dù là mục đích thu về ngân sách nhà nước. Các luật sư từng lên tiếng rất mạnh về vấn đề này vì Luật các tổ chức tín dụng có quy định, ngân hàng có nghĩa vụ tôn trọng và đảm bảo các quyền của khách hàng, có quyền từ chối việc điều tra, phong tỏa, trích tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được khách hàng chấp nhận.

Nếu làm như đề xuất của dự luật, thực chất là một hình thức cưỡng chế thuế mức độ cao. Bởi hiện nay, ngay cả tòa án cũng chỉ được lệnh phong tỏa tài khoản của khách hàng, còn việc chuyển tiền, khấu trừ tài khoản của khách hàng phải kèm theo các phán quyết khác của tòa án.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281302/ngan-hang-khong-the-lam-thay-co-quan-thue-.html