Ngân hàng khó bán tài sản thế chấp

Tốc độ xử lý nợ xấu, bán các tài sản đảm bảo của các ngân hàng vẫn chưa được như mong muốn, trong khi nợ xấu đang có nguy cơ 'phình to'.

Ảnh: ST

Ảnh: ST

Đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất - kinh doanh và suy thoái sức cầu khiến thu nhập của không ít DN sụt giảm, khả năng chi trả khoản vay bị ảnh hưởng và buộc phải chấp nhận để ngân hàng phát mãi tài sản. Do đó, thay vì tập trung vào tài sản thế chấp là bất động sản như lâu nay, hiện các tài sản đảm bảo được ngân hàng rao bán đã đa dạng hơn.

Đơn cử, BIDV chi nhánh Long Biên vừa thông báo đấu giá tài sản là tàu Ocean Queen lần thứ 8. Giá khởi điểm mà BIDV đưa ra trong lần đấu giá này là gần 194 tỷ đồng, nhưng trước đó, hồi cuối năm 2019, BIDV thông báo bán đấu giá con tàu này với giá khởi điểm lên tới hơn 300 tỷ đồng. Hay VPBank đã thông báo bán đấu giá tài sản là 10 cuộn thép không gỉ, đơn giá từ 9.500-19.000 đồng/kg, với tổng mức giá khởi điểm hơn 400 triệu đồng. TPBank cũng đưa ra thông báo bán đấu giá 5 ô tô của 5 khách hàng cá nhân có phát sinh khoản nợ tại ngân hàng với số dư nợ gốc và lãi hiện vào khoảng 2,23 tỷ đồng. VIB cũng đang rao bán tới 71 phương tiện vận tải, với giá khởi điểm từ 210 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng…

Có thể thấy, các ngân hàng đang dồn dập rao bán nhằm thu hồi nợ, nhưng tình trạng “ế” vẫn thường xuyên xảy ra, dù ngân hàng đã giảm giá nhiều lần so với trước đây. Theo các chuyên gia, ngân hàng thường đấu giá thất bại, không ai tham gia, phải tổ chức đấu giá nhiều lần mới thành công là do khâu định giá tài sản đấu giá chưa chính xác. Hơn nữa, tình trạng này còn do tài sản hoặc một phần tài sản lại đang thuộc diện tranh chấp, có thể mang lại nhiều rủi ro cho người mua, nên họ không mặn mà.

Do đó, về giải pháp, hầu hết chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng phải tăng tổng cầu, tạo sức cầu mới, trong đó sớm ban hành cơ chế áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến xử lý nợ xấu. Đặc biệt, vấn đề về thành lập thị trường mua bán nợ trong thời gian này càng được nói đến nhiều hơn. Bởi khi có thị trường mua bán nợ, thanh khoản sẽ tốt hơn, nhiều người mua bán tập trung lại thì hoạt động mua bán nợ mới sôi động được. Điều này càng “cấp thiết” khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, xu hướng phát mãi tài sản dự kiến sẽ còn mạnh hơn, việc sớm cụ thể hóa các cơ chế về bán tài sản đảm bảo được coi là "liều thuốc” kháng nợ xấu cho ngành ngân hàng.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/ngan-hang-kho-ban-tai-san-the-chap-133407-133407.html