Ngân hàng đứng sau vụ thâu tóm khách sạn InterContinental Hanoi Westlake

Để huy động vốn thực hiện việc mua lại cổ phần từ Tập đoàn Malaysia, chủ mới khách sạn InterContinental Hanoi Westlake đã sử dụng chính số cổ phần này để cầm cố tại ngân hàng.

Cuối năm ngoái, một công ty mới thành lập có tên Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội đã chi 1.244 tỷ đồng (khoảng 53,3 triệu USD) để mua lại 75% cổ phần của pháp nhân sở hữu khách sạn InterContinental Hanoi Westlake từ tập đoàn Berjaya của Malaysia.

Thương vụ nghìn tỷ gây tò mò bởi chủ sở hữu bên mua là một cá nhân tên Trần Trung Tuân. Ông Tuân hiện là thành viên HĐQT của Công ty Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương (chủ khách sạn Sheraton Đà Nẵng). Trước đó ông là kế toán trưởng của Khách sạn Thắng Lợi và nhân sự tại các Công ty Thung Lũng Vua, Công ty Motor N.A.

Bên cạnh giao dịch mua bán cổ phần, Tập đoàn Berjaya cũng được hoàn trả khoản vay 71,6 triệu USD từ chủ sở hữu khách sạn này. Nguồn trả nợ đến từ hợp đồng vay mới được ký giữa chủ sở hữu khách sạn với SeABank.

Đặc biệt, sau khi mua lại cổ phần từ tập đoàn của Malaysia, công ty Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội đã ngay lập tức cầm cố toàn bộ số cổ phần này tại SeABank. Điều này lý giải tại sao một cá nhân có thể huy động hơn 1.200 tỷ đồng thực hiện giao dịch thâu tóm khách sạn trên.

Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake

Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake

Việc sử dụng vốn vay để thanh toán trong các giao dịch mua bán cổ phần và sử dụng chính số cổ phần này làm tài sản bảo đảm nghĩa vụ trả nợ là hoạt động phổ biến trên thị trường tài chính.

Tuy nhiên điều đặc biệt trong giao dịch trên là ngân hàng cho vay (SeABank), công ty đi vay thực hiện giao dịch (Công ty Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội) và tài sản (Khách sạn) đều có mối liên quan mật thiết với nhau.

SeABank là ngân hàng có quy mô tài sản hơn 140 nghìn tỷ đồng, trong đó quy mô cho vay gần 84 nghìn tỷ đồng. Năm ngoái, lợi nhuận sau thuế năm 2018 của ngân hàng này chỉ đạt gần 500 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này đến sau khi ngân hàng ghi nhật tăng trưởng bất thường lãi từ hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán trong năm 2018 (410 tỷ đồng so với 150 tỷ đồng năm 2017).

Trong khi đó, danh mục cho vay của ngân hàng tăng 20% trong năm ngoái với tỷ lệ nợ xấu (nhóm 3,4,5) là 1,5%. Ngoài ra, ngân hàng còn ghi nhận một khoản nợ có khả năng mất vốn chờ xử lý khoảng 700 tỷ đồng.

Báo cáo năm 2017 của ngân hàng cho biết, gần 16% quy mô cho vay tập trung vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô và xe máy. Khoảng 7,5% là cho vay bất động sản và gần 10% khác là cho vay dịch vụ lưu trú, ăn uống và hơn 10% khác cho vay vui chơi giải trí.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/seabank-dung-sau-vu-thau-tom-khach-san-intercontinental-hanoi-westlake-1552008185789.htm