Ngân hàng 'đua' huy động tiền gửi lãi cao: Cần tiền vì...

Phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao nhằm giảm chỉ tiêu về tỷ lệ vốn ngắn hạn, bù đắp lợi nhuận, mở rộng hệ thống...

Sau SeABank, đến lượt Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và mới đây nhất là ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) phát hành chứng chỉ tiền gửi. Cuộc đua huy động vốn thông qua chứng chỉ tiền gửi giữa các ngân hàng đẩy mức lãi suất lên đến 8,9%/năm. So với lãi suất tiết kiệm, lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao hơn từ 1,2 - 1,5%/năm.

Ngân hàng chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi. Ảnh: VietTimes

Ngân hàng chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi. Ảnh: VietTimes

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 25/3/2019, tín dụng đối với toàn nền kinh tế mới chỉ tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức 3,5% cùng kỳ năm 2018 và 4,3% cùng kỳ năm 2017.

Câu hỏi đặt ra, tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng các ngân hàng gia tăng huy động vốn, lãi suất huy động vẫn không giảm, thậm chí còn tăng ở các kỳ hạn dài. Vậy dòng tiền được huy động đang đổ vào nguồn nào?

Trả lời câu hỏi trên, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS Bùi Quang Tín cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thấp một phần do giới hạn chỉ tiêu tăng trưởng. Theo giới hạn chỉ tiêu, năm 2019, các ngân hàng chỉ được tăng trưởng tín dụng tối đa từ 12-15%, tỉ lệ tăng trưởng khá thấp.

Tuy nhiên, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của nhiều ngân hàng đã vượt mức 40%, như vậy, sử dụng vốn vay ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng gần như đã bị bịt hết các cửa. Việc này đã tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tăng cường tìm kiếm nguồn vốn dài hạn để cho vay ngắn và trung hạn.

Cách huy động được nguồn vốn trung và dài hạn tốt nhất là thông qua trái phiếu ngân hàng hoặc dựa vào cơ chế tiền gửi. Với cơ chế tiền gửi, người gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng nhưng chưa đến hạn có thể đi rút tiền và chấp nhận mức lãi suất thấp không kỳ hạn, nhưng đối với chứng chỉ tiền gửi, người mua sẽ không thể rút tiền mà chỉ có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay tiền ngân hàng khi cần.

Trao đổi thêm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, cuộc chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng còn do quy định của Ngân hàng nhà nước. Theo yêu cầu của tiêu chuẩn Basel II, các ngân hàng phải tăng nguồn vốn tự có, trong đó, nguồn vốn trung và dài hạn được xếp vào nguồn vốn tự có của các ngân hàng, vì thế, các ngân hàng phải đẩy mạnh việc huy động vốn trung và dài hạn thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Ông Thịnh giải thích thêm, yêu cầu tăng vốn tự có còn phụ thuộc vào yêu cầu phát triển mạng lưới, xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí đổi mới các hoạt động của ngân hàng. Các chi phí cho đầu tư hạ tầng là rất lớn, các ngân hàng không có đủ nguồn lực để thực hiện việc này, do đó, phải thông qua huy động vốn vay trung và dài hạn lấy đó bù đắp một phần chi phí bỏ ra.

Ngay cả yêu cầu xử lý nợ xấu cũng là bài toán không đơn giản đối với các ngân hàng, để xử lý được việc này cũng cần phải có chi phí, phải có tiền.

Theo ông Thịnh, trong bối cảnh việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng kém thuận lợi thì gia tăng huy động vốn kỳ hạn dài vẫn là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giảm chỉ tiêu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với mức lãi suất phù hợp.

Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tạo áp lực tăng đối với lãi suất cho vay các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cho nên lãi suất cho vay trung dài hạn rất khó giảm như kỳ vọng, đặc biệt là cho vay tiêu dùng mua nhà, mua ô tô.

Một điểm nữa cũng được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc tín dụng bị siết lại sẽ ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận nhà băng, bởi 70% nguồn thu nhập, lãi suất của các nhà băng đều đến từ các hoạt động cho vay. Do đó, để tăng lợi nhuận mà vẫn không vượt chỉ tiêu tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, một số nhà băng lựa chọn giải pháp thu xếp vốn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn.

NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng cho từng ngân hàng

Ngoài ra, một số ngân hàng đang đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ khác ngoài cho vay tín dụng, ví dụ hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending).

Sự phát triển của nền tảng này không những đe dọa mô hình tín dụng truyền thống mà cũng là một phần nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm thời gian qua.

Đối với người gửi, trao đổi với Đất Việt, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đưa ra khuyến cáo, người mua chứng chỉ tiền gửi cũng cần phải tính toán kỹ, chỉ nên mua khi có nguồn vốn nhàn rỗi dài hạn. Chứng chỉ tiền gửi hấp dẫn nhất ở góc độ lãi suất, kế đến là mức độ tiếp cận khá dễ dàng nhưng khi có nhu cầu rút vốn thì buộc phải chờ đến thời điểm đáo hạn. Nếu chứng chỉ tiền gửi chưa đến hạn thanh toán mà người mua có nhu cầu về vốn thì có thể thế chấp chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng phát hành, nhưng mức lãi suất cho vay sẽ không hề dễ chịu.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ngan-hang-dua-huy-dong-tien-gui-lai-cao-can-tien-vi-3378429/