Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động

Thị trường tiền tệ trong vài ngày đầu tháng 7 đã ghi nhận 'cú sốc' khi các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động, thiết lập một mặt bằng lãi suất mới, bỏ xa trần quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ngay từ ngày đầu tiên của tháng 7, một loạt “ông lớn” trên thị trường ngân hàng đã hạ lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục. Mức lãi suất huy động VND cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 6,1%/năm thay vì 6,6%/năm trước đó. Tương tự, lãi suất tiết kiệm tại VietinBank cũng được điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Tại BIDV, lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn ở mức 6%/năm.

Đáng chú ý, không phải chỉ các ngân hàng lớn, một loạt các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng vào cuộc. Ngày 1-7, VPBank và Teccombank đều phát đi thông tin giảm lãi suất huy động đối với tất cả các sản phẩm tiết kiệm và tiền gửi kỳ hạn. Hay một loạt các ngân hàng khác như Sacombank, HDBank, VIB... cũng đều đã chính thức giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn. Gây chú ý nhiều nhất đó là mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại Techcombank hiện xuống chỉ còn 3,4 - 3,6%/năm- mức thấp nhất ghi nhận đến thời điểm hiện nay. Ngoài ra, một số ngân hàng khác cho biết cũng sẽ điều chỉnh giảm lãi suất huy động kể từ đầu tuần tới.

Thực ra câu chuyện giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế khó khăn vì dịch bệnh không lạ, và thực tế nó đã được các nhà băng thực hiện rải rác từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mức lãi suất thấp rời xa trần quy định của NHNN, dù cơ quan này không hề có thêm động thái điều hành nào cho thấy thị trường đang tự điều chỉnh để thích ứng.

Trong thời gian tới, áp lực giảm lãi suất còn tiếp diễn.

Trong thời gian tới, áp lực giảm lãi suất còn tiếp diễn.

Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng việc các ngân hàng giảm lãi suất chủ yếu do cung cầu thị trường, cũng là theo định hướng của Chính phủ và NHNN để có thể giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng các ngân hàng điều chỉnh lãi suất giảm là để tự cứu mình trong bối cảnh dư thừa vốn, còn tín dụng tăng quá thấp. Trong báo cáo phân tích của mình, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam - KBSV cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh này đó là thanh khoản dư thừa và các ngân hàng muốn giảm mạnh chi phí vốn đầu vào.

Hiện nay, vốn đầu ra bị tắc nghẽn do tín dụng trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 (tính đến ngày 19-6 tín dụng chỉ tăng 2,45% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là 6,22%) trong khi kể từ tháng 4 đến nay có một lượng lớn tín phiếu NHNN đáo hạn (đồng nghĩa với việc NHNN đã bơm ra hệ thống khoảng gần 150 nghìn tỷ đồng). Do vậy, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 6 đã giảm tiệm cận về 0% trong khi dòng tiền chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu chính phủ (TPCP).

Số liệu tăng trưởng tín dụng thấp cũng được lãnh đạo NHNN báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương mới đây. Cụ thể, theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, nhu cầu tín dụng trong tháng 4 và tháng 5 khá yếu, nhưng tín dụng tăng trở lại, mức khá mạnh bắt đầu từ tháng 5.

“Năm nay tinh thần của NHNN là chủ động điều chỉnh tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, nên NHNN đã điều chỉnh một loạt chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng thương mại, những ngân hàng nào lành mạnh, tín dụng đổ mạnh vào các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế thì có thể được điều chỉnh cao hơn nhu cầu”, Thống đốc NHNN nêu rõ.

Tuy nhiên, dù đã tăng trở lại, song để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10% không hề đơn giản, vì vậy, việc các nhà băng đồng lòng giảm lãi suất huy động để tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ, mong giảm lãi suất cho vay là điều thực sự cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề không còn nằm ở việc lãi suất thấp hay cao, mà doanh nghiệp không thể phát triển sản xuất kinh doanh nên vốn giá rẻ cũng không thể vay nên ngân hàng cứ huy động nhiều, trả lãi cao mà không cho vay được hoặc cho vay rẻ thì chỉ càng thêm lỗ.

Vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong thời gian tới, không có áp lực nào để tăng lãi suất, mà còn có áp lực giảm lãi suất để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nên khả năng cả lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục giảm từ 1-1,5%.

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/ngan-hang-dong-loat-ha-lai-suat-huy-dong-601614/