Ngân hàng dồn vốn nhiều hơn vào xu hướng mới

Diễn biến này thể hiện rõ hơn qua nửa đầu 2020, trong bối cảnh tín dụng 'kẹt' đầu ra.

Ảnh minh họa.

. Tín dụng đầu ra tăng trưởng rất thấp so với nhiều năm trước

. Kinh doanh trên liên ngân hàng cũng hạn chế khi lãi suất liên tục tìm đáy

. Trái phiếu trở thành xu hướng, mở rộng nhanh, hút lượng vốn ngày càng lớn từ các ngân hàng

Thông tin cập nhật gần nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 29/6, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng mới chỉ ở mức 3,26% so với đầu năm, giảm mạnh so với mức tăng 5,7% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vay vốn hạn chế, dòng tiền cho vay ra của nhà băng theo đó cũng bị "tắc".

Ở một hướng khác, tăng trưởng tín dụng chậm còn xuất phát từ việc các nhà băng đang trở nên thận trọng hơn khi giải ngân mới nhằm hạn chế rủi ro tín dụng trong tương lai.

Trong khi đó, trên thị trường hai đã không còn chứng kiến những đợt biến động mạnh và khác thường của lãi suất VND như 3 tháng đầu năm.

Thay vào đó, thanh khoản dồi dào khiến lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn liên tục giảm từ giữa tháng 3 tới nay, hiện đang ở vùng thấp kỷ lục quanh 0,19% ở kỳ hạn qua đêm, 0,23% kỳ hạn 1 tuần; 0,32% kỳ hạn 2 tuần và 0,58% ở kỳ hạn 1 tháng.

Nguồn vốn dồi dào trong khi tắc tín dụng đầu ra khiến nhiều ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, đa dạng hóa các kênh đầu tư để khai thác tối đa hiệu quả đồng vốn. Một trong số đó là kênh đầu tư trái phiếu.

Khảo sát của BizLIVE tại nhiều ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, đây cũng là một trong những dịch chuyển nổi bật trong hoạt động ngân hàng Việt trong 6 tháng đầu năm 2020.

Mặc dù trái phiếu là điểm đến quen thuộc, nhưng việc mở rộng dòng chảy và dồn vốn vào ngày một nhiều hơn ở kênh này là xu hướng mới thể hiện các kỳ cập nhật vài năm gần đây.

Vietcombank là một ví dụ. Khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán trong báo cáo mới công bố cho thấy, ngân hàng đang nắm hơn 18.000 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành.

Trong khi khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn cũng có 45.569 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành.

Theo đó, tổng lượng trái phiếu của các TCTD khác mà Vietcombank đang nắm giữ ở mức 63.575 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm và chiếm 5,36% tổng tài sản ngân hàng, so với tỷ trọng 4,98% hồi đầu năm.

Tại MB, mặc dù chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành trong khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán giảm nhẹ 10% xuống 20,4 nghìn tỷ đồng, nhưng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành lại tăng tới 82%, lên hơn 22,1 nghìn tỷ đồng.

MB cho biết, trái phiếu do các TCTD khác phát hành có kỳ hạn từ 9 tháng đến 5 năm, với lãi suất từ 5,7% đến 9,5%/năm. Trong khi đó, trái phiếu do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành có kỳ hạn từ 1 năm đến 14 năm với lãi suất từ 8% đến 11,4%/năm.

Rõ ràng, mức lãi suất này hấp dẫn hơn rất nhiều so với mức lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Tương tự, tại VPBank, lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đã mua vào tính đến cuối tháng 6/2020 đã lên tới 27,83 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.

Tổng lượng trái phiếu, bao gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu của TCTD khác và trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng này nắm giữ đã lên tới hơn 75,4 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm và chiếm tới 18,9% tổng tài sản ngân hàng.

Trong khi đó, tại Techcombank, mặc dù lượng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu của các TCTD khác phát hành giảm nhẹ nhưng lượng trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm sẵn sàng để bán và giữ đến ngày đáo hạn) lại tăng tới 27% so với đầu năm, hiện đang ở mức 38,87 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 9,82% tổng tài sản, so với tỷ trọng 8% hồi đầu năm.

Khác với các nhà băng trên, TPBank lại đầu tư mạnh vào trái phiếu Chính phủ khi lượng trái phiếu nắm giữ tại ngân hàng đã tăng gấp đôi chỉ sau 6 tháng, lên 11,3 nghìn tỷ đồng.

Lượng trái phiếu doanh nghiệp của TPBank cũng tăng gấp 2,2 lần, lên 10,45 nghìn tỷ đồng. Tổng lượng chứng khoán sẵn sàng để bán của ngân hàng theo đó đã lên mức hơn 38 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020, tăng 46,6% so với đầu năm.

Như trên, khi cho vay trên thị trường 1 và 2 trở nên khó khăn hơn, thì trái phiếu chính là kênh đầu tư ưa thích của nhiều ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Tùy thuộc vào cân đối vốn và khẩu vị rủi ro, tỷ lệ phần trăm vốn rót vào kênh này của mỗi nhà băng sẽ khác nhau. Đồng thời, lựa chọn về loại trái phiếu và kỳ hạn trái phiếu để đầu tư cũng có sự phân hóa mạnh giữa các ngân hàng.

TRẦN THÚY

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//tai-chinh/ngan-hang-don-von-nhieu-hon-vao-xu-huong-moi-3549355.html