Ngân hàng dồn dập báo lãi lớn

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang ở vùng giá hấp dẫn, đà tăng trưởng sẽ còn tiếp tục được duy trì, thậm chí có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới khi hàng loạt nhà băng vừa hé lộ những con số lợi nhuận ấn tượng.

Nhiều nhà băng báo lãi nghìn tỷ. Nguồn: Internet

Giới phân tích chứng khoán cho biết gần đây, "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt, các tổ chức quốc tế nâng xếp hạng của các nhà băng và đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Vì vậy, nhà đầu tư được khuyến cáo nên quan tâm đến nhóm cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ những yếu tố trên.

Gia tăng số nhà băng lãi nghìn tỷ

Thời điểm này, các ngân hàng bắt đầu rục rịch công bố kết quả kinh doanh quý III với mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 40%. Đáng chú ý, trong quý này, nhiều nhà băng đã gia nhập vào "câu lạc bộ" lợi nhuận nghìn tỷ.

Điển hình là TPBank vừa báo lãi trước thuế hơn 1.600 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017, hoàn thành 75% mục tiêu kế hoạch cả năm. Lãnh đạo TPBank tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu 2.200 tỷ đồng trong năm nay.

Tương tự, Techcombank cũng vừa ghi nhận con số lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lãnh đạo nhà băng này cho biết mục tiêu lợi nhuận 10.000 tỷ đồng trong năm 2018 hoàn toàn nằm trong "tầm tay".

Dù chưa có báo cáo tài chính quý III, song lãnh đạo Vietcombank cho hay, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này trong 9 tháng ước vượt mức đạt được của cả năm 2017 (11.000 tỷ đồng), tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2017.

Vietcombank dự kiến vượt mục tiêu lợi nhuận 13.000 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) dự báo khả năng Vietcombank đạt 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay.

Một số ngân hàng khác chưa công bố lợi nhuận song cũng đã tiết lộ lợi nhuận ước vượt mức đạt được của cả năm 2017 và vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm như: OCB, BIDV, VIB…

Cổ phiếu tiếp tục hot

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiến hành hồi tháng 9, lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân 18,63% trong năm 2018, đồng thời hơn 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2017.

Các chuyên gia đánh giá, thu nhập của các ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và gia tăng mạnh từ các mảng khác, như mảng mua bán chứng khoán đầu tư, dịch vụ.

Số liệu cung cấp từ StoxPlus – đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin tài chính và kinh tế ở Việt Nam cho thấy, nhờ sự cải thiện về hiệu quả tài chính, tiến trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh và phát triển hợp tác bán bảo hiểm và tăng trưởng mạnh của dịch vụ ngân hàng bán lẻ/cho vay cá nhân, tính riêng trong nửa đầu năm 2018, lĩnh vực ngân hàng đã thu về được 35.524,84 tỷ đồng, tương đương với 1,53 tỷ USD lợi nhuận ròng, bằng khoảng 64% so với cả năm ngoái.

HSC dự báo lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 45,2% trong năm 2018.

Theo StoxPlus, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng mạnh đã giúp cổ phiếu trở nên hấp dẫn trở lại. Đến tháng 9/2018, cổ phiếu nhóm ngành này đã tăng 22% so với hồi đầu năm. Chỉ tiêu lãi cơ bản/cổ phiếu (EPS) ngành ngân hàng sẽ đạt 29,9% tính đến cuối năm 2018.

Các nhà phân tích có cái nhìn lạc quan hơn khi đưa ra con số dự báo EPS tăng 42,1%, còn ban điều hành nhà băng dự báo tăng 35,7%.

Các chuyên gia cho rằng dù có sự chênh lệch như vậy, nhưng nhìn chung EPS của ngành ngân hàng đang có sự tăng trưởng tốt và sẽ tiếp tục bứt phá trong những tháng cuối năm 2018, kéo dài sang nửa đầu năm 2019.

Cùng với cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường chứng khoán với đóng góp tới 40% vào tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và chiếm 47% giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tính từ đầu năm 2018 đến nay.

Đánh giá triển vọng về cổ phiếu ngành ngân hàng trong thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mặc dù giá trị cổ phiếu của mỗi ngân hàng sẽ phụ thuộc vào bản thân mỗi đơn vị và hệ thống ngân hàng, nhưng vẫn có yếu tố tác động như nền kinh tế trong nước và thế giới.

Hiện nay, kinh tế trong nước yếu tố vĩ mô đang được điều hành tốt, các chỉ số tăng trưởng kinh tế cao, đạt mục tiêu. Ngược lại, kinh tế thế giới có những biến động khiến thị trường chứng khoán thế giới có những phiên chao đảo, điều đó cũng ảnh hưởng đến chứng khoán trong nước.

"Không nên đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng theo kiểu ăn xổi. Đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng phải là đầu tư dài hạn, dùng tiền của mình để đóng góp cho ngân hàng hỗ trợ ngân hàng kiếm lời, từ đó chính cổ phiếu của mình "sinh hoa nảy trái" và mình có lời cùng ngân hàng qua việc chia cổ tức", ông Hiếu nói.

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/ngan-hang-don-dap-bao-lai-lon-151946.html