Ngân hàng đề thi VSTEP ít khiến trường e ngại về chất lượng chứng chỉ

Nhiều trường ĐH thừa nhận do chứng chỉ VSTEP còn khá mới mẻ, độ nhận diện đối với HS, SV chưa cao là lý do các trường có sự cân nhắc khi sử dụng VSTEP.

Tính đến tháng 8 năm 2022, cả nước có 25 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thi và cấp chứng chỉ VSTEP.

Tuy nhiên, năm 2022, chỉ có duy nhất 2 đơn vị là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển đại học.

Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không sử dụng chứng chỉ VSTEP để quy đổi điểm ngoại ngữ cho kỳ thi tốt nghiệp, trong khi Bộ Giáo dục đã chính thức thông qua chứng chỉ này.

Về xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên, cũng có rất nhiều đơn vị vẫn sử dụng chứng chỉ tiếng Anh khác thay vì quy định chứng chỉ VSTEP là yêu cầu bắt buộc.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Trường đại học “e ngại" khi dùng VSTEP vì còn nhiều câu hỏi đặt ra với chất lượng

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một đại diện của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong kế hoạch tuyển sinh của trường từ trước đến nay đều không sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển (kể cả các chứng chỉ thông dụng như IELTS, TOEFL,... chứ không riêng gì chứng chỉ VSTEP).

Vị đại diện này cho biết thêm, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh mới được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP từ tháng 2 năm nay (tháng 2/2022). Do vậy, tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa có số liệu thống kê cụ thể nào liên quan đến việc thực hiện chứng chỉ này tại trường. Hiện chứng chỉ VSTEP đã được đưa vào để đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên của trường, tuy nhiên không phải là yêu cầu bắt buộc, theo đó sinh viên có quyền lựa chọn giữa chứng chỉ tiếng Anh khác và chứng chỉ VSTEP.

Không chỉ riêng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính, qua tìm hiểu của phóng viên với đại diện của một số trường đại học, đa số các đơn vị đều thừa nhận do chứng chỉ VSTEP còn khá mới mẻ, độ nhận diện đối với học sinh, sinh viên còn chưa cao là lý do các trường có sự cân nhắc khi muốn sử dụng chứng chỉ này.

Ngoài ra, một lý do quan trọng khác chính là lo ngại về chất lượng của đề thi VSTEP. Một trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (của một cơ sở giáo dục đại học thuộc 1 trong 25 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép tổ chức thi chứng chỉ VSTEP) tiết lộ:

“Bộ đề thi VSTEP do Trung tâm Khảo thí Quốc gia - Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào) phát hành. Tuy nhiên hiện nay theo tôi được biết ngân hàng đề thi này chỉ có khoảng hơn 30 đề, chưa kể nội dung đề thi còn được thiết kế theo kiểu chắp vá, đề thi một phần giống IELTS, một phần giống TOEFL,... Do vậy, những lo ngại về chất lượng đề thi là điều đương nhiên.

Nguồn đề và số lượng ngân hàng đề thi chưa đủ lớn để tạo ra tính khách quan cao, mà cái này là vấn đề thuộc của Bộ Giáo dục chứ không phải của các trường đại học”.

Vị này cho rằng, trong tương lai, khi có nguồn lực đủ lớn (nguồn lực ở đây bao gồm các yếu tố để xây dựng nên một kỳ thi đạt theo quy chuẩn quốc tế) để tạo ra một kỳ thi có độ uy tín cao thì chứng chỉ VSTEP mới được các trường đại học và người học tin tưởng sử dụng rộng rãi.

Vừa qua, khi một số đơn vị tổ chức thi chứng chỉ IELTS phải hoãn thi khiến nhiều gia đình đứng ngồi không yên, nhiều người còn sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sang nước khác thi chứng chỉ IELTS đã phơi bày “cơn sốt” IELTS tại Việt Nam. Đáng nói, không chỉ riêng các trường hợp đi du học cần chứng chỉ này mà vài năm qua, chứng chỉ IELTS cũng được nhiều cơ sở giáo dục đại học ưu tiên dùng để xét tuyển đầu vào hoặc làm tiêu chí đầu ra.

Giải pháp giúp tránh tình trạng “bỏ rơi” chứng chỉ VSTEP

Việc chứng chỉ trong nước "kém chuộng" hơn so với chứng chỉ ngoại như IELTS, TOFEL,... đặt ra nhiều vấn đề lớn cần đáng quan tâm.

Thứ nhất, chính là câu hỏi về chất lượng nền giáo dục của đất nước. Vì sao chứng chỉ VSTEP của Việt Nam lại không được nhiều người học lựa chọn, trong khi chúng ta đã đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng một chứng chỉ riêng theo quy chuẩn quốc tế, với mục tiêu đưa chứng chỉ VSTEP được sử dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước và được thế giới công nhận.

Thứ hai, chúng ta đang để một sự lãng phí nguồn tiền lớn chảy ra nước ngoài (cụ thể, chi phí cho một lần thi IELTS là gần 5 triệu, và chi phí ôn thi IELTS thường là những con số hàng chục, hàng trăm triệu).

Vậy làm sao để ngăn chặn sự lãng phí và “chảy máu” nguồn lực dòng tiền Việt Nam ra nước ngoài?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Biện Hoàng Thạch - Giảng viên tiếng Anh tại FPT Education (đồng thời là người sáng lập và là Giám đốc Công ty Giáo dục và Đào tạo Mr Biện) đưa một số kiến nghị, giải pháp giúp nâng cao chất lượng thực của bài thi VSTEP, là kết quả thực chất, tin cậy giúp các trường đại học có cơ sở tuyển sinh và đánh giá chất lượng năng lực ngoại ngữ của người học hiệu quả, thay vì tình trạng “bỏ rơi” VSTEP như hiện nay.

Thạc sĩ Biện Hoàng Thạch - Giảng viên tiếng Anh tại FPT Education. Ảnh: NVCC

Theo Thạc sĩ Biện Hoàng Thạch, để nâng cao hiệu quả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ VSTEP, các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc công tác ra đề, coi thi và chấm bài một cách minh bạch, khách quan. Nội dung đề thi cần chọn lọc và thông qua hội đồng duyệt đề.

Các trường nên sử dụng VSTEP để đánh giá chuẩn đầu ra của sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận và ôn luyện VSTEP thường xuyên hơn.

Ngoài ra, Thạc sĩ Biện Hoàng Thạch còn nhấn mạnh đến việc đào tạo giáo viên một cách bài bản và có quy mô, cùng việc mở rộng các trung tâm luyện thi VSTEP có chuyên môn và trình độ cao tới các tỉnh thành trên cả nước.

Là một giảng viên trực tiếp giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học, thầy Biện Hoàng Thạch cho rằng lý do khiến nhiều trường vẫn chưa chính thức áp dụng chứng chỉ VSTEP để xét chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên là do thói quen của sinh viên và độ phổ biến của chứng chỉ VSTEP chưa cao. Cụ thể, thầy Thạch cho biết:

“Một số trường vẫn sử dụng chứng chỉ nội bộ để xét tuyển đầu ra. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu là các trường hiện chưa thể triển khai đồng bộ đến sinh viên để triển khai tổ chức thi. Sinh viên đã quen với chứng chỉ nội bộ của trường. Hơn nữa, hiện chưa có nhiều đơn vị tổ chức ôn thi và tiếp cận với VSTEP, vì thế nên việc ôn thi chứng chỉ nội bộ sẽ thuận lợi hơn”.

Để chứng chỉ VSTEP trở thành chuẩn đầu ra tiếng Anh của các cơ sở giáo dục, thầy Thạch cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách để khuyến khích các trường thích ứng nhanh với chuẩn VSTEP. Cụ thể:

“Theo tôi, Bộ Giáo dục cần truyền thông rộng rãi và có thêm nhiều chính sách nhằm khuyến khích các trường áp dụng thi đầu vào VSTEP và chọn VSTEP làm chuẩn đầu ra để cấp bằng đại học, cao đẳng cho sinh viên.

Ngoài ra, cần trang bị đầy đủ năng lực và các kỹ năng cần thiết cho đội ngũ giáo viên về nguồn học liệu, ra đề, chấm thi; Thường xuyên tổ chức các khóa mời chuyên gia đào tạo và tập huấn cho đội ngũ phụ trách ra đề và chấm thi.

Các thầy cô giáo cũng cần lồng ghép định dạng VSTEP vào các bài học trên lớp để người học làm quen và thông thạo về định dạng và kỹ năng cần thiết khi làm bài”.

Theo Thạc sĩ Biện Hoàng Thạch, việc chứng chỉ VSTEP được đồng bộ tại hầu hết các cơ sở giáo dục sẽ tạo nên sự thống nhất về 1 khung năng lực tiếng Anh chung để làm chuẩn đầu ra, đảm bảo được tính hệ thống, nhất quán.

“Điều này giúp Bộ Giáo dục dễ quản lý chất lượng năng lực ngoại ngữ của sinh viên và các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời các trường cũng duy trì được 1 chuẩn năng lực có uy tín, đã được thẩm định của nước nhà. Về phía người học, điều này cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn trong việc lên kế hoạch ôn luyện và đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ”.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ngan-hang-de-thi-vstep-it-khien-truong-e-ngai-ve-chat-luong-chung-chi-post231670.gd