Ngân hàng đẩy mạnh phát triển dịch vụ để tăng trưởng bền vững

6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận của các ngân hàng tiếp tục khởi sắc, trong đó có sự đóng góp đáng kể của tăng trưởng từ thu nhập dịch vụ.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khởi sắc, thu nhập từ tín dụng tăng trưởng tốt. Cùng với đó, các hoạt động ngoài lãi cũng đạt được kết quả lạc quan, góp phần gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu thu nhập của các nhà băng. Điển hình là hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều ngân hàng.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ để tăng trưởng bền vững, hướng đi mới của ngành ngân hàng hiện nay. (Ảnh minh họa: KT)

Vietcombank hiện là ngân hàng có lãi từ dịch vụ cao nhất, đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 418 tỷ đồng tương đương với 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập từ các hoạt động dịch vụ đạt 3.278 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.

Một số ngân hàng khác là Sacombank, MBBank, ACB, VIB, TPBank và LienVietPostBank có tốc độ tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ khá cao, trên 30%. Cụ thể, VIB tăng gần gấp đôi đạt 315 tỷ, TPBank tăng gấp 3 lần đạt 244 tỷ, LienVietPostBank tăng 145% đạt gần 42 tỷ đồng. Tổng lãi từ dịch vụ của 11 ngân hàng đã công bố tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017.

Việc nhiều ngân hàng có lãi từ dịch vụ tăng mạnh dù không phát sinh những khoản thu đột biến cho thấy, lợi nhuận ngành ngân hàng đang có sự tăng trưởng ấn tượng, không chỉ về lượng mà còn về chất.

Theo TS. Trần Du Lịch, nếu ngân hàng thương mại tăng tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ thay vì duy trì tăng trưởng bằng lãi suất tiền gửi cho vay thì đây là xu hướng tốt. Bởi lâu nay phần lớn doanh thu ngân hàng thương mại phụ thuộc vào lợi nhuận và kiếm lời từ lãi suất huy động và cho vay. Đến nay xu hướng này đã thay đổi, các ngân hàng thương mại chú trọng nhiều hơn đến phát triển hoạt động dịch vụ, đa dạng hóa các loại dịch vụ về tài chính ngân hàng để tạo nguồn thu ổn định, bền vững, đây là hướng đi đúng.

TS. Trần Du Lịch phân tích, hiện nay các ngân hàng thương mại hướng nhiều đến thị trường tiền tệ với vốn ngắn hạn, nguồn vốn dài hạn dựa vào hoạt động chứng khoán, bảo hiểm hay các nguồn khác. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường vốn phát triển hạn chế, nếu ngân hàng thương mại phát triển phụ thuộc nhiều vào cho vay, ăn chênh lệch lãi suất thì sẽ không bền vững.

Nếu các ngân hàng thương mại đảm đương cả chức năng thu hút vốn trung hạn, dài hạn tức “thâu tóm” cả thị trường tiền tệ, thị trường vốn thì sẽ tạo ra rủi ro lớn. Bởi xu hướng chung hiện nay là giảm dần phụ thuộc, giống như trước đây các ngân hàng thương mại mua nhiều Trái phiếu Chính phủ nhưng nay tỷ lệ đã giảm đi nhiều, chỉ còn trên 50%.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù cơ cấu nguồn thu đang dần dịch chuyển, nhưng lợi nhuận của ngành ngân hàng Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào tín dụng, nhất là với các ngân hàng quy mô nhỏ.

“Muốn phân tán rủi ro từ hoạt động cho vay, giảm dần phụ thuộc vào tín dụng, các ngân hàng nên đẩy mạnh phát triển dịch vụ để tăng trưởng bền vững, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa mảng bán lẻ, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ”, TS. Trần Du Lịch cho hay./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/ngan-hang-day-manh-phat-trien-dich-vu-de-tang-truong-ben-vung-794859.vov