Ngân hàng có quyền phong tỏa tài khoản khách hàng?

Bản án kinh doanh thương mại của tòa án cho rằng, ngân hàng không có thẩm quyền phong tỏa tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên, ngân hàng phản ứng, tòa án giải quyết như vậy làm ảnh hưởng quyền lợi của ngân hàng.

Vụ kiện giữa Công ty TNHH Chế tạo cơ khí Hoa Sen (Hoa Sen) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) có liên quan đến giao dịch tiền gửi. Theo đó, năm 2018, VIB có phong tỏa 3 sổ tiết kiệm tổng số tiền là 3 tỷ đồng đứng tên bà Nguyễn Thị Hương, cán bộ kế toán của Công ty Hoa Sen và sau đó gỡ bỏ phong tỏa để đối trừ khoản nợ khác của cá nhân bà Hương.

Trước việc phong tỏa này, Công ty Hoa Sen đã đề nghị VIB gỡ phong tỏa và trả lại số tiền trên, vì đây là tiền của Công ty, không phải tiền của cá nhân bà Hương. VIB không chấp nhận.

Sự việc không giải quyết được, Công ty Hoa Sen đã khởi kiện ra tòa án.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa án xác minh được vào ngày 16/4/2018, bà Nguyễn Thị Hương đến Ngân hàng nộp tiền trả góp mua xe ô tô cho Công ty Hoa Sen và được giao dịch viên tư vấn rằng: nên rút số tiền nhàn rỗi từ tài khoản Công ty để gửi tiết kiệm thì sẽ có lãi suất cao hơn.

Bà Hương nghe theo tư vấn và về hỏi ý kiến lãnh đạo Công ty. Hội đồng thành viên Công ty đã đồng ý ký giấy ủy nhiệm chi để bà Hương đến Ngân hàng giao dịch gửi tiền tiết kiệm đứng tên Công ty. Tuy nhiên, việc gửi tiền này sau đó được thực hiện dưới tên bà Hương, với 3 sổ tiết kiệm và bà Hương mang về bàn giao cho thủ quỹ Công ty.

Vài ngày sau, Công ty bất ngờ nhận được thông báo của VIB là Ngân hàng đã phong tỏa số tiền gửi tiết kiệm. Lúc này, doanh nghiệp mới kiểm tra lại thì phát hiện các sổ tiết kiệm đứng tên bà Hương.

Tại tòa án, các bên đều tranh cãi về nguồn gốc số tiền trên và vấn đề phong tỏa tài khoản. Cơ quan tố tụng đã chứng minh nguồn gốc số tiền trên là của Công ty Hoa Sen và điều này thể hiện rất rõ ở các bảng kê tiền.

Ðáng chú ý, trong phần nhận định, tòa án cho rằng, Ngân hàng không có thẩm quyền phong tỏa tài khoản của khách hàng. Theo tòa án, phong tỏa tài khoản là một biện pháp cưỡng chế trong tố tụng dân sự, tố tụng hình sự, là một biện pháp hành chính và phải do người có thẩm quyền thực hiện. Trong khi đó, việc phong tỏa trong vụ kiện này được thực hiện theo một thông báo của VIB. Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và các luật khác không có quy định ngân hàng được quyền phong tỏa tài khoản khách hàng cá nhân.

Trên thực tế, trong hầu hết các hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và khách hàng đều có thỏa thuận về quyền được xử lý tài sản bảo đảm hoặc tiền trong tài khoản tiền gửi, tiền trong sổ tiết kiệm hoặc trong bất kỳ tài khoản nào của bên vay để thu hồi nợ trong các trường hợp khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Chẳng hạn, hợp đồng tín dụng giữa VIB và bà Nguyễn Thị Hương và chồng là ông Trần Văn Dần có điều khoản “VIB được quyền trích tài khoản tiền gửi của bên vay mở tại VIB để thu hồi gốc, lãi và các khoản phí phát sinh (nếu có) theo biểu phí của VIB” và “nếu bên vay hoặc bên bảo lãnh (nếu có) vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào trong hợp đồng này hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay thì VIB được quyền quyết định trích tiền từ bất kỳ tài khoản nào của bên vay để thu hồi nợ trước hạn”.

Theo luật sư Chu Ðông, Trưởng văn phòng luật sư Chu Ðông, nếu không phải cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thì ngân hàng không được phép tự động phong tỏa tài khoản của khách hàng. Việc này là vi phạm pháp luật. Nếu để thu hồi nợ, ngân hàng phải khởi kiện ra tòa án.

Còn theo luật sư Vũ Ngọc Chi, Công ty Luật Tam Anh, nếu ngân hàng và khách hàng đã có thỏa thuận về xử lý tiền trong tài khoản khi khách hàng có sự vi phạm nghĩa vụ, ngân hàng có quyền trích tài khoản và không nhất thiết phải ra thông báo phong tỏa tài khoản. Tất nhiên, ngân hàng phải đảm bảo đó là tiền của khách hàng. Trường hợp chứng minh được dòng tiền và tiền đó không thuộc sở hữu của khách hàng thì vấn đề sẽ khác.

Bùi Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/ngan-hang-co-quyen-phong-toa-tai-khoan-khach-hang-272893.html