Ngân hàng Chính sách xã hội chung tay xóa đói, giảm nghèo ở Lai Châu

Đến nay, UBND huyện Mường Tè (Lai Châu) đã ưu tiên dành nguồn vốn ngân sách địa phương 1,3 tỷ đồng ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Không phải ngẫu nhiên UBND huyện Mường Tè lại quan tâm, chỉ đạo sát sao đến hoạt động ủy thác vốn sang Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đánh giá của chính quyền và các hội, đoàn thể của huyện này, các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng đã giúp người dân thay đổi nhận thức, giúp hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, tăng dần vị thế trong xã hội; đã giải quyết kịp thời những vấn đề thiết yếu của cuộc sống trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác dần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với huyện Mường Tè

Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng phát biểu tại buổi làm việc với huyện Mường Tè

Đặc biệt, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho Thường trực Huyện ủy, UBND huyện trong việc chỉ đạo các ngành, các xã phối hợp với Ngân hàng thực hiện tốt các chương trình tín dụng, hướng dẫn kỹ thuật, sản xuất, chăn nuôi, lồng ghép với các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục, giảm nghèo bền vững và nông thôn mới.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Tè đạt trên 218 tỷ đồng, tăng 7,6 tỷ đồng so với năm 2017. Tổng dư nợ cho vay 12 chương trình tín dụng đạt 217,7 tỷ đồng, giúp 4.465 hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, về cơ bản, huyện Mường Tè thực hiện rất tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Chất lượng tín dụng khá, thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,22%/tổng dư nợ, đặc biệt là có 3 xã không có nợ quá hạn.

Dù vậy, ông Đức Hiển, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Tè vẫn đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét, bố trí nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp để phát triển các mô hình chăn nuôi, phát triển nông nghiệp tập trung cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn huyện; nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lên mức 12 triệu đồng/công trình...

“Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của địa phương. Nội dung nào thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngân hàng, chúng tôi sẽ nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp. Nội dung thuộc thẩm quyền cao hơn, Ngân hàng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, ông Thắng cho biết.

Ông Thắng cũng lưu ý, Mường Tè là huyện có diện tích khá rộng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một tỷ lệ không nhỏ đồng bào chưa mạnh dạn vay vốn. Thời gian tới, chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể phải làm tốt công tác vận động tuyên truyền cho người dân; có định hướng giúp người dân sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để hỗ trợ tốt hơn cho đồng bào.

“Kinh tế càng phát triển thì càng phải quan tâm tới đối tượng yếu thế, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Và với nhiệm vụ của mình, Ngân hàng Chính sách xã hội không chờ người vay tìm đến, mà luôn chủ động tìm người vay, song cũng phải xác định rõ nhu cầu, nguồn lực cần bao nhiêu thì mới bố trí nguồn lực, đảm bảo nguồn vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn

Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn. Bên cạnh việc thực hiện công tác phát hành trái phiếu theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Chính sách xã hội nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng nhà nước và tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức và cá nhân tại trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng như huy động tiền gửi tiết kiệm tại điểm giao dịch xã.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các chủ đầu tư trong và ngoài nước chuyển vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội… Tính đến nay, ngân sách nhà nước đã cấp bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội 4.142,5 tỷ đồng và ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay tăng 7.100 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 1.863 tỷ đồng so với cuối năm 2017, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến ngày 30/6/2018 đạt 10.908 tỷ đồng.

Nhuệ Mẫn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-chinh-sach-xa-hoi-chung-tay-xoa-doi-giam-ngheo-o-lai-chau-d88035.html