Ngân hàng bán rẻ danh tiếng, khách VIP mất tiền tỷ tung hê lên truyền thông

Liên tiếp các vụ khách hàng VIP báo mất tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm tại các ngân hàng đang cho thấy việc ngân hàng chiều khách VIP nhưng quy trình quản lý nhân viên lỏng lẻo là kẽ hở khiến nhân viên bất chấp hậu quả làm liều.

Vụ việc khách mất 900 triệu đồng trong sổ tiết kiệm vừa chuyển nhượng tại ngân hàng S..., ngân hàng đổ lỗi cho nhân viên nhất quyết không đền bù cho người mất tiền, bỏ mặc khác hàng chạy vạy ròng rã kêu các cửa nhiều năm trời cho thấy ngân hàng đang bán rẻ uy tín vì mấy trăm triệu đồng.

Vị khách cực chẳng đã phải đưa vụ việc lên truyền thông vì đã hết kiên nhẫn sau nhiều năm trời đi lại làm việc với ngân hàng và cơ quan công an nhưng không thể giải quyết, tiền không đòi được, khi ngân hàng đã thu mất sổ tiết kiệm mà không chịu lập biên bản thu giữ sổ, thoái thác trách nhiệm, đổ lỗi cho nhân viên và nhất quyết không trả tiền cho khách.

Vụ việc gây sóng nhất trong thời gian gần đây là vụ nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) Chi nhánh TP.HCM - Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm của bà Chu Thị Bình tại Eximbank TP.HCM. Lê Nguyễn Hưng thì đã bỏ trốn, còn 5 nhân viên dưới quyền bị khởi tố. Ngay sau đó cũng tại hệ thống ngân hàng này, chi nhánh Eximbank Nghệ An lại xảy ra vụ nhiều khách hàng đồng loạt báo mất tổng cộng 50 tỷ đồng, ngân hàng cũng không đền bù mà bảo chờ công an, tòa án phân xử! Tất cả các vụ việc này đều được khách hàng nín nhịn âm thầm chờ ngân hàng giải quyết hàng năm trời với mong muốn đòi lại số tiền "mồ hôi nước mắt" của mình nhưng đã không được đáp ứng vì ngân hàng chốt gọn lỏn "chờ tòa án giải quyết".

Những vụ việc không còn là hi hữu. Gửi tiền ngân hàng nhưng bỗng dưng mất, ngân hàng không đền, phải chăng đang có lỗ hổng trong hệ thống quản lý của các ngân hàng? Hay hệ thống luật pháp còn kẽ hở?

Trao đối với PV Báo điện tử Infonet, bà Trần Thị Dung Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, khẳng định: “Không thể nói rằng đang có lỗ hổng trong hệ thống pháp lý. Chúng ta không thiếu Luật để quản lý lĩnh vực này, vấn đề ở đây chính là việc thực thi pháp luật”.

Cũng theo Trần Thị Dung, ngoài luật ra còn có các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện, nên khi vụ việc xảy ra, ngân hàng đổ lỗi cho nhân viên của mình để chối bỏ trách nhiệm là điều không thể chấp nhận được. Với những vụ việc “bốc hơi” tiền tỷ của khách hàng, ngân hàng cần xem lại nhân viên của mình đã thực thi đúng quy định hay chưa.

Trụ sở Eximbank Chi nhánh TP.HCM.

Trụ sở Eximbank Chi nhánh TP.HCM.

Là người từng tham gia bào chữa trong hai vụ đại án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng vụ mất 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình tại Eximbank về bản chất là khác với vụ án của Huyền Như xảy ra tại Vietinbank và Navibank. Theo luật sư Tâm, khác biệt ở đây là bà Bình có giấy ủy quyền, trong khi các khách hàng trong vụ án Huyền Như đều không có giấy ủy quyền.

“Trong vụ án Huyền Như, khách hàng chỉ ký hợp đồng, gửi tiền vào ngân hàng, sau đó Huyền Như giả mạo toàn bộ giấy tờ, giả mạo chữ ký, làm giả con dấu… để rút tiền. Còn trong trường hợp của Eximbank, bà Chu Thị Bình đã ủy quyền cho người của ngân hàng thay mặt bà để nhận tiền. Nếu đã ủy quyền rồi thì bà Bình phải chịu trách nhiệm về hành vi ủy quyền của mình”, luật sư Nguyễn Minh Tâm nói.

Một số nhân viên của Eximbank bị bắt và khởi tố mới đây đều là “tay chân” của nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TP. HCM Lê Nguyễn Hưng. Số nhân viên này thường xuyên đến nhà bà Bình làm các thủ tục và bà Bình đã tin tưởng làm ủy quyền. Chỉ có điều, thay vì mang tiền về nộp cho ngân hàng, nhân viên của Eximbank lại chiếm dụng số tiền của khách. Tuy nhiên, luật sư Tâm cho rằng đó mới chỉ là những thông tin trên dư luận báo chí, còn cụ thể như thế nào, cần phải đợi kết luận điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra. Do vậy, những nhận định ban đầu của ông về vụ việc này cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ thông tin ban đầu từ báo chí.

Mặc dù vậy, luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng khẳng định vấn đề chính ở đây là khâu thực thi pháp luật, trong đó có nguyên nhân từ việc ngân hàng đã quá "nuông chiều" khách VIP.

“Trách nhiệm trong dân sự là trách nhiệm theo lỗi, ai có lỗi thì người ấy phải chịu. Luật Tín dụng đã quy định rõ ràng, các văn bản hướng dẫn cũng đã cụ thể, vấn đề chính là ở khâu thực thi pháp luật. Các ngân hàng vì muốn giữ khách hàng VIP nên đã dành những ưu đãi cho khách VIP, chẳng hạn như khách hàng không phải đến ngân hàng làm thủ tục, sẽ có nhân viên đến tận nhà. Chính điều này đã tạo thành kẽ hở cho nhân viên lợi dụng hình thức chăm sóc khách hàng VIP”.

Luật sư Nguyễn Minh Tâm cũng khuyến cáo khách hàng nên thực hiện giao dịch theo đúng quy trình, muốn rút tiền phải đến ngân hàng xuất trình Chứng minh nhân dân, ký chữ ký trước mặt nhân viên.

“Một người bình thường khi đến rút tiền còn phải làm đủ thứ thủ tục giấy tờ chứ đâu phải dễ dàng. Cho nên với khách hàng “VIP” thì mọi giao dịch càng cần phải cẩn trọng hơn” - luật sư Nguyễn Minh Tâm chia sẻ.

Cũng dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức, CLB Pháp chế ngân hàng viện dẫn quy định: Khoản 2, Điều 15 của Quy chế tiền gửi tiết kiệm quy định về “Rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm”, ban hành kèm theo Quyết đính số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13/9/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng phải “đảm bảo việc chi trả tiền gửi tiết kiệm chính xác và an toàn”. Cụ thể, ngân hàng phải bảo đảm ít nhất 4 yếu tố hợp lệ, khớp đúng là chủ thẻ tiết kiệm, chữ ký của chủ thẻ, thẻ tiết kiệm và giấy tờ tùy thân của người rút tiền, đặc biệt là với các khoản tiền lớn hàng tỷ đồng trở lên.

“Vì vậy, kẻ gian dù có trong tay cả thẻ tiết kiệm và chứng minh nhân dân của khách hàng thì cũng không thể rút được tiền gửi nếu ngân hàng không làm sai” luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Trong trường hợp rút tiền theo ủy quyền, nếu ngân hàng chi tiền mà không phát hiện ra giấy ủy quyền giả mạo cũng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, ngay cả trường hợp người được ủy quyền rút tiền hợp lệ nhưng lại chính là cán bộ, nhân viên ngân hàng có nhiệm vụ giao dịch tiền gửi của khách hàng, cũng vẫn phải xác định là lỗi của chính ngân hàng.

“99% các vụ việc mất tiền gửi, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường, cho dù khách hàng có thể có một số sơ hở, thiếu sót, thậm chí là vi phạm, sai trái nào đó. Vì nguyên nhân chính yếu dẫn đến mất tiền thường là do lỗi và sai phạm của chính các cán bộ, nhân viên ngân hàng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Ngân Giang

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ngan-hang-ban-re-danh-tieng-khach-vip-mat-tien-ty-tung-he-len-truyen-thong-post257887.info