Ngăn 'giọt nước tràn ly'

Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa thông báo Iran sẽ từ bỏ mọi giới hạn về nghiên cứu và phát triển hạt nhân của nước này, đồng thời yêu cầu triển khai tất cả biện pháp cần thiết để làm giàu urani. Đây là đợt cắt giảm thứ 3 cam kết của Tehran trong thỏa thuận hạt nhân JCPOA, cũng chính là 'bước đi lớn' mà Iran từng cảnh báo châu Âu trước đó, để ra khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.

Tuyên bố cứng rắn mới nhất này về cơ bản đồng nghĩa với việc JCPOA không còn giá trị hạn chế đối với các hoạt động hạt nhân của Nhà nước Hồi giáo. Vì vậy, dù không rút khỏi JCPOA, thậm chí đây có thể chỉ là một "đòn gió" của Tehran nhằm gây sức ép ngược lại Washington, thì tuyên bố của Iran vẫn khiến số phận của thỏa thuận này trở nên hết sức mong manh. Nguy cơ đổ vỡ thỏa thuận đang hiện hữu.

Khỏi phải nói những hệ lụy của việc JCPOA bị vô hiệu hóa sẽ thế nào. Iran và các bên sẽ quay trở lại bầu không khí thù địch, nghi kị như trước đây. Đi kèm với cáo buộc Tehran theo đuổi kế hoạch sản xuất bom hạt nhân chắc chắn là hàng loạt lệnh trừng phạt hà khắc cũng như đe dọa sử dụng vũ lực quen thuộc, khiến khu vực Trung Đông nóng bỏng tăng nhiệt.

 Một nhà máy hạt nhân ở Iran. Ảnh: AP.

Một nhà máy hạt nhân ở Iran. Ảnh: AP.

Các nỗ lực của châu Âu và Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA suốt thời gian qua gần như bị uổng phí trước chiến lược gây sức ép tối đa và tổng lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump lên Nhà nước Hồi giáo. Gần như ngay sau khi rút khỏi thỏa thuận JCPOA vào năm 2018, “chiếc thòng lọng” cấm vận liên tục được Mỹ thít chặt, bóp nghẹt nền kinh tế Iran, nhất là ngành xuất khẩu dầu mỏ. Thậm chí, Mỹ không ít lần đe dọa sử dụng vũ lực bằng các cuộc điều quân và triển khai thêm khí tài, vũ khí tới khu vực vùng Vịnh. Không khó để đoán được ý đồ của Mỹ đằng sau chiến lược dồn ép Tehran, đó là buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới cũng như tạo lợi thế trên bàn đàm phán cho Washington.

Có điều, muốn ngồi vào bàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới với Iran thì các biện pháp phi ngoại giao và thiếu thiện chí hòa bình như Mỹ đang theo đuổi rất khó mang lại kết quả khả quan.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ cần phải xem xét lại chiến lược với Iran nếu không muốn “thua trắng” trong “ván bài” chưa thấy hồi kết này. Hiệu quả đâu chưa thấy, đổi lại là căng thẳng leo thang qua những màn đáp trả “ăn miếng trả miếng” cùng những cuộc “đấu khẩu” tưởng chừng chiến tranh nổ ra tới nơi. Iran đang cho thấy mình không dễ bị "bắt nạt". Bằng chứng là chiến lược rút dần cam kết trong thỏa thuận JCPOA của Tehran khiến Mỹ không những không đạt được ý đồ mà còn rơi vào tình thế bế tắc trong xử lý vấn đề Iran. Trong khi đó, Nhà nước Hồi giáo một mặt tìm mọi cách để bán dầu ra thế giới, mặt khác vẫn kiên trì theo đuổi biện pháp ngoại giao nhằm "dễ thở" hơn trước các đòn cấm vận của Mỹ. Điều quan trọng là các biện pháp gây sức ép của Mỹ cũng không ép được Iran đến bàn đàm phán. Cho dù thế nào thì điều kiện tiên quyết mà Iran đặt ra để đàm phán là Mỹ phải gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm vận hà khắc hiện nay.

Sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA năm 2018, thỏa thuận này vẫn được duy trì nhưng Iran đã có nhiều động thái cứng rắn hơn, làm gia tăng quan ngại thỏa thuận này sẽ đổ vỡ. Nhiều ý kiến đã đổ lỗi cho quyết định đơn phương “quay lưng” với thỏa thuận của Tổng thống Donald Trump. Việc rút khỏi thỏa thuận theo cách của ông Donald Trump được cho là chỉ càng tạo thêm sức mạnh cho những quan điểm cứng rắn ở Iran vốn luôn mang tâm lý hoài nghi về thỏa thuận JCPOA. Ở Iran không thiếu những thế lực muốn phá bỏ thỏa thuận trên để Nhà nước Hồi giáo có thể thoải mái theo đuổi chương trình hạt nhân mà nước này cho là vì mục đích hòa bình. Cùng với đó là những toan tính của chính quyền Washington để đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới.

Dù vậy, chiến lược từng bước leo thang căng thẳng với những tuyên bố nâng mức độ làm giàu urani lên cấp độ mới của Tehran cũng vẫn cho thấy Nhà nước Hồi giáo còn để ngỏ cơ hội cho JCPOA. Chiến lược "câu giờ" kiểu này không phải là mới đối với Tehran. Năm 2020, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống và cục diện bế tắc hiện nay trong vấn đề hạt nhân Iran rất có thể sẽ thay đổi phụ thuộc vào kết quả của cuộc đua quyền lực ở Washington.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA cho dù thế nào vẫn được hy vọng sẽ mang lại giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran, tiến tới chấm dứt cuộc đối đầu căng thẳng giữa Nhà nước Hồi giáo và phương Tây. Nó mở ra nhiều cơ hội hợp tác cùng phát triển, đặc biệt là giúp thúc đẩy các giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran.

Để đạt được JCPOA lịch sử là thành quả của những nỗ lực không hề dễ dàng. Chỉ cần nghĩ tới việc sẽ phải làm lại từ đầu để có được một thỏa thuận kiểu như thế này đã có thể làm nản chí bất kỳ ai am hiểu tình hình. JCPOA là kết quả của một quá trình đàm phán gian nan, với những lần bế tắc kéo dài. Vì vậy, trước khi có một thỏa thuận mới-việc vốn được cho là bất khả kháng, việc duy trì JCPOA vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Những nỗ lực của cả Iran và các nước châu Âu còn lại tham gia JCPOA nhằm cứu vãn thỏa thuận ở ngay cả những thời điểm khó khăn nhất như khi Mỹ gây sức ép nặng nề cần phải được tiếp tục. Nếu không, chỉ cần thêm một bước đi nhỏ nữa cũng có thể khiến “giọt nước tràn ly”. Không có gì bảo đảm việc đạt được một thỏa thuận mới sẽ tốt hơn thỏa thuận trước đây.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/ngan-giot-nuoc-tran-ly-590374