Ngăn đại dịch viêm gan, ngừa đại họa ung thư gan

Tại hội thảo thường niên phòng chống ung thư TP.HCM lần thứ 22 do Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phối hợp Hội Ung thư Việt Nam, Hội Ung thư TP.HCM và Bệnh viện K Trung ương tổ chức ngày 5.12.2019, các chuyên gia đầu ngành cảnh báo: số ca ung thư gan ở Việt Nam đã vượt ung thư phổi để trở thành loại ung thư phổ biến nhất!

Báo cáo chuyên đề “Ngăn đại dịch viêm gan, ngừa đại họa ung thư gan”, được chấp bút bởi: GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam); TS-BS. Phạm Xuân Dũng (Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM); TS-BS. Đặng Huy Quốc Thịnh (Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM); TS-BS. Trần Đặng Ngọc Linh (Trưởng Khoa Xạ 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Trưởng Bộ môn Ung thư Đại học Y Dược TP.HCM); TS-BS. Phan Thị Hồng Đức (bác sĩ điều trị Khoa Nội 4 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Phó trưởng Bộ môn Ung bướu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM) cho biết: viêm gan virus đang là một đại dịch.

Bệnh diễn tiến chầm chậm đến các bệnh gan mạn, ung thư và tử vong. Trên toàn cầu, ung thư gan thường gặp hàng thứ tư và gây tử vong hàng thứ hai ở đàn ông, thực sự là một đại họa sức khỏe cho con người.

Các yếu tố nguy cơ

Báo cáo viện dẫn số liệu cho thấy ung thư gan thường gặp hàng thứ sáu và gây tử vong hàng thứ tư trên toàn cầu với khoảng 841.000 ca mới và 782.000 ca chết hàng năm. Cả xuất độ lẫn tỉ lệ tử vong ở đàn ông cao gấp 2-3 lần ở phụ nữ. Trên thế giới, ung thư gan thường gặp nhất ở 13 nước thuộc các vùng địa lý khác nhau, gồm vài nước ở Bắc và Tây châu Phi (Ai Cập, Gambia, Guinea), Đông và Nam châu Á (Mông Cổ, Campuchia, Việt Nam).

Trong đó, ung thư nguyên phát gồm carcinôm tế bào gan chiếm 75-85% số ca và carcinôm đường mật trong gan chiếm 10 - 15% số ca và vài loại hiếm khác.

GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam), cho biết nguy cơ chính của ung thư gan là viêm gan mạn do virus viêm gan B hoặc C. Ảnh: Hồng Thái

GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam), cho biết nguy cơ chính của ung thư gan là viêm gan mạn do virus viêm gan B hoặc C. Ảnh: Hồng Thái

Nguy cơ chính của ung thư gan là viêm mạn do virus viêm gan B (HBV) hoặc viêm gan C (HCV), có thêm các yếu tố nguy cơ khác gồm: phơi nhiễm Aflatôxin, nghiện rượu nặng, béo phì, hút thuốc lá, tiểu đường týp 2… Tỉ lệ ung thư gan phát ra ở những người nhiễm HCV ước tính 1 - 3% trong khoảng thời gian 30 năm. HCV làm tăng 15-20% nguy cơ ung thư gan so với người không nhiễm HCV. Tiêu thụ thức ăn nhiễm Aflatôxin có liên hệ với ung thư gan. Có ghi nhận cho thấy người bị nhiễm HBV và Aflatôxin cao thì nguy cơ ung thư gan tăng gấp 30 - 60 lần. Tuy nhiên, mối liên hệ hỗ tương của Aflatôxin và HCV trên ung thư gan còn cần nhiều nghiên cứu làm rõ.

Đối với trường hợp nhiễm cặp HBV - HCV, là tình huống lâm sàng phức tạp. Nhiễm cặp tiến triển nhanh hơn nhiễm riêng HBV hoặc HCV, ung thư gan cũng phát triển nhanh hơn. Hiện nhiễm cặp HBV - HCV chưa có hướng dẫn điều trị chuẩn.

Cơ chế sinh bệnh ung thư gan là một quá trình nhiều bước, có thể kéo dài nhiều chục năm với tích lũy từ từ các xáo trộn gen và ngoài gen, rốt cùng đưa đến chuyển hóa ác tính. Sự chuyển hóa này xảy ra thông qua một lộ trình đắp đổi qua lại giữa sự gây tổn hại và sự tái tạo mạn tính, trong toàn cảnh tổn hại DNA của quá trình viêm.

Ngăn ngừa đại họa

Báo cáo viện dẫn số liệu của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (Globocan) 2018 cho biết, ung thư gan là loại thường gặp nhất ở đàn ông Việt Nam với xuất độ/100.000 là 39; cao hơn cả Thái Lan (32,2), Hàn Quốc (27,7), Trung Quốc (27,6), Singapore (19,5). Việt Nam thuộc nhóm 13 nước có gánh nặng ung thư gan cao nhất. Các yếu tố nguy cơ đáng ghi nhận: Việt Nam thuộc nhóm 11 quốc gia mang 50% gánh nặng viêm gan mạn toàn cầu, tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới, Việt Nam trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới...

“Ngày nay viêm gan virus được coi là một thách thức sức khỏe cộng đồng cần phải đáp trả khẩn cấp - TS. Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO cảnh báo - Có vắc xin và có thuốc điều trị, WHO sẵn sàng giúp bảo đảm các phương tiện này cho những ai cần đến”. Nếu không có sự đáp trả rộng khắp và nhanh chóng, số người mang HBV sẽ tăng cao trong những năm tới với 20 triệu người chết trong khoảng 2015 - 2030.

Vắc xin là phương cách ngừa HBV hiệu quả nhất. WHO khuyên tất cả trẻ em nên được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt sau khi sinh, hay nhất trong vòng 24 giờ. Tất cả trẻ em và thanh niên dưới 18 tuổi chưa tiêm ngừa nên được tiêm. Năm 2016, 80% đủ liều vắc xin đã làm giảm mức nhiễm HBV và xuất độ ung thư gan ở tuổi trẻ có nguy cơ cao vùng Đông Á, nơi thực hiện tiêm chủng quần thể đầu tiên.

Đáng lo là chưa có vắc xin ngừa HCV nhưng các nhà khoa học đang ráo riết nghiên cứu. Tiêm chích an toàn, loại bỏ tiêm thuốc không cần thiết và không an toàn, có thể giúp phòng ngừa hiệu quả. Quy định chiến lược truyền máu an toàn có thể ngừa được việc truyền bệnh. Ngoài ra, quan hệ tình dục an toàn (gồm giảm bớt số bạn tình và sử dụng các phương tiện bao che (bao cao su) cũng giúp chống lây bệnh)...

Hai con virus viêm gan B và C bắt tay với rượu và Aflatôxin (loại nấm mốc trong các loại hột ẩm mốc như đậu phộng, bắp, gạo) tàn phá lá gan, dẫn đến ung thư. Ảnh: TL

Có ghi nhận gần đây cho thấy điều trị HBV và HCV có thể phòng tránh ung thư gan. Hiện có nhiều phương tiện và phương cách để diệt các trận dịch viêm gan. Có liệu pháp hiệu nghiệm cho HBV mạn, mặc dầu nhiều người cần điều trị suốt đời. Điều trị HBV có thể làm chậm lại hoặc còn có thể ngừa tổn hại gan gồm xơ gan và ung thư gan. HBV mạn có thể được điều trị bằng thuốc uống gồm cả thuốc kháng virus. Điều trị có thể làm chậm diễn tiến bệnh, giảm bớt nguy cơ ung thư gan và kéo dài sống còn.

Với HCV, khi bệnh nhiễm thành mạn tính cần phải điều trị, mục tiêu là trị khỏi bệnh. Mừng là ngày nay có thể trị khỏi hơn 95% người bị viêm gan C trong thời gian ngắn với các thuốc kháng virus DAAs. Năm 2018 WHO có cập nhật hướng dẫn điều trị với các thuốc DAAs. DAAs có thể trị khỏi hầu hết các người bệnh nhiễm HCV, thời gian điều trị ngắn (thường là 12-24 tuần) tùy theo có xơ gan hay không.

WHO khuyên điều trị mọi người bệnh viêm gan C mạn trên 12 tuổi. Các thuốc DAAs đã giảm giá đáng kể ở nhiều nước. Trở ngại đáng lo là số người được điều trị còn hạn chế, phải cố gắng rất nhiều để đạt mục tiêu 80% khỏi bệnh vào năm 2030. Trong thập niên tới, lây nhiễm HBV và HCV vẫn sẽ là nguyên nhân chính của ung thư gan trên toàn cầu. WHO kêu gọi tăng cường hoạt động nhằm loại bỏ viêm gan B và C vào năm 2030, bằng cách làm giảm 90% số ca nhiễm mới và 65% tử vong vào năm 2030.

Loại bỏ viêm gan virus là yêu cầu bức thiết để ngăn ngừa đại họa ung thư gan cho nước ta.

Ngô Duy

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/ngan-dai-dich-viem-gan-ngua-dai-hoa-ung-thu-gan-22028.html