Ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình 'Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025 trong đó nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin nói chung và môi trường mạng nói riêng đã khiến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện trong đó có trẻ em.

Khi mà xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, trẻ em đã sớm được tiếp cận với môi trường mạng. Không thể phủ nhận được những giá trị của môi trường mạng mang đến cho trẻ em trong cuộc sống hằng ngày, trong học tập. Với khối lượng tài nguyên bao la, rộng lớn, đa dạng… trẻ em dễ dàng tiếp thu nhiều kiến thức, nhiều chương trình giải trí, nhiều điều mới lạ trên không gian mạng.

Tuy nhiên, cũng chính sự cởi mở và phát triển mạnh của môi trường mạng trong một “thế giới phẳng” không có “biên giới” nên thông tin, sự kiện, video, hình ảnh chưa được phân loại, chắt lọc… một cách kỹ lưỡng nên vẫn còn nhiều điều không phù hợp với trẻ em thậm chí là ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy, lối sống và hành động của trẻ. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các gia đình, bậc cha mẹ… chưa nhận thức được hết những mặt trái của môi trường mạng, thậm chí có những gia đình còn “dễ dãi” với trẻ trong việc sử dụng mạng.

Và môi trường mạng cũng là “mảnh đất” để các loại tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội. Một trong những đối tượng mà tội phạm nhắm tới là trẻ em bởi sự “non nớt” của các em trong suy nghĩ và hành động.

Đặc biệt là việc tiếp cận, phân loại thông tin, sử dụng môi trường mạng: Tội phạm trên môi trường mạng thường tiếp cận, thực hiện hành vi phạm tội đối với trẻ em bằng nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi, nhiều hình thức khác nhau. Từ tội phạm lừa đảo, lạm dụng tình dục…. đến xâm hại đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025 (chương trình) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhấn mạnh mục tiêu bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

Thực hiện trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng. Truyền thông đến toàn xã hội, tập trung vào các đối tượng là cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, định hướng trẻ em tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng...

Chương trình đặt mục tiêu 100% các trường từ tiểu học tới THPT và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.

Phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật… Đề xuất sửa đổi, bổ sung các chế tài nghiêm minh để xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em trong việc quản lý, giám sát trẻ em tiếp cận và tương tác trên môi trường mạng.

Đề xuất nghiêm cấm mọi hình thức tạo lập, lưu trữ, chia sẻ với mục đích vi phạm pháp luật các hình ảnh, video clip trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục. Đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, ứng dụng và nội dung hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức ở quy mô quốc gia. Lồng ghép vào chương trình giáo dục các nội dung trang bị kiến thức, nâng cao nhận thức về môi trường mạng cho trẻ em và kỹ năng cơ bản khi tham gia sử dụng internet, trang bị “bộ kỹ năng số” cơ bản cho trẻ em theo độ tuổi…

Đưa vào sử dụng trong ngành giáo dục và đào tạo các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, các kho học liệu, xuất bản phẩm điện tử nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập trên môi trường mạng... Thiết lập cơ sở dữ liệu CSAM của Việt Nam và có cơ chế để ngăn ngừa việc đăng tải, chia sẻ các hình ảnh/video xâm hại trẻ em trên môi trường mạng dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo...

Triển khai giải pháp kỹ thuật nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu, thu thập, phân tích thông tin, giám sát việc tuân thủ chặn lọc, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Yêu cầu các trang web có tên miền quốc gia “.vn”, các trang web có địa chỉ IP tại Việt Nam tự thực hiện chặn lọc nội dung xâm hại trẻ em và hiển thị thông báo nội dung phù hợp với lứa tuổi theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, truyền thông số Việt Nam phát triển, làm chủ các công nghệ bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng… Hình thành mạng lưới bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng.

Triển khai các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, công nghệ… cho lực lượng thực thi pháp luật, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em, điều tra tội phạm và truy tố, xét xử để kịp thời nắm thông tin, tình hình thế giới, đặc biệt là xu hướng công nghệ đối với vấn đề ngăn ngừa, xử lý các vụ lạm dụng, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Xây dựng cơ chế phối hợp, quy trình xử lý trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan theo hướng mỗi khâu có một đầu mối cụ thể chịu trách nhiệm; thiết lập cơ chế liên ngành theo dõi tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em, chủ động tham gia các sáng kiến giúp trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước...

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chuyển giao công nghệ, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến đã được chứng minh hiệu quả trên thế giới trong vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ quốc tế hợp pháp theo quy định pháp luật vì mục đích bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.

Tâm Phúc

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/ngan-chan-xu-ly-cac-hanh-vi-loi-dung-moi-truong-mang-de-thuc-hien-cac-hanh-vi-bi-nghiem-cam-doi-voi-tre-em-85145.html