Ngăn chặn vấn nạn trộn tân dược vào thuốc y học cổ truyền

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thời gian tới cơ quan này sẽ quyết liệt xử lý nghiêm các sai phạm khi chủ cơ sở có hành vi trộn tân dược vào thuốc y học cổ truyền gây hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết của Ban chỉ đạo 389 quốc gia với Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế ngày 2/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, qua kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng, Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện tình trạng pha trộn tân dược một cách trái phép vào sản phẩm để lưu hành trên thị trường hoặc sử dụng điều trị ngay tại các cơ sở chẩn trị y học cổ truyền.

Thanh tra Bộ Y tế đang kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc tại Lạng Sơn. Ảnh: DN

Thanh tra Bộ Y tế đang kiểm tra một cơ sở kinh doanh thuốc tại Lạng Sơn. Ảnh: DN

Thực trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng; đã có một số trường hợp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng, thậm chí đã gây tử vong cho người sử dụng.

Minh chứng cho tình trạng này, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nêu, có trường hợp sử dụng bệnh nhân đang dùng thuốc tiểu đường theo đơn của bác sỹ nhưng đã nghe lời người khác mách liền mua viên tễ tiểu đường hoàn về dùng, bỏ đơn thuốc của bác sỹ khiến lượng đường trong máu không kiểm soát được, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Một trường hợp khác sau khi đi uống rượu về liền bị “cương dương” suốt 24h đồng hồ và phải tìm đến bác sỹ nam học để giải cứu. Cơ quan chức năng kiểm nghiệm chai rượu đó đã phát hiện có hàm lượng viagra rất lớn trong rượu. Khai thác thông tin từ chủ quán thì được biết, đã bỏ 4 viên viagra vào chai rượu này.

Chưa kể, qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện 290 gói thuốc đông y gia truyền có trộn tân dược là paracetamol và Cinarizin.

Trước thực trạng này, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng sai quy định, với mục tiêu bảo đảm an toàn và sức khỏe cho người bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.Hồ Chí Minh, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng các sản phẩm này lưu hành trên thị trường và các sản phẩm được sử dụng tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền.

“Đặc biệt, chú ý tập trung vào các sản phẩm hay có nguy cơ pha trộn tân dược một cách trái phép thuộc nhóm điều trị, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, giảm đau xương khớp, mỡ máu, rối loạn cương dương, tăng, giảm cân”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường nói.

Liên quan đến vấn đề thanh, kiểm tra dược phẩm, thực phẩm chức năng thời gian qua theo đại diện Thanh tra Bộ Y tế, trong năm 2018, đặc biệt thực hiện Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền dân tộc, Bộ Y tế đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 18 tỉnh thành phố.

Theo đó, báo cáo việc lấy mẫu, kiểm tra, giám sát chất lượng của 18 Sở Y tế với các đoàn kiểm tra cho thấy, về lĩnh vực dược mỹ phẩm, dược liệu, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền đã lấy hơn 13.000 mẫu, trong đó có 332 mẫu không đạt chất lượng, 605 phiếu công bố mỹ phẩm bị thu hồi.

Trong năm 2018, các tỉnh này đã thực hiện được 75 đoàn thanh tra về dược mỹ phẩm, kiểm tra gần 7200 cơ sở, phát hiện gần 1.090 cơ sở vi phạm và xử lý 719 cơ sở.

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã tiến hành 3.318 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 94.082 cơ sở, phát hiện gần 8.000 cơ sở vi phạm, xử lý 1.408 cơ sở. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra đã xử phạt hành chính 2.127 cơ sở với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/ngan-chan-van-nan-tron-tan-duoc-vao-thuoc-y-hoc-co-truyen-104062.html