Ngăn chặn 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa': Đánh giá đúng, 'bốc thuốc' hiệu quả

"Diễn biến ngay trong nội bộ gọi là "tự diễn biến", không cần phải ai tác động mà tự mình diễn biến, tự diễn biến đến mức độ nào đó dẫn đến "tự chuyển hóa", chuyển hóa từ cái này thành cái khác" - PGS -TS Nguyễn Minh Tuấn (ảnh) - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nói như vậy khi trao đổi với NTNN.

PGS -TSNguyễn Minh Tuấn - Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia
Hồ Chí Minh

“Tự diễn biến đang ngày càng phức tạp”

Tại Hội nghị T.Ư 4 khóa XII này, vấn đề tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ lại được đưa ra. Theo ông, vì sao Ban Chấp hành T.Ư lần này lại bàn việc này?

- Có những thời kỳ chúng ta quá nhấn mạnh vào việc đấu tranh chống diễn biến hòa bình và các thế lực lực thù địch nhưng chưa coi trọng đúng mức diễn biến ngay trong chính nội bộ.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh (giữa) đang đặt ra nhiều vấn đề về chấn chỉnh tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên... Ảnh: T.L

T.Ư xem xét 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

“Trên cơ sở kế thừa các nghị quyết của Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống là thế nào? Những biểu hiện như đã nêu trong Tờ trình, Đề án và Dự thảo nghị quyết đã đủ rõ chưa, cần phải nhận diện thêm vấn đề gì? "Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ là thế nào? Mức độ đến đâu? Nguyên nhân là gì? Tác hại ra sao?
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, đề nghị các đồng chí đi sâu phân tích mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị hữu hiệu. Đề án nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội”.

(Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, sáng 9.10)

Diễn biến ngay trong nội bộ gọi là "tự diễn biến", không cần phải ai tác động mà tự mình diễn biến, tự diễn biến đến mức độ nào đó dẫn đến "tự chuyển hóa, chuyển hóa từ cái này thành cái khác. Tự diễn biến là diễn biến xấu đi về niềm tin, về các mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Hiện nay các nội dung tự diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng phức tạp hơn, thể hiện ở nhiều dạng. Nói đến tự diễn biến, tự chuyển hóa là nhấn mạnh nhiều hơn tính chủ quan, tính nội bộ, không nên quá cho rằng đó là khách quan, diễn biến hòa bình là của các thế lực thù địch tạo ra.

Có phải do tính cấp bách nên ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được T.Ư đưa ra bàn thảo, tìm giải pháp ngăn chặn?

-Chắc chắn là cấp bách, bởi một trong những nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng Đảng đó là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI của Đảng, T.Ư cũng đã nhiều lần đánh giá kết quả chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Nói cách khác chúng ta chưa ngăn chặn, đẩy lùi được sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chưa ngăn chặn được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Người dân và cán bộ đảng viên kỳ vọng rất nhiều vào Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, bởi lần đầu tiên có một nghị quyết đề cập đến một vấn đề bức xúc nhất của xã hội, của Đảng. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức triển khai một cách quy mô, như một đợt chỉnh đốn Đảng thực sự. Tuy nhiên kết quả chưa tương xứng với công sức bỏ ra, chưa tạo ra được niềm tin của nhân dân về sự chuyển biến mà Đảng đã có. Chính vì thế Nghị quyết của Đại hội XII của Đảng đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải kiên trì thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, làm chưa được phải tiếp tục làm chứ không thể dừng lại được, không được hài lòng với kết quả đã có.

Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII lần này sẽ là sự tiếp nối, như một sự quyết tâm chính trị lần hai. Trong 3 vấn đề cấp bách của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, vấn đề cấp bách nhất là chống suy thoái, Nghị quyết T.Ư lần này cũng tập trung vào công tác tăng cường việc xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó tập trung vào phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Chỉ quyết tâm cao chưa đủ

Theo ông. nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng lần này có gì khác so với bối cảnh ra Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI?

- Theo tôi, về nội dung vẫn như vậy nhưng tính chất, mức độ thì khác. Ví dụ như tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong xã hội nói chung, đặc biệt là trong công tác cán bộ có nhiều mặt nghiêm trọng hơn. Một số vụ việc tiêu cực được phát hiện, xử lý thời gian qua càng cho thấy Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI của Đảng nói đúng, nói trúng. Đó là việc chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy thành tích, chạy tuổi, chạy bằng cấp, càng soi ra càng thấy chạy nhiều cái chạy, như chạy đánh giá, chạy luân chuyển... Như vậy vấn đề trên là rất lớn, chúng ta đánh giá được, phát hiện nhưng chưa ngăn chặn được, nay chúng ta lại phát hiện thêm, điều đó khẳng định tính chất càng nghiêm trọng hơn. Chính vì thế cần phải quan tâm xem xét lại một loạt hệ thống các giải pháp mà chúng ta đã đề ra.

Lần này ra Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, chúng ta có được kinh nghiệm từ khóa trước nên cần phải có giải pháp đột phá, mang tính khả thi. Giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp chỉ quyết tâm chính trị cao chưa đủ, cần phải có giải pháp mang tính khả thi mới mong đạt được kết quả”.

PGS -TS Nguyễn Minh Tuấn

Các giải pháp đã và đang thực hiện cần được xem xét, đánh giá lại thế nào để đạt hiệu quả hơn, thưa ông?

- Các giải pháp đang thực hiện tại sao chưa đạt kết quả cao thì cần phải xem lại. Cần rà soát lại để phân tích cụ thể nguyên nhân tại sao giải pháp đúng như thế, trúng như thế lại không đi vào cuộc sống. Qua phân tích có thể tìm giải pháp khác hoặc trên cơ sở những giải pháp đang thực hiện nhưng cần cách làm mới, cũng có thể cần giải pháp mũi nhọn chứ không phải làm tràn lan.

Ví dụ như giải pháp về chống tham nhũng như Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI đưa ra rất là hay như việc kê khai tài sản, kiểm soát tài sản, trả lương cán bộ qua thẻ... Đây là những giải pháp mà các nước trên thế giới đã làm rất nhiều, đó cũng là một trong những biện pháp để chống tham nhũng đối với những vị trí lãnh đạo có nguy cơ tham nhũng cao. Còn chúng ta làm tràn lan quá, đối tượng kê khai nhiều quá, nhưng tìm ra người kê khai sai thì khó, không có cơ chế để tìm người kê khai sai, không có lực lượng nào đi làm việc đó. Nói như vậy để thấy việc kê khai tài sản mục đích thì tốt nhưng không đem lại hiệu quả. Tới đây mà làm tiếp phải làm thế nào, nếu không có tính khả thi liệu có nên làm nữa không.

Ví dụ thứ hai là giải pháp tự phê bình và phê bình, tuy nhiên qua nhiều nội dung phê bình đó nhưng tìm người để quy trách nhiệm thì khó. Bao nhiêu quyết sách sai, bao nhiêu quyết sách đem lại lợi ích nhóm, bao nhiêu quyết sách gây ra sự thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ đồng... nhưng ai chịu trách nhiệm cụ thể lại chưa rõ.

Nói tóm lại rà soát lại Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI thấy không thiếu các giải pháp để thực hiện, thế nhưng nhiều nội dung của giải pháp chưa có tính khả thi, trách nhiệm cho những cơ quan về từng vấn đề chưa rõ ràng. Lần này ra Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII, chúng ta có được kinh nghiệm từ khóa trước nên cần phải có giải pháp đột phá, mang tính khả thi. Giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp chỉ quyết tâm chính trị cao chưa đủ, cần phải có giải pháp mang tính khả thi mới mong đạt được kết quả.

Xin cảm ơn ông (!)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/ngan-chan-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-danh-gia-dung-boc-thuoc-hieu-qua-714937.html