Ngăn chặn, triệt phá nhiều tổ chức hoạt động 'tín dụng đen'

Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, hoạt động 'tín dụng đen' (cho vay nặng lãi) có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự trên địa bàn. Thời gian qua, Công an tỉnh Đắc Lắc đã tập trung đấu tranh, triệt phá nhiều ổ nhóm liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen'.

 Nhóm hoạt động "tín dụng đen" do Bùi Văn Thịnh cầm đầu bị bắt giữ, tháng 10-2018.

Nhóm hoạt động "tín dụng đen" do Bùi Văn Thịnh cầm đầu bị bắt giữ, tháng 10-2018.

Đầu tháng 10-2018, tại TP Buôn Ma Thuột, lực lượng công an đã triệt phá nhóm 9 đối tượng do Bùi Văn Thịnh, sinh năm 1993, trú tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cầm đầu. Qua điều tra, xác minh cho thấy, nhóm này cho 296 hộ dân (có 40 hộ người dân tộc thiểu số) vay 2,6 tỷ đồng với lãi suất cao, sau đó tổ chức cưỡng đoạt tài sản của người dân. Tiếp đó, ngày 21-11-2018, tại huyện Ea H’leo, lực lượng công an triệt phá nhóm 8 đối tượng là chủ hai điểm kinh doanh có liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", thu giữ 68 hợp đồng vay (với số tiền 2 tỷ đồng), 125 triệu đồng tiền mặt, 7 cuốn sổ hộ khẩu, 1.315 tờ rơi quảng cáo, cùng nhiều giấy tờ, tài liệu có liên quan. Tại huyện Krông Năng, ngày 11-12-2018, lực lượng công an kiểm tra hành chính 3 cơ sở có biểu hiện liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", do Phan Văn Thư, sinh năm 1972, trú tại xã Ea Sô, huyện Ea Kar làm chủ. Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận đã cho 948 lượt người vay số tiền hơn 4,3 tỷ đồng với lãi suất "cắt cổ".

Lợi dụng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và chi tiêu trong cuộc sống của một bộ phận nhân dân, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự từ các tỉnh, thành phố phía Bắc, như: Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Nghệ An... vào địa bàn tỉnh Đắc Lắc, câu kết với các đối tượng sinh sống trên địa bàn hoạt động "tín dụng đen", cho vay không cần thế chấp, với lãi suất từ 20% đến 30%/tháng. Khi bàn giao tiền cho người vay là chúng trừ tiền lãi. Nếu người vay không có khả năng trả nợ sẽ bị siết nợ, thậm chí cưỡng đoạt tài sản...

Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Đắc Lắc), cho biết: Thực tế cho thấy, thủ đoạn của tội phạm "tín dụng đen" rất tinh vi. Chúng núp bóng các cơ sở kinh doanh, như: Dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tín dụng, công ty vệ sĩ, đại lý bán vé máy bay, cho thuê xe tự lái, cho vay không thế chấp. Khi cho vay, bên chủ nợ thỏa thuận lãi suất, nhưng không ghi vào văn bản, không ghi phương thức tính lãi để trốn tránh pháp luật. Hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc có diễn biến phức tạp, không chỉ ở trung tâm đô thị, mà còn len lỏi về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đã có nhiều trường hợp người vay sau khi sập bẫy "tín dụng đen", không có khả năng trả nợ, phải bán nhà, bán đất, thậm chí bỏ trốn.

Trước thực trạng hoạt động "tín dụng đen" phức tạp, ngày 4-10-2018, Giám đốc Công an tỉnh Đắc Lắc ban hành Kế hoạch số 354/KH-CAT-PC02 về đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn. Đến cuối tháng 6-2019, lực lượng Công an tỉnh Đắc Lắc đã triệt phá 52 ổ, nhóm, với 242 đối tượng và 59 đối tượng hoạt động đơn lẻ, 44 cơ sở hoạt động kinh doanh, khởi tố hình sự 5 đối tượng liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Cuộc chiến với "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc tuy đã đạt kết quả bước đầu nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Quý: Đến thời điểm hiện tại chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, quy định cụ thể để xử lý các đối tượng có hành vi liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", gây khó khăn cho việc xử lý. Mức hình phạt theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam và được xác định là tội ít nghiêm trọng, nên chưa tạo được tính răn đe. Trong khi đó, các đối tượng phạm tội thường tìm cách đối phó, che giấu hành vi phạm tội, tổ chức cho vay một nơi, nhưng cất giữ tài liệu liên quan ở nơi khác, hoặc tinh vi hơn là sử dụng phần mềm quản lý, khi cơ quan pháp luật kiểm tra thì phần mềm bị khóa, khiến việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội gặp khó khăn. Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Công an TP Buôn Ma Thuột, cho biết: “Phần lớn người vay đều có sự thỏa thuận, nên khi cơ quan pháp luật làm việc đã không hợp tác; trừ trường hợp trong gia đình có người thân bị bắt giữ trái phép, bị siết nợ, hoặc bị khủng bố về tinh thần, gây thương tích về thân thể thì họ mới trình báo công an!”.

Để đẩy lùi được vấn đề "tín dụng đen", theo nhiều chuyên gia, chúng ta phải có chính sách thông thoáng, có cơ chế đặc thù để giải quyết nhu cầu tài chính cho các đối tượng, nhất là hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên ở địa bàn khó khăn. Các cơ quan pháp luật, mà nòng cốt là lực lượng công an, cần tăng cường đấu tranh, truy quét, xóa bỏ các ổ cờ bạc, đường dây cá độ, "cò" ngân hàng, tụ điểm ma túy, nhằm xóa "đất sống" của hoạt động "tín dụng đen". Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của tội phạm "tín dụng đen", giúp người dân nhận diện, từ đó nêu cao cảnh giác, không bị sập bẫy, không tiếp tay cho hoạt động này.

Bài và ảnh: KIỀU BÌNH ĐỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/ngan-chan-triet-pha-nhieu-to-chuc-hoat-dong-tin-dung-den-581148