Ngăn chặn tình trạng trồng cây cần sa

Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương liên tục phát hiện nhiều trường hợp trồng cần sa trái phép. Thậm chí, nhiều đối tượng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để trồng cần sa nhằm thu lợi bất chính. Các vụ việc xuất hiện ngày càng nhiều, gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý đối với loại cây này.

Lực lượng chức năng nhổ và niêm phong hơn 1.500 cây cần sa trồng trái phép trong rẫy cà-phê tại thôn 1, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk). Ảnh: DUY HẬU

Lực lượng chức năng nhổ và niêm phong hơn 1.500 cây cần sa trồng trái phép trong rẫy cà-phê tại thôn 1, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk). Ảnh: DUY HẬU

Đầu tháng 4-2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk đồng loạt kiểm tra, phát hiện tổng cộng 1.512 cây cần sa trong bốn khu rẫy của các hộ dân ở xã Hòa Thuận và 410 cây cần sa trong rẫy của một hộ dân ở xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột). Các khu rẫy được che chắn rất kỹ bằng tường rào cao. Bên trong, các đối tượng lắp hệ thống đèn led chiếu tia cực tím đắt tiền để chăm sóc cây. Ngoài số cây đang trồng nêu trên, cơ quan chức năng thu giữ hơn 80 kg cần sa khô. Đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận trồng cần sa để mua bán, thu lợi bất chính. Trước đó, ngày 12-3, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra hành chính căn nhà 284/29 đường Long Thuận (phường Long Phước) do Đoàn Công Danh (26 tuổi) làm chủ và phát hiện 140 cây cần sa trồng trong chậu, năm bịch cần sa khô, nhiều dụng cụ, thiết bị trồng và sử dụng cần sa. Danh khai nhận trồng cần sa từ tháng 10-2020 để sử dụng và phơi khô rồi lên mạng xã hội Facebook rao bán. Cũng trong tháng 3-2021, Công an huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang phát hiện 32 cây cần sa trồng trái phép trong vườn của nhà ông Nguyễn Văn Út (sinh năm 1971, trú tại xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn). Lực lượng công an đã buộc ông Út nhổ, tiêu hủy toàn bộ số cây cần sa và cam kết không tái phạm…

Phần lớn đối tượng khi bị phát hiện đều khai trồng mà không biết cây gì, trồng để ngâm rượu làm thuốc hoặc chăn nuôi gia súc... Tuy nhiên, qua đấu tranh, lực lượng chức năng xác định không ít đối tượng dày công tìm hiểu, nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để trồng cây cần sa. Trên mạng xã hội, hạt giống cây cần sa cũng được bán rất nhộn nhịp. Anh Phạm Khánh, chủ một trang trại VAC ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Anh thường xuyên tham gia một số diễn đàn về trồng cây trên in-tơ-nét. Thời gian qua, tại một số diễn đàn, không ít đối tượng công khai bán hạt giống và quảng cáo về “lợi ích” của cây cần sa. Những người này hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể cho những ai có nhu cầu trồng các loại cây nêu trên. “Những người thiếu hiểu biết pháp luật sẽ bị dụ dỗ bởi lợi nhuận khi trồng cần sa cao hơn gấp nhiều lần so với các loại cây khác”, anh Phạm Khánh cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, nhiều nhóm/cá nhân bán loại hạt này. Hầu hết các loại hạt giống được nhập từ nước ngoài, có giá bán từ 100 nghìn đến 150 nghìn đồng/hạt. Khi có người hỏi mua, các đối tượng bán hạt giống đều hướng dẫn khách hàng về cách trồng, cách chăm sóc để đạt hiệu quả tốt nhất, cam kết “bảo hành” nếu hạt không nảy mầm và sau hai tháng chưa thu hoạch được. Rất nhiều trang web cũng công khai bày bán loại hạt này và hướng dẫn cụ thể từ cách lựa chọn hạt giống, chọn địa điểm canh tác cho đến thu hoạch, phơi sấy; cung cấp cần sa khô, tươi và bán rượu ngâm cần sa với lời quảng cáo bừa bãi, sai trái.

Theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất thì cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội. Có thể thấy, với việc trồng cần sa tràn lan như hiện nay, rất có thể lượng cần sa được rao bán trên in-tơ-nét hoặc trong cộng đồng có nguồn cung từ các đối tượng trồng cần sa nhỏ lẻ. Thậm chí, nhiều đối tượng đã trộn cần sa vào kẹo, sô-cô-la, nước ngọt… để bán cho khách hàng. Giữa tháng 4-2021, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Thái Dung (23 tuổi, trú tại TP Đà Lạt) vì hành vi trộn cần sa vào trà sữa để bán. Tại cơ quan điều tra, Dung khai mua cần sa và học pha chế từ bạn, sau đó về xay, pha trộn với trà sữa để kiếm lời. Dung rao bán loại trà sữa nguy hiểm này trên mạng xã hội với mức giá từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/chai.

Luật sư Phạm Việt Hưng (Trưởng văn phòng luật sư Thiên Hưng và Cộng sự) cho biết, hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy sẽ bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng theo Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Điều 247, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây cô-ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, thì những đối tượng: Đã được giáo dục hai lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; trồng với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức án từ 6 tháng đến 3 năm. Người nào phạm tội thuộc các trường hợp nêu trên nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự...

Theo Đại úy Lê Đình Chi, Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Bộ Công an), muốn ngăn chặn tình trạng trồng cây cần sa trong xã hội, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma túy, bởi nhiều người dân không biết về cây cần sa và hậu quả, tác hại của nó. Thậm chí, nhiều người do thiếu hiểu biết mà bị lừa trồng cây cần sa hoặc đơn giản chỉ nghĩ đây là cây thuốc quý, trồng để ngâm rượu rất tốt. Lực lượng công an xã, cán bộ xã cần tăng cường kiểm tra, nắm địa bàn, sớm phát hiện hành vi trồng cây cần sa và các loại cây có chứa chất ma túy khác. Các cấp, các ngành cần có biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm trồng cây cần sa.

Cần sa có tác hại rất lớn đối với sức khỏe của người sử dụng vì trong lá và các bộ phận ra hoa của loại cây này có hoạt chất gây nghiện, kích thích phần não phản ứng với khoái cảm, khiến người sử dụng cảm thấy hưng phấn. Nhiều người cho rằng hút cần sa mới gây nghiện, còn dùng cây để ngâm rượu, làm rau ăn… thì sẽ như một loại thuốc tốt cho sức khỏe. Đây là quan điểm sai lầm. Nếu sử dụng rượu hoặc ăn loại cây này trong một thời gian dài sẽ gây nghiện và dẫn đến hiện tượng tích lũy thuốc. Về lâu dài, người sử dụng không chỉ giảm chức năng não, giảm khả năng phán đoán… mà còn bị rối loạn điều khiển thần kinh vận động; khả năng thực hiện những việc cần sự điều khiển tay chân như lái xe, điều khiển máy móc cũng sẽ suy giảm.

PGS, TS VÕ TƯỜNG KHA
Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam

Khi phát hiện đối tượng trồng cần sa trái phép, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhận thức của người trồng và số lượng cây đã trồng để có căn cứ xử lý phù hợp theo quy định pháp luật; thu thập các tài liệu chứng minh mức độ nguy hiểm của hành vi trồng và yếu tố lỗi của những người đã trồng loại cây này. Hiện nay, chế tài xử phạt đối với hành vi trồng cây có chứa chất ma túy nói chung và cây cần sa nói riêng còn nhẹ. Bởi vậy, nhiều đối tượng đã sẵn sàng bất chấp để thực hiện hành vi phạm tội. Nếu không có chế tài xử lý mạnh thì sẽ không bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.

Luật sư Lã Thị Ánh
(Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Hiếu Phan

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/bandoc/ngan-chan-tinh-trang-trong-cay-can-sa-649483/