Ngăn chặn tình trạng phá rừng ở Bắc Cạn

Thời gian gần đây, tại tỉnh Bắc Cạn, tình trạng phá rừng sản xuất là rừng tự nhiên diễn biến phức tạp. Hàng chục héc-ta rừng bị chặt trắng, trong khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn triệt để.

Huyện ủy Pác Nặm tuyên truyền, giải thích cho người dân xã An Thắng về vụ việc phá rừng sản xuất tự nhiên xảy ra trên địa bàn.

Huyện ủy Pác Nặm tuyên truyền, giải thích cho người dân xã An Thắng về vụ việc phá rừng sản xuất tự nhiên xảy ra trên địa bàn.

Liên tiếp phá rừng

Đầu tháng 8-2018, kiểm tra khu vực rừng thuộc hai thôn Ma Nòn và Khau Liêu, xã Thượng Quan, các cơ quan chức năng của huyện Ngân Sơn phát hiện tại hai lô 25, 27, khoảnh 5, tiểu khu 132, thuộc địa phận thôn Khau Liêu có gần 1 ha rừng sản xuất là rừng tự nhiên bị phát, phá trái phép. Kiểm tra các lô 30, 50, khoảnh 5, tiểu khu 132 (thuộc thôn Khau Liêu) và các lô 19, 25, 28, 31, 38, khoảnh 6, tiểu khu 132 (thuộc thôn Ma Nòn), phát hiện có 17 cây gỗ từ nhóm III đến nhóm VII như de, dổi, chò chỉ… bị đốn hạ, khối lượng hơn 87 m3 gỗ. Đây là rừng sản xuất tự nhiên (SXTN) đã giao cho các hộ Bàn Văn Phong, Triệu Văn Chòi, Bàn Sinh Nghiêm và Bàn Đức Nhất. UBND huyện Ngân Sơn đã chỉ đạo kiểm lâm phối hợp công an huyện điều tra, làm rõ.

Tại xã An Thắng, huyện Pác Nặm, phần lớn đất rừng thuộc đất rừng SXTN đã được giao cho nhân dân quản lý, bảo vệ ổn định. Tuy nhiên, trong tháng 4-2018, nhiều diện tích rừng tại đây đã bị chặt phá. Các cơ quan chức năng phát hiện có 26 hộ dân tham gia, phát, phá trái phép 13,36 ha, chặt hạ 4.618 cây, khối lượng gỗ 827,9 m3. Điều đáng nói là trong vụ việc này, có tới 15 cán bộ, đảng viên hoặc người nhà của cán bộ, đảng viên liên quan.

Trước đó, vào tháng 5-2017, 28 hộ dân ở xã Yên Thượng, huyện Chợ Đồn tự ý chặt phá 23 ha rừng SXTN khu vực các thôn Nà Nhàm, Bản Liên và Pác Cộp để lấy đất trồng rừng sản xuất. Trong đó, có 15 hộ vi phạm vượt khung xử lý hành chính và hộ phá nhiều nhất lên đến hơn 2 ha. Cơ quan chức năng huyện Chợ Đồn đã củng cố hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng trong năm 2017, tại xã Đổng Xá, huyện Na Rì, hơn 14 ha rừng SXTN vốn xanh tốt, nhưng nhiều cây gỗ lớn đã bị một số gia đình ở các thôn Khuổi Cáy, Khuổi Nạc, Nà Thác chặt hạ với mục đích trồng rừng sản xuất. Một số hộ khác bán rừng SXTN cho một vài cá nhân ngoại tỉnh, những người này lại thuê dân địa phương “cải tạo” rừng bằng cách phá rừng cũ, trồng rừng mới. Người dân từ chỗ là chủ rừng lại trở thành người làm thuê.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn, sáu tháng đầu năm 2018, đã có hơn 32 ha rừng SXTN bị phát, phá trái phép ở tất cả các huyện. Kiểm lâm đã chuyển hồ sơ nhiều vụ sang cơ quan điều tra, xem xét điều tra xử lý hình sự hơn 10 đối tượng. Tuy vậy, tình trạng phá rừng SXTN diễn ra liên tục và có chiều hướng gia tăng nếu không ngăn chặn kịp thời.

Đâu là nguyên nhân?

Trong khoảng 10 năm lại đây, phong trào trồng rừng ở Bắc Cạn phát triển mạnh mẽ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, phần lớn diện tích rừng sản xuất đã được trồng phủ kín. Tổng diện tích rừng SXTN hiện hơn 120.534 ha, chiếm khoảng một nửa tổng diện tích rừng tự nhiên của tỉnh.

Trước đây, đối với rừng SXTN nghèo kiệt, người dân có quyền cải tạo bằng cách trồng rừng mới khi được cơ quan chức năng cấp phép, thế nhưng tại Bắc Cạn đã có nhiều vụ người dân tự ý phát, phá không xin phép. Từ năm 2017, Chính phủ cấm cải tạo rừng SXTN nghèo kiệt. Theo chủ trương này, 120.534 ha rừng SXTN ở Bắc Cạn đều thuộc diện phải bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khoảng 80% số dân Bắc Cạn đang sinh sống ở vùng có rừng, sống nhờ rừng. Đáng chú ý, phần lớn các hộ có đất rừng SXTN đều ở thôn, bản xa, thiếu sinh kế bền vững, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, nhiều hộ thiếu ăn. Trong khi đó, dù có quy định hỗ trợ giao khoán bảo vệ đối với rừng SXTN là 400 nghìn đồng/ha, nhưng tỉnh không cân đối được kinh phí cho nên chưa chi trả được cho dân. Người dân không nhận được tiền hỗ trợ khoán bảo vệ, quay sang phá rừng với lý do trồng rừng để cải thiện cuộc sống.

Lâu nay, việc bảo vệ rừng SXTN tại Bắc Cạn hết sức khó khăn khi phần lớn diện tích nằm ở vùng sâu, xa, hẻo lánh. Thí dụ như xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn rộng tới 16.000 ha, có 22 thôn, bản thì đường giao thông chủ yếu lối mòn, có thôn cách trung tâm xã tới 40 km. Thêm vào đó là tình trạng một số cán bộ kiểm lâm địa bàn, chính quyền cơ sở còn thiếu trách nhiệm, thiếu quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ. Chẳng hạn như trong vụ phá rừng tại xã An Thắng, kiểm lâm địa bàn biết nhưng không báo cáo cấp trên giải quyết, để xảy ra phá rừng trên diện rộng. Chi cục Kiểm lâm Bắc Cạn sau đó đã kỷ luật Đảng và cho thôi chức trạm trưởng đối với kiểm lâm viên này.

Ngoài ra, phần lớn những hộ dân phá rừng SXTN đều là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Một số người quan niệm, nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích trước mắt, chưa coi trọng phát triển bền vững của rừng tự nhiên. Chưa kể, việc được quyền định đoạt trên diện tích rừng SXTN được giao quản lý, bảo vệ; chính quyền cơ sở, kiểm lâm chưa làm tốt công tác phổ biến pháp luật; quản lý, tuần tra, kiểm tra, bám nắm cơ sở chưa thường xuyên cũng góp phần khiến tình trạng phá rừng trái phép gia tăng.

Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Cạn Nguyễn Hữu Thắng cho biết, để ngăn chặn tình trạng phá rừng SXTN, trước mắt, Chi cục sẽ tăng cường lực lượng kiểm lâm bám, nắm địa bàn. Bên cạnh việc đẩy mạnh, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, sẽ xử lý nghiêm hành vi phá rừng, kể cả những cán bộ, kiểm lâm thiếu trách nhiệm, để xảy ra hậu quả. Tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào có rừng SXTN với mức 15 kg/hộ/tháng, đồng thời kiến nghị T.Ư hỗ trợ 300 tỷ đồng trong ba năm để chi trả khoán bảo vệ rừng SXTN cho nhân dân. Về lâu dài cần có các giải pháp hiệu quả để nâng cao đời sống người dân, bởi khi phần lớn người dân còn chưa thoát nghèo được từ rừng, chưa tạo được sinh kế bền vững thì nguy cơ rừng SXTN tiếp tục bị phát, phá sẽ còn tiếp tục.

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/37458202-ngan-chan-tinh-trang-pha-rung-o-bac-can.html