Ngăn chặn tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

Hiện nay, có nhiều đối tượng sử dụng các 'chiêu, trò' để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng xã hội hoặc điện thoại. Theo bạn đọc phản ánh, những 'chiêu, trò' thông báo trúng thưởng; nhận quà tặng từ nước ngoài; nộp tiền để xóa tên liên quan đến vụ án buôn bán ma túy; hoạt động từ thiện, nhân đạo… tuy không mới, nhưng nhiều người vẫn 'sập bẫy'...

Công an huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Thị Hiền (SN 1984) trú tại thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng”.Ảnh: CHÍ TUÂN

Công an huyện Minh Hóa (Quảng Bình) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Thị Hiền (SN 1984) trú tại thôn Thanh Long, xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng”.Ảnh: CHÍ TUÂN

Vừa qua, chị Nguyễn Thị H, ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) bị một người lạ thường xuyên gọi điện thoại đến trao đổi thông tin với nội dung như sau: “Chào chị H! Tôi là nhân viên bưu điện, chị có giấy triệu tập của công an liên quan đến một vụ án buôn bán ma túy… Nếu muốn bỏ tên chị ra ngoài hồ sơ vụ án thì chị phải sớm nộp 300 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng mà chúng tôi sẽ cung cấp…”. Nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người thân khuyên chị H nên làm đơn trình báo các cơ quan chức năng. Khác với chị H, anh Trần Văn B, ở quận 4, TP Hồ Chí Minh nhận được tin nhắn qua facebook với nội dung: Anh B là người may mắn có mã số trúng thưởng xe SH. Để được nhận phần thưởng có giá trị này, anh hãy liên hệ ban tổ chức theo số điện thoại 0383.xxx.xxx. Khi anh B liên hệ thì được hướng dẫn nộp trước 10 triệu đồng để làm thủ tục cần thiết. Do quá vui mừng cho nên anh B chuyển ngay số tiền nêu trên vào tài khoản ngân hàng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, anh không thể liên lạc với người của ban tổ chức theo số điện thoại đã gọi.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng vẫn là những “chiêu, trò” không mới. Để tạo niềm tin, các đối tượng thường chủ động gọi điện thoại, nhắn tin làm quen với các nạn nhân là phụ nữ trẻ ít hiểu biết, người cao tuổi, người về hưu, người dân tộc thiểu số… Chỉ cần ai nhẹ dạ, cả tin chuyển tiền vào các tài khoản định sẵn, các đối tượng lập tức rút sạch và cắt liên lạc. Hầu hết nạn nhân khi bị lừa đảo, vì nhiều lý do đều không trình báo nên gây khó khăn cho cơ quan điều tra xác minh vụ việc.

Theo một cán bộ Bộ Công an, hiện nay tình trạng tội phạm này tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiều đối tượng am hiểu về công nghệ thông tin còn xâm nhập vào các máy chủ, chiếm đoạt tài khoản email, admin của doanh nghiệp. Sau đó, theo dõi các hợp đồng giao dịch kinh doanh rồi lựa chọn thời điểm phù hợp để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng. Một số đối tượng còn mạo danh chủ tài khoản để liên lạc với bạn bè, người thân vay mượn tiền hoặc yêu cầu gửi mã thẻ nạp điện thoại. Tình trạng làm giả thẻ thanh toán dịch vụ tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng chủ yếu sinh sống ở nước ngoài mang theo thẻ giả, thiết bị chuyên dụng làm thẻ tín dụng giả nhập cảnh vào Việt Nam và móc nối với các đối tượng trong nước, nhằm thực hiện các giao dịch khống qua POS để chiếm đoạt trái phép hàng chục tỷ đồng. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn sử dụng bàn phím giả lắp đè lên bàn phím thật của máy ATM để ghi lại mã PIN…

Vừa qua, Công an tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá đường dây tội phạm, khởi tố và bắt tạm giam chín bị can về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Các bị can bị bắt giữ gồm Phạm Thị Hương, ở phường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Nguyễn Tuấn Dũng, ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội)… Trong vụ án này, các đối tượng đã rút, chiếm đoạt tổng số tiền 5,4 tỷ đồng từ hai ngân hàng ở các tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ninh. Tại cơ quan công an, Hương và đồng bọn đã khai nhận, qua mạng xã hội làm quen với một số đối tượng người nước ngoài chuyên cung cấp thông tin thẻ ngân hàng bị đánh cắp. Sau đó, Hương chủ động tìm các doanh nghiệp có máy POS để đăng ký dịch vụ thanh toán MOTO nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu trót lọt, tổng số tiền sẽ được chia cho Hương 5%, 45% cho doanh nghiệp có máy POS và 50% cho người cung cấp thông tin thẻ ngân hàng…

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), chia sẻ: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) bổ sung năm tội danh mới về tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông góp phần rất lớn vào việc đấu tranh, xử lý loại tội phạm này. Tuy nhiên, hình phạt còn nhẹ, chủ yếu là phạt tiền, mức phạt cũng không cao, chưa đủ sức răn đe như đối với tội danh được quy định tại các Điều 289, 290, 291 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên tội phạm liên quan đến công nghệ thông tin, mạng viễn thông có xu hướng gia tăng.

Các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và công an các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và tích cực như kiểm tra, rà soát, lên danh sách địa bàn phức tạp, nhiều đối tượng có tiền án về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản; tổ chức các buổi nói chuyện, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại các trường THPT và THCS. Tích cực tham mưu, đề xuất lãnh đạo các cấp rà soát, nghiên cứu ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới công tác đấu tranh, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao. Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí thông tin kịp thời người dân những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao, hướng dẫn người dân biết cách cảnh giác tự phòng ngừa. Chủ động nắm tình hình, dự báo chính xác xu hướng, diễn biến của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường mối quan hệ với các lực lượng trong và ngoài ngành công an trong công tác phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Phối hợp Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, các cơ quan ứng cứu sự cố máy tính, an ninh mạng (VNCERT, BKAV...) để đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thanh toán thẻ, thanh toán điện tử. Xây dựng quy chế phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên in-tơ-nét như: Facebook, Google, Youtube... nhằm phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng có dấu hiệu trẻ hóa, hầu hết là những thanh niên nghỉ học sớm, lười lao động, muốn hưởng thụ... thường tụ tập tại các quán in-tơ-nét hoặc lập nhóm kín để hướng dẫn nhau cách lừa đảo qua mạng. Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động cho thuê máy chủ của các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ… Đây là những kẽ hở làm nảy sinh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Thượng úy NGUYỄN HOÀNG ANH (Bộ Công an)

Cần có chính sách hợp lý nhằm khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao về khoa học - công nghệ tham gia phục vụ hoặc cộng tác với lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Từ đó, góp phần tăng cường năng lực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này.

TRẦN THANH MINH
(quận 5, TP Hồ Chí Minh)

ANH ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/40559502-ngan-chan-tinh-trang-lua-dao-chiem-doat-tai-san-qua-mang.html