Ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép tại Nam Ðịnh

Thời gian qua, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng ở Nam Ðịnh đã có nhiều nỗ lực đấu tranh xử lý, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương.Thời gian qua, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng ở Nam Ðịnh đã có nhiều nỗ lực đấu tranh xử lý, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương.

Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc.

Tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc.

Thời gian qua, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng ở Nam Ðịnh đã có nhiều nỗ lực đấu tranh xử lý, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương.Thời gian qua, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng ở Nam Ðịnh đã có nhiều nỗ lực đấu tranh xử lý, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn tài nguyên khoáng sản của địa phương.

“Nóng” các địa bàn giáp ranh, cửa sông, cửa biển

Khoảng 5 giờ sáng ngày 15-10-2018, nhận được tin báo của người dân, chúng tôi có mặt bên bờ sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc. Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ một đoạn sông ngắn đã xuất hiện nhiều tàu ngang nhiên vươn vòi hút cát, “nối đuôi” đến cả cây số. Các tàu hút cát dịch chuyển qua vài điểm trên sông, từ khoảng giữa sông vào đến gần bờ phía Nam Ðịnh mới đầy khoang, hoạt động liên tục từ đêm đến 9 giờ sáng.

Người dân cho biết, hoạt động hút cát công khai này diễn ra nhiều năm qua, tần suất lẫn số lượng tàu tăng đột biến trong hơn một năm trở lại đây. Bà Nguyễn Thị Nghiên, người dân trồng màu ven sông cho biết: “Tầm ba đến bốn giờ sáng, tàu hút cát trái phép hoạt động rất mạnh, tiếng ồn làm người dân sống ven sông mất ngủ. Dân chạy ra đuổi nhưng không được!”. Anh Chu Văn Hoàng cũng ở xã Mỹ Tân, quản lý khu nuôi cá lồng trên sông Hồng bức xúc: “Mỗi lần, khoảng năm đến bảy tàu xuất hiện, toàn tàu to, công suất lớn. Ban ngày, họ thường hút cát giữa sông, đến đêm lấn hẳn sang bờ bên này”.

Theo phản ánh của ông Ðỗ Quý Lợi, Bí thư chi bộ thôn Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, hoạt động hút cát không chỉ gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng việc trồng màu, mà còn khiến nhà dân ven sông bị sụt lún, nứt tường, thậm chí nứt cả mái. “Từ đây đến thôn Hồng Hà 2, không cứ nhà cũ mà nhiều nhà xây mới vẫn nứt. Tôi phải khuyến cáo bà con, xây nhà một tầng thôi, xây cao lên rồi cuối cùng tiền thì mất, lại không an toàn”, ông Lợi chia sẻ.

Ðoạn sông Hồng giáp ranh giữa hai tỉnh Nam Ðịnh - Thái Bình là “điểm nóng” về khai thác cát. Một số doanh nghiệp được tỉnh Thái Bình cấp phép, mặc dù có phao chia khu vực quản lý điểm mỏ ở giữa sông, nhưng một số doanh nghiệp vẫn ngang nhiên “lấn làn” sang hút cát phía bờ Nam Ðịnh. Người dân địa phương cho biết, trước đây đoạn sông này khá nông, tàu lớn đi qua có thể chạm đáy. Nhưng nay, do bị hút cát liên tục, có đoạn đã sâu đến 30 m, bờ sông sạt lở nghiêm trọng, nhiều chỗ không còn “chân” để kè kiên cố.

Trung tá Phạm Vũ Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Nam Ðịnh cho biết, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 10 trường hợp khai thác cát trái phép, với 21 phương tiện, phạt hành chính gần 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, trong bối cảnh trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng một số dự án trọng điểm, nhu cầu sử dụng cát để san lấp, xây dựng nền móng công trình tăng cao. Do không có vật liệu thay thế, các chủ mỏ cát lợi dụng tình trạng khan hiếm vật liệu đã nâng giá cát từ 10 nghìn đồng lên 30 nghìn đồng/m³. Nguồn lợi nhuận lớn khiến nhiều đối tượng bất chấp, vi phạm trên nhiều đoạn thuộc các tuyến sông Hồng, sông Ðào, sông Ninh Cơ, thuộc địa phận các huyện: Mỹ Lộc, Nam Trực, Giao Thủy, Nghĩa Hưng...

Không chỉ trên sông, hoạt động khai thác cát trái phép trên biển cũng diễn biến phức tạp. Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Ðịnh quản lý địa bàn biên phòng 20 xã, thị trấn, với 72 km đường bờ biển trên ba cửa sông lớn là cửa Ninh Cơ, cửa Ðáy và cửa Ba Lạt. Trong năm 2017 có sáu trường hợp khai thác cát trái phép bị phát hiện, xử lý. Năm 2018, đã có 10 trường hợp bị phát hiện, xử lý. Chỉ trong tháng 9-2018, Bộ đội Biên phòng tỉnh bắt giữ bốn vụ, phạt hành chính hơn 105 triệu đồng. Ðiển hình là, hồi 23 giờ ngày 21-9, đơn vị làm nhiệm vụ tại xã Giao Hải, huyện Giao Thủy, đã phát hiện phương tiện HD 2779 do ông Nguyễn Văn Xuân (sinh năm 1976, trú tại xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) làm thuyền trưởng, đang sử dụng 17 máy hút cát trên tàu để khai thác cát trái phép. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng khai nhận, trên tàu có sáu thuyền viên, đã khai thác gần 100 m³ cát. Ðơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính với chủ tàu, người thuê tàu, các thuyền viên số tiền hơn 53 triệu đồng, yêu cầu bồi hoàn toàn bộ số cát bị khai thác trái phép về vị trí ban đầu.

Ðại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Ðịnh cho biết, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Các đối tượng thường lợi dụng lúc đêm tối, thời tiết xấu, ngày nghỉ để sử dụng phương tiện chuyên dụng có công suất rất lớn khai thác. Họ tổ chức, bố trí cảnh giới, theo dõi lực lượng chức năng để thông báo, nhằm đối phó. Nếu bị bắt, họ dùng điện thoại, báo cho chủ các phương tiện vi phạm khác bỏ chạy.

Khó khăn chính trong việc phát hiện, xử lý đối tượng khai thác cát trái phép, nhất là ở các khu vực giáp ranh là xác định tọa độ ghi trên giấy phép. Trung tá Phạm Vũ Tuấn, chia sẻ: Có những trường hợp, lực lượng chức năng nhận được tin báo, nhưng khi đến nơi, tàu hút cát đã trở về khu vực được khai thác cho nên không thể xử phạt. Trước sáp nhập, Phòng Cảnh sát đường thủy chỉ có quân số 30 người, chia làm bốn đội, quản lý 260 km đường sông, thuộc ba tuyến: sông Ðào, sông Hồng và sông Ninh Cơ. Nhân lực hạn chế, phương tiện xuống cấp khiến hoạt động tuần tra, kiểm soát của đơn vị gặp không ít trở ngại, khó khăn.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Theo quy hoạch khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, được UBND tỉnh Nam Ðịnh phê duyệt tại Quyết định số 52/QÐ-UBND ngày 10-1-2012 (sau đó được đính chính, bổ sung tại Quyết định số 350/QÐ-UBND ngày 19-3-2013), trên bốn tuyến sông lớn là: sông Hồng, sông Ðáy, sông Ðào, sông Ninh Cơ; toàn tỉnh có 13 điểm mỏ được đưa vào khai thác cát phục vụ nhu cầu xây dựng, san lấp, với tổng trữ lượng được phép khai thác hơn 10,8 triệu m³. Trong đó, tuyến sông Hồng có chín điểm mỏ, tổng trữ lượng hơn 8,5 triệu m³; tuyến sông Ðào có một điểm mỏ, tổng trữ lượng 130 nghìn m³; tuyến sông Ðáy có một điểm mỏ, tổng trữ lượng hơn 334 nghìn m³; tuyến sông Ninh Cơ có hai điểm mỏ, tổng trữ lượng hơn 1,8 triệu m³.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Ðịnh Nguyễn Phùng Hoan cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng cùng các địa phương thực hiện nhiều biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, nhằm đấu tranh với tình trạng khai thác cát trái phép, gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Từ đầu năm 2017, các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã tăng cường quản lý, kiểm tra, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép. Ngày 6-6-2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1243/QÐ-UBND về thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc khai thác cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Nam Ðịnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND (ngày 19-3-2018) về việc tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh và Quyết định số 09/2018/QÐ-UBND (ngày 2-5-2018) về quy định trách nhiệm phối hợp quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc UBND cấp huyện, lập tổng hợp kế hoạch, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Qua theo dõi, giám sát tình trạng khai thác cát trái phép có nhiều chuyển biến. Hiện nay, tỉnh cấp phép khai thác cát cho hai mỏ gồm: mỏ cát cửa Ba Lạt, thuộc huyện Giao Thủy (cấp năm 2013) và mỏ cát tại khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng (cấp tháng 9-2017), để phục vụ nuôi trồng thủy sản và san lấp các công trình hạ tầng trọng điểm của tỉnh.

Thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở từng khu vực cụ thể do địa phương quản lý, tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành trên sông, trên biển để khắc phục phần nào khó khăn về phương tiện thủy ở các địa phương. Các cấp, các ngành và cơ quan chức năng siết chặt cả “đầu vào” lẫn “đầu ra” của hoạt động khai thác cát. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, phổ biến thông tin về các điểm mỏ được cấp phép cho lực lượng chức năng. Với các công trình hạ tầng đang xây dựng, tỉnh yêu cầu phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc cát dùng để san lấp, xây dựng.

Bài và ảnh: Trần Khánh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/38556302-ngan-chan-tinh-trang-khai-thac-cat-trai-phep-tai-nam-%C3%B0inh.html