Ngăn chặn tình trạng gian lận nhãn mác, xuất xứ hàng hóa

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc có dấu hiệu gian lận về nhãn mác và xuất xứ hàng hóa đã bị phát giác. Nhiều bạn đọc nêu ý kiến đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi gian lận, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp cũng như xử lý nghiêm những đơn vị sai phạm.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra xuất xứ hàng hóa tại một siêu thị. Ảnh: HOÀI NAM

Trong sáu tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý hơn 52 nghìn vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, đây chỉ là con số nhỏ so với thực tế vi phạm hiện nay. Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhan nhản khắp nơi, không chỉ gây thiệt hại kinh tế, thậm chí còn ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe, nhất là niềm tin người tiêu dùng.

Số liệu báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo 138 (Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm) và Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) cho thấy, thời gian qua, công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Song thực tế, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ… vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng hàng hóa bị cắt mác, giả nhãn hiệu khá nhiều. Chị Nguyễn Thị Minh (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), vì muốn sắm thiết bị nhà bếp cho ngôi nhà mới, đã bỏ 15 triệu đồng để mua một chiếc bếp hồng ngoại được quảng cáo là hàng nhập “nguyên chiếc” từ châu Âu với mặt kính cường lực, có chức năng hẹn giờ, cảnh báo khi mặt bếp nóng… tại một cửa hàng đồ gia dụng trên đường Khâm Thiên (Hà Nội). Khi đến một trung tâm thương mại ở quận Hoàn Kiếm, chị Minh thấy chiếc bếp cùng nhãn hiệu nhưng giá tới gần 40 triệu đồng. Hỏi ra mới biết, đây là hàng chính hãng. Kiểm tra lại bếp của nhà mình thì thấy dưới đáy bếp có tem dán tên một nhãn hiệu khác. Tìm hiểu chị biết dòng bếp hồng ngoại mà chị mua được sản xuất tại Trung Quốc theo tiêu chuẩn châu Âu, giá thực của bếp chỉ khoảng 8 triệu đồng. Thực trạng lập lờ nhãn mác hàng hóa, nhất là các mặt hàng: gia dụng, thời trang, điện tử, đồ chơi trẻ em… lâu nay khiến cho người tiêu dùng không khỏi bất an khi mua hàng. Qua khảo sát tại một số chợ lớn chuyên kinh doanh hàng quần áo, may mặc trên địa bàn Hà Nội, không khó để tìm các loại quần áo toàn “hàng hiệu” bày bán la liệt, nhất là mặt hàng quần jean với đủ nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Levis, CK… nhưng giá chỉ hơn một trăm nghìn đồng/chiếc. Thậm chí, có cửa hàng, người bán đưa ra đầy đủ các nhãn mác quần jean bằng chất liệu simili, kim loại để may hoặc nẹp lên quần và cho biết, khách thích thương hiệu gì thì họ sẽ may nhãn của thương hiệu đó. Bà Hạnh, kinh doanh quần áo tại chợ sinh viên trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, nhiều trường hợp người bán còn tháo mác sản phẩm nhập lậu chất lượng thấp và dán mác Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Hưng, một chủ cửa hàng kinh doanh kính lâu năm tại quận Thanh Xuân cho rằng, phần lớn các loại kính mắt, đồng hồ tại chợ sinh viên, bày bán trên thị trường có giá vài trăm nghìn, thậm chí đến hàng triệu đồng vẫn là hàng giả, hàng nhập lậu… Loại hàng này bán ra lời gấp nhiều lần so với vốn, do đó tiểu thương lao vào kinh doanh và sẵn sàng đóng tiền nộp phạt khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

Theo cơ quan quản lý thị trường, hiện nay, ngoài việc làm giả các mặt hàng của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nhiều đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng kém chất lượng từ nước ngoài vào tiêu thụ. Nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, quần áo, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng… Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hóa đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Đối với hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp phần lớn người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề Hà Nội như: Sơn Hà, Phú Yên (huyện Phú Xuyên), La Phù (huyện Hoài Đức), Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm)… Một số đối tượng đã lợi dụng mua lại những mặt hàng hết hạn hoặc gần hết hạn sử dụng, sau đó tẩy xóa, sửa lại kéo dài hạn sử dụng, đưa ra thị trường ở vùng sâu, vùng xa, ngoại thành Hà Nội. Đáng chú ý là tình trạng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái phép các loại hóa chất, phân bón, vật tư nông nghiệp, phụ gia thực phẩm không bảo đảm; sử dụng chất cấm trong chế biến, bảo quản và chăn nuôi vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Trước tình trạng gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng, các cơ quan chức năng đã tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường. Song, do lợi nhuận cao, các đối tượng tội phạm luôn tìm phương thức, thủ đoạn tinh vi, phức tạp để qua mặt. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách, pháp luật về thương mại. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tình trạng hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại diễn biến ngày càng phức tạp. Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng cũng như các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người dân cần cung cấp thông tin để cơ quan quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý nhanh thông tin gian lận thương mại.

TRẦN HÙNG

Phó Cục trưởng Quản lý thị trường,Bộ Công thương

Người tiêu dùng khi mua sản phẩm trong nước nên chọn sản phẩm có ghi nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông tin kỹ thuật, thời hạn sử dụng, trọng lượng đầy đủ. Nếu những sản phẩm đã công bố mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã sản phẩm để kiểm tra.

HOÀNG CHƯƠNG

Chuyên gia kinh tế

Hiện nay, hàng Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những hành vi gian lận của một số doanh nghiệp tác động tiêu cực đến uy tín của sản phẩm, thương hiệu Việt. Yêu cầu đặt ra là phải xử lý nghiêm nếu có sai phạm, đồng thời cần làm rõ và quy trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân liên quan khi để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng, nhằm bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp nói riêng và người tiêu dùng nói chung.

NGUYỄN VĂN TRUNG

(Công ty TNHH Hải Minh, Hà Nội)

QUANG MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/37391302-ngan-chan-tinh-trang-gian-lan-nhan-mac-xuat-xu-hang-hoa.html