Ngăn chặn tình trạng đạo, nhái trong sáng tạo nghệ thuật

Vừa qua, sự việc họa sĩ Dương Ngân Hải bị tố đạo, nhái hai bức tranh cổ động của nước ngoài để dự thi và đoạt giải thu hút sự quan tâm của dư luận.

Vừa qua, sự việc họa sĩ Dương Ngân Hải bị tố đạo, nhái hai bức tranh cổ động của nước ngoài để dự thi và đoạt giải thu hút sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, tranh Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng đoạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền Năm APEC Việt Nam 2017, do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức bị tố giống hệt tranh cổ động của một họa sĩ Liên Xô (trước đây) sáng tác cho kỳ Thế vận hội 1980; tranh cổ động ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa Năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức cũng bị tố đạo, nhái tác phẩm của một họa sĩ U-crai-na công bố năm 2015. Đặt các bức tranh bị tố đạo nhái cạnh tranh gốc, dễ thấy sự trùng hợp đến khó hiểu cả về ý tưởng, mầu sắc và bố cục. Lý giải điều này, họa sĩ Dương Ngân Hải cho biết trong quá trình sáng tác, đã tìm hiểu trên mạng xã hội và thấy hai tác phẩm rất phù hợp cho nên đã “mượn” từ đó để thể hiện những ý đồ của mình.

Câu chuyện “mượn” tác phẩm của người khác để sáng tạo tiếp tục dấy lên những bức xúc trong giới mỹ thuật bởi đây không phải là lần đầu hành vi đạo, nhái tranh trắng trợn bị phát hiện trong các cuộc thi. Điều đáng nói là chính vì các bức tranh được trao giải, hoặc được đăng tải công khai cho nên mới bị phát hiện việc vi phạm bản quyền. Với những người làm nghề chân chính khó có thể chấp nhận tình trạng một số họa sĩ “mượn” một vài chi tiết, thậm chí toàn bộ bố cục tranh của người khác để xào xáo, lắp ghép lại thành tác phẩm của mình. Không chỉ thế, các tác phẩm đạo nhái này còn tự tin tham gia các cuộc thi và rồi có thể may mắn được trao giải, hoặc ngang nhiên xuất hiện ở nơi công cộng, trong các ngày lễ lớn hay các đợt tuyên truyền những sự kiện trọng đại của đất nước. Chỉ khi bị phát hiện, những tác phẩm này mới bị tháo dỡ, rút khỏi giải thưởng, và không ít tác phẩm “mượn ý tưởng” đã bị “lọt lưới”, ung dung tồn tại.

Cần phải nhìn nhận rằng việc đạo, nhái trong sáng tác tranh cổ động nói riêng, và hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung là hành vi không thể chấp nhận. Đây là hành vi xâm phạm bản quyền cần bị lên án, đồng thời cũng cho thấy sự xuống cấp về mặt đạo đức của một số người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Sự tồn tại của các tác phẩm đạo, nhái khiến cho môi trường sáng tạo trở nên hỗn tạp và không còn lành mạnh.

Thực tế dù đã có quy định của pháp luật, nhiều trường hợp vi phạm bản quyền trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật đã bị xử phạt, tuy nhiên vấn nạn này vẫn tồn tại như một căn bệnh kinh niên. Nguyên nhân bởi chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều sự việc nhanh chóng rơi vào quên lãng cho nên việc ngăn chặn chưa hiệu quả. Điều này đòi hỏi một cơ chế kiểm soát chặt chẽ với sự vào cuộc rốt ráo của chính những người làm nghề. Cần có những hội đồng thẩm định giàu kinh nghiệm, khách quan, trung thực để kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm bản quyền, kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt. Người có hành vi sao chép, đạo, nhái tác phẩm của người khác cần phải xin lỗi công khai trên phương tiện truyền thông.

Hơn ai hết, mỗi người nghệ sĩ cần không ngừng trau dồi chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc chấp hành quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, chịu khó học hỏi, có trách nhiệm với mỗi sản phẩm mình tạo ra. Bởi đó cũng là cách tôn trọng chính bản thân và cộng đồng, giúp xây dựng một môi trường nghệ thuật lành mạnh. Thành công đích thực sẽ chỉ có được từ sự nỗ lực, lao động nghiêm túc và đam mê của chính người nghệ sĩ.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/ngan-chan-tinh-trang-dao-nhai-trong-sang-tao-nghe-thuat-608918/