Ngăn chặn tình trạng cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng

Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao về vụ việc 'hỗn chiến' mang tính chất côn đồ xảy ra trên địa bàn xã Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), làm xấu đi hình ảnh một khu du lịch mới đầy tiềm năng. Điều đáng buồn là nhiều người dân đã bị lôi kéo vào vụ việc này với những hành vi quá khích, núp dưới danh nghĩa 'tình thân' hay 'bảo vệ người nhà'.

Tòa án Nhân dân huyện Thọ Xuân xét xử các đối tượng về tội gây rối trật tự nơi công cộng tại Cảng Hàng không Thọ Xuân.

Nhóm đối tượng sử dụng hung khí, gây gổ đánh nhau khiến 3 người bị thương tại nhà hàng Hưng Thịnh 1 (Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến); sau đó tiếp tục cản trở không cho xe cứu thương đưa người bị thương đi cấp cứu. Thậm chí, chống đối, tấn công lực lượng chức năng. Hành vi phạm tội của nhóm đối tượng còn cho thấy rõ tính chất côn đồ, coi thường pháp luật, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, bị dư luận lên án gay gắt. Thế nhưng, thay vì can ngăn, khuyên bảo, nhiều người dân là người nhà của nhóm đối tượng nói trên đã tụ tập khiếu kiện đông người, đòi “thả người” với lý do “người nhà không làm gì sai”. Như vậy, vô hình chung, hành vi phạm tội của nhóm đối tượng lại được cổ súy bằng những hành động quá khích khác. Được biết, qua quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 11 đối tượng gồm: Trương Phú Huân, sinh năm 1982; Trương Phú Hoàng, sinh năm 1986; Trương Quốc Lưu, sinh năm 1990; Trương Quốc Hùng, sinh năm 1997 và Bùi Việt Chiến, sinh năm 1992 đều ở thôn Tiền Thôn, xã Hoằng Tiến, Hoằng Hóa; Lê Văn Phong, sinh năm 1996; Nguyễn Như Hải, sinh năm 1998 đều ở xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa; Lê Văn Tình, sinh năm 1992 ở phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn; Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1991 ở thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa; Nguyễn Xuân Huy, sinh năm 1988 và Cao Văn Bắc, sinh năm 1987 đều ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa để làm rõ hành vi hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng.

Gần đây nhất, vào khoảng 20 giờ 25 phút ngày 1-6-2019, tại Cảng Hàng không Thọ Xuân, hành khách Lê Văn Hùng (38 tuổi, trú tại xã Xuân Quang, huyện Thọ Xuân) đi chuyến bay chặng Thanh Hóa – TP Hồ Chí Minh (dự kiến cất cánh lúc 20 giờ 55 phút cùng ngày), đã không tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên kiểm soát an ninh tại khu vực kiểm tra soi chiếu hành khách, hành lý xách tay. Thậm chí, nam hành khách này còn chửi bới, thách thức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không và có hành vi ôm cổ rồi vật nhân viên kiểm soát an ninh hàng không Chu Đình Tâm khi nhân viên này đang thực hiện nhiệm vụ. Khi đưa vào phòng xử lý, Lê Văn Hùng vẫn tiếp tục có hành vi chống đối và dùng tay bị còng đập vào vùng trán bên trái nhân viên kiểm soát an ninh hàng không Cao Đức Sơn, gây chảy máu. Ngay sau đó, lực lượng kiểm soát an ninh cảng hàng không đã phối hợp với đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc tại sân bay lập biên bản vi phạm, bàn giao Lê Văn Hùng cho Công an huyện Thọ Xuân xử lý theo quy định.

Trước đó, khoảng 14h20’ ngày 23-11-2018, Lê Văn Nhị và Lê Trung Dũng đều ở xã Xuân Quang (Thọ Xuân) và Phạm Hữu An, ở phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) đến Cảng Hàng không Thọ Xuân để tiễn người nhà đi chuyến bay Thanh Hóa – TP Hồ Chí Minh dự kiến cất cánh lúc 15h5’ cùng ngày. Sau khi người nhà làm xong các thủ tục check- in, Phạm Hữu An, Lê Văn Nhị và Lê Trung Dũng nhờ chị Lê Thị Giang, nhân viên hãng hàng không VietJet Air (đang làm nhiệm vụ kiểm soát hành lý tại khu vực sảnh ga đi) chụp ảnh hộ, sau đó 3 đối tượng muốn chụp chung với chị Giang, nhưng chị Giang từ chối vì lý do công việc. Do không được đáp ứng yêu cầu, nên các đối tượng Phạm Hữu An, Lê Văn Nhị và Lê Trung Dũng đã to tiếng chửi, bới, hành hung chị Giang. Lúc đó, bà Lê Thị Hiền là đại diện hãng hàng không VietJet Air chứng kiến sự việc đã ra can ngăn thì bị Lê Văn Nhị tát vào mặt và đạp vào người; 2 nhân viên kiểm soát an ninh là Trịnh Ngọc Hoàn và Vũ Quốc Hội thực hiện nhiệm vụ tại vị trí ga đã can ngăn thì bị Lê Trung Dũng đánh vào mặt. Lực lượng an ninh hàng không đã phối hợp với tổ công tác của Công an huyện Thọ Xuân đã có mặt kịp thời và khống chế, bắt giữ 3 đối tượng. Sau khi xảy ra vụ việc đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây tâm lý hoang mang, bất bình trong dư luận xã hội.

Gây rối trật tự công cộng là hành vi cố ý phá vỡ tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là tội trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, văn minh, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở nơi công cộng. Nguyên nhân của tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng là do mâu thuẫn tức thời trong quan hệ, sinh hoạt, mâu thuẫn trong kinh doanh, do sử dụng rượu bia... Thậm chí một số đối tượng côn đồ có biểu hiện tụ tập ăn chơi, càn quấy, sử dụng vũ khí nóng, hung khí nguy hiểm để thanh toán, trả thù lẫn nhau, tranh giành địa bàn làm ăn hoặc siết nợ, đòi nợ thuê, bảo kê từ đó đã gây ra nhiều vụ giết người, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, ném chất bẩn vào nhà dân...

Trung tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cho biết: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng lực lượng chức năng đã tập trung tuần tra, kiểm soát tại các khu dân cư, lưu ý những địa bàn có nhiều quán ăn đêm, khu vui chơi giải trí...; gọi hỏi, răn đe những thành phần bất hảo; kiểm tra đột xuất phương tiện, thu giữ hung khí, công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, cơ quan công an các địa phương cũng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức đấu tranh, ngăn chặn. Tuy nhiên, thời gian gần đây tội phạm cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng nói trên, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an, thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Cụ thể là phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho mọi người để phòng ngừa chung trong xã hội. Khi phát hiện mâu thuẫn, người thân, những người chứng kiến vụ việc cần có trách nhiệm can ngăn, hòa giải, nếu không giải quyết dứt điểm thì báo cơ quan công an kịp thời vào cuộc ngăn chặn. Ngoài ra, cần tập trung đấu tranh trấn áp các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, hung khí nguy hiểm để gây án...

Bài và ảnh: Lê Quốc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/an-ninh-trat-tu/ngan-chan-tinh-trang-co-y-gay-thuong-tich-gay-roi-trat-tu-cong-cong/103780.htm