Ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển

Trong hơn hai tháng (từ ngày 11-4 đến 20-6), hàng loạt vụ vận chuyển và mua bán trái phép xăng dầu trên biển được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Các đối tượng sẵn sàng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng và đưa hàng vào trong nước tiêu thụ, làm rối loạn thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Tàu cá hoán cải buôn bán xăng dầu trái phép bị lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ.

Nhiều vi phạm

Tối 20-6, Tổ công tác Cụm Trinh sát số 2 thuộc Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình tuần tra khu vực biển Vũng Tàu, cách Mũi Nghinh Phong khoảng năm hải lý đã phát hiện tàu Hà Lộc 06 có dấu hiệu nghi vấn. Qua kiểm tra trên tàu có tám thuyền viên do ông Lê Hồng Ngân (trú tại phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 820 nghìn lít xăng không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện và bàn giao BTL Vùng Cảnh sát biển 3 tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ và xử lý theo quy định. Trước đó, Tổ công tác Cụm Trinh sát số 1, BTL Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện tàu vận tải Bạch Đằng 18 biển hiệu HP-90769 TS trên vùng biển giáp ranh giữa Hải Phòng và Quảng Ninh vận chuyển gần 200 m3 dầu đi-ê-den (DO) có biểu hiện nghi vấn. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Vũ Văn Thiềng (trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) xuất trình hóa đơn chứng từ có nhiều mâu thuẫn không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của số dầu.

Tinh vi hơn, một số đối tượng đã cố tình hoán cải tàu cá thành tàu chở dầu nhằm buôn bán trái phép xăng dầu trên biển. Cụ thể, tối 16-5, Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Đồn Biên phòng Côn Đảo phát hiện tàu cá BT 99879 TS do ông Lượng Văn Trọng, trú tại Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre làm chủ, đang sang mạn khoảng 1.000 lít dầu DO trái phép cho tàu cá BT 95552 TS do ông Trần Văn Bùi, trú tại Thanh Trị, Bình Đại, Bến Tre làm thuyền trưởng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện trên tàu cá BT 99879 TS chứa 28 nghìn lít dầu DO và trên tàu cá BT 95552 TS chứa 16 nghìn lít dầu DO không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Trọng và ông Bùi, đồng thời tạm giữ giấy tờ, phương tiện để phục vụ công tác điều tra. Trước đó, ngày 3-5, cũng trên vùng biển Vũng Tàu, lực lượng BĐBP đã phát hiện tàu cá hoán cải mang số hiệu BV 7877 TS do chủ tàu Nguyễn Tấn Minh, sinh năm 1985, trú tại xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng đang vận chuyển khoảng 150 nghìn lít dầu DO. Toàn bộ số dầu không có giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc; năm thuyền viên đều không có giấy tờ tùy thân và chứng chỉ hành nghề. Theo lời khai của thuyền trưởng Nguyễn Tấn Minh, để “tiện làm ăn”, Minh đã hoán cải các khoang chứa thủy sản trên tàu đánh cá thành những bồn chứa để buôn bán trái phép xăng dầu. Hằng ngày, Minh vẫn đưa tàu ra khơi để “đánh bắt cá”, nhưng thực chất là để buôn bán xăng dầu.

Một cán bộ trinh sát thuộc BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Các tàu cá hoán cải bên ngoài không khác gì các tàu đánh bắt hải sản, cho nên rất khó phát hiện. Khi giao nhận xăng dầu có thể thả neo, cặp mạn để bơm hoặc thả trôi hay vừa chạy chậm vừa bơm, nếu phát hiện nghi vấn liền rút ống bơm rồi tăng tốc độ, chạy trốn. Bên cạnh đó, các tàu cá hoán cải này đều trang bị ra-đa hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa khi có tàu của lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát.

Không chỉ tàu Việt Nam, các tàu nước ngoài cũng tham gia vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển. Khoảng 16 giờ 15 phút ngày 11-4, tại khu vực biển cách đông bắc Đèo Ngang 45 hải lý BTL Vùng Cảnh sát biển 2 đã phát hiện, bắt quả tang tàu Pacific Ocean đang thả neo và sang mạn dầu DO cho một tàu vỏ sắt (không tên, không số hiệu, không treo cờ quốc tịch). Tàu Pacific Ocean là tàu chuyên dụng, có 17 thuyền viên, do ông Darwis Bin Asikin (30 tuổi, quốc tịch In-đô-nê-xi-a) làm thuyền trưởng. Tại thời điểm bị phát hiện, bắt giữ, trên tàu vỏ sắt chứa khoảng 800 nghìn lít dầu DO và đang nhận dầu DO từ tàu Pacific Ocean. Làm việc với cơ quan chức năng, ông Darwis Bin Asikin khai nhận, vào ngày 8-4, Công ty Far East Shipping & Trading Pte Ltd chỉ đạo tàu Pacific Ocean nhận dầu DO từ tàu Charlotte với số lượng gần năm triệu lít trên vùng biển Việt Nam. Ngày 11-4, khi đang bơm dầu DO cho tàu vỏ sắt thì bị phát hiện, bắt quả tang. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản, ra quyết định tạm giữ hai tàu trên để điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm, lực lượng BĐBP đã chủ trì, phối hợp bắt giữ, xử lý tổng số 293 vụ với 176 đối tượng; tạm giữ gần 1,8 triệu lít xăng dầu và 14 nghìn lít dung môi xăng, 64 tấn hóa chất cùng hơn một tỷ đồng, 35.176 USD,... Tổng giá trị hàng hóa tạm giữ hơn 28 tỷ đồng. Mặc dù tình hình buôn lậu về cơ bản được kiểm soát, không để xảy ra điểm nóng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Các mặt hàng chủ yếu là xăng dầu, thuốc lá, đường cát,... tại nhiều tỉnh giáp biển và biên giới đường bộ giáp Cam-pu-chia.

Đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Dù nắm chắc thủ đoạn của các nhóm đối tượng mua bán và vận chuyển xăng dầu trái phép nhưng việc triển khai lực lượng để đối phó, ngăn chặn và xử lý của lực lượng chức năng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Đáng chú ý, trường hợp các tàu cá mua dầu của tàu nước ngoài trên biển về bán lại thì càng khó phát hiện. Thời gian tới, lực lượng BĐBP tỉnh sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những trường hợp này.

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu qua biên giới tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, trọng điểm là Vùng đặc quyền kinh tế Tây Nam và ven biển các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang, luồng cảng biển quốc tế…, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp của doanh nghiệp, làm thất thu ngân sách nhà nước. Từ năm 2017 đến nay, Cục đã chủ trì, phối hợp đấu tranh, phát hiện, bắt giữ 11 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng. Thời gian tới Cục sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vận chuyển, buôn bán xăng dầu trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tác hại của hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép xăng dầu để người dân, doanh nghiệp biết, từ đó không thực hiện hoặc không tham gia tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa.

Trong sáu tháng đầu năm, lực lượng cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 18 vụ, 20 tàu thuyền, 107 đối tượng vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại liên quan đến lĩnh vực xăng, dầu trên biển. Trong đó, xử phạt gần 1,4 tỷ đồng, tịch thu gần 7,5 triệu lít dầu DO, hơn 25 nghìn lít dầu FO (dầu ma-dút), gần 820 nghìn lít xăng A92, bán phát mại sung công quỹ nhà nước gần 91 tỷ đồng.

(Nguồn: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển).

Bài và ảnh: TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/37212602-ngan-chan-tinh-trang-buon-lau-xang-dau-tren-bien.html