Ngăn chặn 'tín dụng đen'

Theo bạn đọc phản ánh, sắp đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiền của các cá nhân, doanh nghiệp để mua bán hàng hóa, giải quyết công việc tăng cao. Nắm bắt được xu hướng này, các đối tượng cho vay nặng lãi dưới hình thức 'tín dụng đen' (TDÐ) thường sử dụng nhiều chiêu trò như 'hỗ trợ tài chính', 'cho vay tiêu dùng' hoặc vay tiền qua app,… Mặc dù các thủ đoạn của loại tội phạm này không mới nhưng vẫn khiến nhiều người phải rơi vào cảnh 'tan cửa, nát nhà', trả mãi không hết nợ, thậm chí còn bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Theo bạn đọc phản ánh, sắp đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiền của các cá nhân, doanh nghiệp để mua bán hàng hóa, giải quyết công việc tăng cao. Nắm bắt được xu hướng này, các đối tượng cho vay nặng lãi dưới hình thức "tín dụng đen" (TDÐ) thường sử dụng nhiều chiêu trò như "hỗ trợ tài chính", "cho vay tiêu dùng" hoặc vay tiền qua app,… Mặc dù các thủ đoạn của loại tội phạm này không mới nhưng vẫn khiến nhiều người phải rơi vào cảnh "tan cửa, nát nhà", trả mãi không hết nợ, thậm chí còn bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Nhiều ngày nay, chị HTHD. ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bởi những tiếng chuông, tin nhắn "khủng bố" đòi nợ qua điện thoại. Chị D. trình bày, để có tiền xoay xở trong cuộc sống, chị đã lên mạng xã hội tìm hiểu về hình thức cho vay tiền qua app điện thoại. Thấy thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân nhanh và nhân viên tư vấn tận tình, cho nên đã đăng ký vay 10 triệu đồng. Vì không có tiền để trả, chị vay của người sau lấy tiền trả cho người trước dẫn đến lãi chồng lãi, mất khả năng trả nợ. Hiện nay chị D. đã vay tiền của 19 người với tổng số tiền vay là 230 triệu đồng. Vì trót vay nợ cho nên các đối tượng cho vay thường xuyên xuất hiện tại điểm kinh doanh của gia đình cũng như đến tận nơi ở của chị D. để đe dọa. Không chỉ đòi nợ chị D. các đối tượng còn uy hiếp tinh thần, tạt sơn, bôi bẩn lên cửa nhà của những người thân. Quá lo sợ về việc vay nợ nêu trên, chị D. và gia đình đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an và nhờ luật sư giúp đỡ giải quyết vụ việc.

Vừa qua, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Trung Hiếu, ở phường Phố Huế (Hai Bà Trưng) và tạm giữ một số người để làm rõ về hành vi cho vay nặng lãi. Trước đó, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ công an đã phát hiện hành vi cho vay lãi nặng của Hiếu được thực hiện dưới hình thức "bốc bát họ". Ðể thực hiện trót lọt hành vi này, Hiếu thường trả lương từ 7 đến 9 triệu đồng/người/tháng cho Nguyễn Mạnh Quân, Tạ Ðình Ðăng, Cao Duy Hiếu,... Hằng ngày, các thanh niên này có nhiệm vụ tìm kiếm khách muốn vay tiền, xác minh thông tin, nhắc nhở nợ nần và thu tiền họ. Ðể bảo đảm việc thu hồi nợ, ngoài việc điều tra nhân thân, sở thích, khả năng tài chính, Hiếu còn hướng dẫn khách hàng viết các thông tin cá nhân vào giấy vay tiền đã in sẵn nội dung để "trói buộc". Nếu người vay tiền chậm trả, không trả thì có thể bị đưa vào hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Bước đầu xác định mỗi ngày Hiếu thu về khoảng 60 triệu đồng tiền lãi tương ứng khoảng 250 khách vay tiền, lãi suất hơn 121%/năm. Hiện vụ án đang được các cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Hà Nội điều tra, làm rõ.

Theo Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm việc cho vay tiền, đòi nợ thuê theo kiểu TDÐ nhưng loại hình này vẫn diễn biến phức tạp. Hiện nay các tổ chức TDÐ thường cho vay với lãi suất từ 100% đến hơn 300%/năm. Ðể thực hiện trót lọt hành vi cho vay lãi nặng này, các đối tượng thường dùng các chiêu trò như dán các tờ rơi, quảng cáo ở những khu đông dân cư; gửi danh thiếp "hỗ trợ tài chính", "cho vay trả góp không cần thế chấp",… hoặc cho vay dưới dạng chơi họ (hụi) trong thời gian ngắn. Ðể việc vay tiền dễ dàng, nhiều đối tượng đã lập ra các app (ứng dụng trên điện thoại) hoặc sẵn sàng cho người vay thế chấp "iCloud" (ứng dụng quản lý hình ảnh, danh bạ, video, file ghi âm...). Tinh vi hơn, một số đối tượng còn dùng thủ đoạn ép "khéo" người vay tiền ký các loại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất; mua bán, cho thuê ô-tô,… để hưởng lợi. Ðến thời hạn, nếu người vay không trả được nợ hoặc mất khả năng thanh toán sẽ bị các đối tượng ném chất bẩn vào nhà; đến nhà riêng đe dọa dùng vũ lực; gọi điện thoại, nhắn tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhằm khủng bố tinh thần. Manh động hơn, nhiều chủ nợ còn thuê các đối tượng bắt giữ người trái pháp luật, đánh đập con nợ gây thương tích,… nhằm mục đích sớm thu hồi khoản nợ. Mỗi vụ đòi nợ thành công, các đối tượng thường được chủ nợ thanh toán từ 40 đến 50% tổng số tiền cho vay.

Để ngăn chặn những biến tướng phức tạp của các tổ chức TDÐ, vừa qua Bộ Công an phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị "Tuyên truyền mở rộng tín dụng ngân hàng, đấu tranh với hoạt động tín dụng đen và trao tặng an sinh xã hội" tại tỉnh Hòa Bình. Tại hội nghị, nhiều giải pháp phòng, chống có hiệu quả hoạt động TDÐ đã được các đại biểu nêu ra như: NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Tăng cường phối hợp các bộ, ngành tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp; tích cực chỉ đạo hệ thống ngân hàng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để người dân và doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay. Phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng đến người dân một cách hiệu quả nhất... Bên cạnh đó, Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác đấu tranh với tội phạm có tổ chức; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDÐ; thực hiện tốt kế hoạch tổng điều tra cơ bản toàn quốc về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ,… Công an các địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ các sở, ban, ngành nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước góp phần ngăn chặn hoạt động TDÐ...

Theo Ðiều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì lãi suất không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền cho vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác... Theo Ðiều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong giao dịch dân sự người nào mà cho vay với lãi suất gấp năm lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm...

Luật sư LÃ THỊ ÁNH

Công ty Luật TNHH Ánh Trọng Tín, Hà Nội

Ðiều kiện vay vốn tại các tổ chức TDÐ thường rất đơn giản, không cần tài sản thế chấp, không dự án đầu tư, thậm chí chỉ cần hợp đồng bằng miệng… Thời gian giải ngân vốn nhanh, thời hạn huy động và cho vay ngắn. Việc trả nợ được thực hiện theo hình thức trả góp nhiều lần, mỗi lần trả bao gồm cả gốc và lãi. Hơn nữa, số vốn được vay gần như không giới hạn, có thể từ vài triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng/lần vay. Tuy nhiên, lãi mẹ đẻ lãi con, tổng số tiền các cá nhân, tổ chức phải trả có thể sẽ cao gấp nhiều lần so với số tiền vay ban đầu. Do vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, các cá nhân, đơn vị có nhu cầu vay vốn nên tìm đến các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân,…

Ths NGUYỄN PHƯƠNG HOA

Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính MBFC, Hà Nội

HIẾU QUÝ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/dieu-tra-qua-thu-ban-doc/ngan-chan-tin-dung-den--630119/