Ngăn chặn tai nạn đuối nước cho trẻ

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã có nhiều giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, trong đó có phòng, chống đuối nước.

Sự chủ động của các ngành, địa phương

Trẻ em có nguy cơ đuối nước tại các bãi tắm tự phát.

Trẻ em có nguy cơ đuối nước tại các bãi tắm tự phát.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ đuối nước ở trẻ em. Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chỉ trong hơn 2 tuần nay đã tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện do đuối nước. Tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, cũng đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi nhập viện do đuối nước. Trong đó, có một trường hợp trẻ 6 tuổi nhập viện trong tình trạng li bì, suy hô hấp.

Bên cạnh những trẻ bị đuối nước may mắn được cấp cứu kịp thời, trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước cũng không phải là con số nhỏ. Những cái chết thương tâm đó dường như đã trở thành nỗi ám ảnh, lo lắng của nhiều gia đình, các bậc phụ huynh và các cơ quan chức năng.

Để ngăn chặn tai nạn thương tích ở trẻ, trong đó có đuối nước, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH cùng các ngành chức năng, các địa phương đã phối hợp tuyên truyền về Luật Trẻ em, các kỹ năng bảo vệ trẻ em.

Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh. Đến nay, gần 40 lớp tập huấn cho hơn 1.700 học sinh, giáo viên, phụ huynh và người nuôi dưỡng trẻ tại các địa phương trong toàn tỉnh về kiến thức bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước đã được tổ chức.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 73 lớp dạy bơi miễn phí cho 1.095 trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn... với kinh phí 10 triệu đồng/lớp. Các địa phương đã chủ động ngân sách bố trí tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ.

Nổi bật như: TX Quảng Yên đến nay đã tổ chức được 54 lớp cho 1.244 trẻ em, xây dựng 31 hệ thống biển báo nước sâu nguy hiểm và hàng rào chắn tại các khu vực ao hồ, kênh mương. Huyện Vân Đồn đã đầu tư 2 bể bơi trị giá 900 triệu đồng...

Nhiều địa phương còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức cuộc thi bơi an toàn và phòng chống đuối nước cho các học sinh trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi rung chuông vàng, tọa đàm về kỹ năng sống, nhất là kỹ năng an toàn trong môi trường nước và cứu đuối an toàn...

Các biện pháp sơ cứu kịp thời

Bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khám cho trẻ bị đuối nước. Ảnh do Bệnh viện cung cấp.

Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đuối nước ở trẻ em, mang lại môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và sự chung tay của toàn xã hội, trong đó vai trò của các gia đình, phụ huynh là vô cùng quan trọng.

Khuyến cáo về công tác sơ cứu nạn nhân đuối nước, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết: Đối với trẻ bị đuối nước, việc cấp cứu ban đầu là quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Nếu xử trí chậm nạn nhân thiếu oxy não, có thể để lại di chứng nặng nề, thậm chí tử vong.

Bởi vậy, sau khi phát hiện nạn nhân đuối nước cần phải đưa ra khỏi nước bằng biện pháp an toàn, sau đó đánh giá tình trạng của người bị nạn. Nếu thấy tình trạng bệnh nhân không thở thì phải hỗ trợ hồi sức ngay.

Khi sơ cứu không được dốc ngược nạn nhân để nước tống ra từ phổi, tránh chậm trễ quá trình hồi sức. Nếu nạn nhân không tỉnh trở lại sau 2 lần thổi ngạt đủ mạnh làm ngực phồng lên thì cần tiến hành ngay hồi sinh tim phổi kết hợp ép tim và thổi ngạt; phải làm liên tục cho đến khi có nhân viên y tế, đơn vị cấp cứu đến hỗ trợ.

Bất cứ trường hợp đuối nước nào dù nặng hay nhẹ đều phải đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra và theo dõi, điều trị.

Trúc Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/ngan-chan-tai-nan-duoi-nuoc-cho-tre-2487259/