Ngăn chặn sự phai nhạt

Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc làm việc với TP Hải Phòng gần đây, đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng… chắc chắn không phải chỉ để nói với Hải Phòng.

Quyết tâm lớn của Đảng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn suy thoái, biến chất là một quyết tâm mạnh mẽ, đã được minh chứng bằng thực tiễn sinh động và một lần nữa lại được lưu ý đối với cả hệ thống chính trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng ngày 15/11 (Ảnh : Trí Dũng – TTXVN).

“Cần hết sức thấm thía, từ đó ngăn chặn tình trạng chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị, ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau… thực hiện thật tốt các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.” – Trong thông điệp được Tổng Bí thư đưa ra trong cuộc làm việc tại thành phố Hoa phượng đỏ, có thể thấy hiện lên rất rõ những thách thức trong tình hình hiện nay. Đây có thể nói là một nhận định rất sát với thực tiễn đời sống.

Sự lung lay về niềm tin, phai nhạt lý tưởng và những biến đổi của thời kỳ này là có thật. Tham nhũng, tiêu cực, sự tha hóa, hư hỏng… của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

Ông Phạm Thế Duyệt - nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từng nhiều lần lo ngại, nếu không quyết tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhân dân sẽ không còn coi (và gọi) Đảng là “Đảng ta”, như đã từng.

Đảng cũng đã thẳng thắn nhận định: Tham nhũng - tiêu cực, suy thoái biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đang là thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng, đang là thách thức với chế độ.

Theo ông Phạm Thế Duyệt, uy tín của Đảng có còn hay không đều là do cán bộ quyết định. Bởi vì nếu cán bộ tiếp tục tha hóa, hư hỏng thì sẽ gây bức xúc, hoang mang cho nhân dân, uy tín của Đảng với nhân dân suy giảm.

Điều này là tất yếu dẫn đến “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị” – chưa kể những yếu tố tác động khách quan khác như sự biến động về kinh tế - xã hội dẫn đến ảnh hưởng sâu sắc tới hoạt động của các tổ chức và đoàn thể chính trị.

Ví dụ, ở nông thôn, tình trạng lao động thanh niên ly hương khiến tổ chức Đoàn không còn người để hoạt động, trong khi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất đông lao động trẻ lại hầu như “trắng” tổ chức Đoàn thanh niên…

Tình trạng cán bộ tha hóa, hư hỏng, biến chất vẫn được đề bạt cất nhắc, đưa vào các vị trí quan trọng là một tồn tại của công tác cán bộ trong thời gian qua.

Mà nói như Tổng Bí thư, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Công tác cán bộ là việc khó, rất khó, rất quan trọng.

Trong “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác Hồ đã từng nói có cán bộ tốt việc gì cũng xong. Bởi vì có nghị quyết đúng, mà cán bộ thực hiện không đúng, thì cũng không cho kết quả đúng.

Sự suy thoái của cán bộ, tình trạng tha hóa, hư hỏng không phải là diễn ra một sớm một chiều. Đó chắc chắn là sự tích tụ của một quá trình, cho nên, ở chiều ngược lại, khi ngăn chặn, đẩy lùi cũng cần một quá trình, không hề là việc dễ.

Kết quả xử lý kỷ luật cán bộ được Đảng làm quyết liệt trong thời gian qua cho thấy cán bộ tha hóa, hư hỏng… không phải và không còn chỉ xuất hiện ở một vài nơi nữa.

Có ý kiến cho rằng tình trạng hiện nay là “đụng vào đâu cũng có chuyện, cũng có cán bộ bị xử lý kỷ luật” cho thấy mức độ nghiêm trọng và cấp bách của công cuộc chỉnh đốn Đảng.

Bài học đau đớn và sâu sắc trong quá trình xử lý kỷ luật cán bộ thời gian qua chính là quyết tâm mà Tổng Bí thư vừa một lần nữa khẳng định: Ngăn chặn cho được tình trạng tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau…

Có lẽ, chắc không phải chỉ với Hải Phòng, sẽ rất nhiều nơi, nhiều địa phương đã tự nhìn thấy thấp thoáng những hình ảnh của “tha hóa, hư hỏng, tư tưởng dao động không vững vàng, kèn cựa nhau…” ở ngành mình, địa phương mình, cán bộ mình.

Cho nên, công cuộc chỉnh đốn Đảng, “ngăn chặn cho được” mà Tổng Bí thư nhắc tới không phải chỉ có quyết tâm ở cấp cao. Kết quả chỉ đạt được khi có sự chuyển biến bắt đầu từ chính các ngành, các địa phương, một sự chuyển biến đồng bộ từ tất cả các cấp.

“Chống tham nhũng, tiêu cực phải làm từ trên xuống dưới, quyết liệt, bền bỉ, tạo chuyển biến rõ nét, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.”

Có rất nhiều vụ việc cho thấy, không cần phải chờ đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, không phải chờ đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng mà ngay từ cấp dưới nếu tự làm, tự xử lý thì có khi sự việc đã không trở nên trầm trọng.

Mất dân là mất tất. Chỉnh đốn Đảng, trước hết là lấy lại được lòng tin với nhân dân. Thực tiễn đã chỉ ra những bài học rất sâu sắc về lòng dân.

Một lần nữa, chỉnh đốn Đảng cũng là việc phải dựa vào nhân dân thì mới có kết quả tốt. Khi đã có niềm tin, như đã từng, sẽ không có sự phai nhạt chính trị.

Lý tưởng không phải là chỉ tuyên truyền suông mà có được, nó chỉ thực sự có tính hấp dẫn khi được chứng minh bằng thực tiễn sống động.

Thành Vĩnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/ngan-chan-su-phai-nhat-386107