Ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn

Thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật (VPPL) về trật tự xã hội đang là vấn đề nóng ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển đã phát sinh nhiều loại tội phạm mới diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm do băng, ổ, nhóm gây ra, tội phạm giết người, bạo lực học đường.

Thời gian qua tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng, gây bức xúc dư luận, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Đáng chú ý, độ tuổi đối tượng phạm tội có xu hướng trẻ hóa, tội phạm trong lứa tuổi thanh niên, thiếu niên tăng, khiến người dân rất lo lắng. Bởi vì, thanh niên, thiếu niên được xem là lực lượng rường cột của nước nhà, là tương lai của dân tộc. Cùng với đó, tội phạm ma túy tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường; việc sử dụng chất gây nghiện ma túy tại các quán bar, vũ trường và một số lễ hội âm nhạc vẫn còn diễn ra…

Nguyên nhân là do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường khiến sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận trong xã hội. Trong khi đó, hệ thống pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập; công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn sơ hở; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở, người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa phát huy tốt; công tác nắm tình hình, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở chưa hiệu quả; số người nghiện ma túy ở ngoài xã hội còn lớn là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm. Năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, VPPL chưa đáp ứng yêu cầu.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, VPPL, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, VPPL; ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn. Xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này; các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên bằng việc cụ thể hóa mục tiêu, yêu cầu sát nhiệm vụ từng đơn vị, địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục về đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần cảnh giác và trách nhiệm tham gia phòng, chống tội phạm, VPPL với nhiều hình thức, nội dung phù hợp từng đối tượng, lứa tuổi, vùng miền, dân cư, nhất là trong thanh niên, thiếu niên.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm và quản lý, giáo dục người phạm tội trong gia đình ở địa bàn dân cư. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà trường, gia đình trong giáo dục học sinh, sinh viên, con em mình về kỹ năng sống, cách đối nhân, xử thế; trong đó, các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh phải là những người làm gương cho con trẻ.

Các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng công an cần tăng cường giải pháp phòng ngừa, mở các đợt cao điểm tiến công trấn áp tội phạm, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm có tổ chức; phối hợp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm nhằm răn đe tội phạm và giáo dục, phòng ngừa chung..., góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thuận lợi cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập.

TRẦN QUYẾT

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41533702-ngan-chan-nhung-hanh-vi-lech-chuan.html