Ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV từ địa phương

Với những nỗ lực khống chế đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam luôn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như điểm sáng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện những diễn biến bất thường ở một số địa phương, bộc lộ nhiều vấn đề cần quan tâm trong phòng, chống HIV/AIDS. PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề này.

PGS, TS Nguyễn Hoàng Long.

Phóng viên (PV): Thưa ông, tình hình phòng, chống HIV/AIDS 6 tháng đầu năm nay ở nước ta ra sao?

PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Trong 6 tháng, ngành y tế đã phát hiện thêm 3.500 trường hợp nhiễm HIV trên cả nước. So với cùng kỳ năm 2017, số trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện giảm 3%; số trường hợp AIDS giảm 27%. Tuy vậy, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng có thể vẫn chưa được phát hiện, như vụ việc xảy ra tại tỉnh Phú Thọ vừa qua. Tỷ lệ nhiễm HIV gia tăng trở lại trong nhóm nghiện ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới và cả phụ nữ bán dâm. Một điểm đáng lưu ý là sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến nguy cơ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn có khả năng dẫn đến nguy cơ đợt dịch mới xuất hiện trong nhóm trẻ.

Trước thực trạng trên, ngành y tế đã đẩy mạnh các hình thức tư vấn, tổ chức xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Các hoạt động can thiệp và dự phòng lây nhiễm HIV vẫn được duy trì thông qua hoạt động phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang chuẩn bị thí điểm điều trị nghiện bằng thuốc Buprenorphine. Điều trị ARV cho khoảng 130.000 bệnh nhân HIV và mở rộng việc xét nghiệm tải lượng vi-rút như xét nghiệm thường quy. Việc mở rộng bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đang được các địa phương đẩy mạnh với tỷ lệ chung tại 63 tỉnh là khoảng 85% người nhiễm HIV đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế…

Thăm hỏi gia đình người có HIV tại xã Kim Thượng, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: QUANG MINH

PV: Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Đúng là còn rất nhiều khó khăn trong phòng, chống HIV/AIDS hiện nay, như: Việc xét nghiệm phát hiện HIV trong cộng đồng; bệnh nhân bỏ điều trị Methadone có xu hướng gia tăng; nguồn kinh phí bảo đảm phục vụ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; hạn chế của công tác truyền thông... Rồi sự thay đổi tổ chức khi sáp nhập Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nhân lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

PV: Để giải quyết những khó khăn nêu trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã có những biện pháp gì, thưa ông?

PGS, TS Nguyễn Hoàng Long: Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động đề xuất giải pháp. Cùng với đó, Bộ Y tế tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn, như: Tư vấn xét nghiệm HIV; can thiệp giảm hại; điều trị HIV/AIDS... bảo đảm cung cấp đủ thuốc và sinh phẩm cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS... Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với địa phương kiện toàn các cơ sở điều trị ARV cũng như đẩy mạnh triển khai bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức, biện pháp... Tuy nhiên, để phòng, chống HIV/AIDS đạt hiệu quả, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là nâng cao ý thức phòng ngừa ngay từ mỗi gia đình, mỗi người dân và ngay từ cơ sở. Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

DIỆP CHÂU (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/ngan-chan-nguy-co-lay-nhiem-hiv-tu-dia-phuong-549024