Ngăn chặn nạn tín dụng đen, ở Thừa Thiên - Huế

Tình trạng cho vay lãi suất cao, thường gọi là tín dụng đen ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã vươn về tận vùng nông thôn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Đã có nhiều gia đình phải ly tán vì lỡ vay tiền từ các tổ chức này.

Ở Thừa Thiên - Huế những năm qua đã xảy ra nhiều vụ gây rối có liên quan hoạt động tín dụng đen. Tiêu biểu là vụ một số thanh niên từ phía bắc vào Huế, đòi nợ tại một khách sạn rồi xảy ra xung đột. Một vụ khác do các tay anh chị từ phía nam dạt ra, đòi nợ tại một nhà hàng và bị thanh niên địa phương rút súng bắn bị thương. Ngoài những vụ đòi nợ có tính chất xuyên Việt, một số nạn nhân là các hộ kinh doanh, người lao động trên địa bàn cũng đã bị các nhóm cho vay nóng khủng bố tinh thần bằng cách ném mắm tôm, khóa trái cổng nhà, thậm chí bị đánh ngay trong nhà của mình để ép trả món nợ mà ngay chính bản thân người bị đánh cũng không biết.

Ông Phùng Hữu Hiếu, ở xã Thủy Dương, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) kể lại, cách đây hơn một tháng, có nhóm thanh niên nói giọng bắc đến nhà ông để đòi món tiền vợ ông đã vay. Ngặt nỗi, đây là món vay vợ ông không nói với gia đình. Và sau khi vay được tiền, bà đã bỏ đi, cho nên trong nhà không ai biết bà vay bao nhiêu, từ lúc nào? Thông tin mà nhóm thanh niên nói với ông lại càng tù mù. "Mỗi lần đến nhà họ đưa ra một con số. Lần đầu họ nói bà nhà tui vay 30 triệu đồng, lần sau đến họ nói vay 50 triệu đồng. Tui nói với họ, tui không biết khoản vay đó, thì họ xông vào đấm đá, đập cả chai bia dí vào cổ tôi bắt lấy tiền để trả" - ông Phùng Hữu Hiếu cho biết.

Trong các phường, xã ở TP Huế, Kim Long là phường có nhiều thành phần dân cư nhất. Ngoài số lượng dân cư sống ổn định trước năm 1975, đây còn là địa bàn bố trí tái định cư cho người dân vạn đò trên sông Hương, Bến Me, Thượng thành, Eo bầu của Kinh thành Huế, vốn đa số là hộ nghèo, thiếu việc làm, nhiều người chưa đủ bản lĩnh để quay lưng với tệ nạn xã hội...

Từ hai năm trước, lúc những tờ giấy A4 có số điện thoại mời vay tiền được dán khắp nơi trên địa bàn, Ðảng ủy, UBND phường Kim Long xác định, đây là địa bàn dễ tổn thương nhất, cho nên đã sớm huy động các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tuyên truyền cho người dân thấy rõ nguy cơ. Ðồng thời, vận động người dân, các tổ chức trong khối Mặt trận hễ thấy giấy mời vay tiền dán ở đâu, lập tức xé bỏ. Bà Văn Thị Quyên, ở khu tái định cư Kim Long, cho biết: "Tui thì không biết chữ. Nhưng khi thấy họ dán giấy chi là kêu mấy đứa cháu ra đọc giúp, nếu là giấy mời vay tiền thì xé liền. Nhà mình cực, lỡ con cháu khi kẹt, vay rồi lấy tiền mô để trả".

Bên cạnh trang bị cho người dân, cán bộ UBND, Công an phường nhận nhiệm vụ gọi cho các đối tượng cho vay theo số điện thoại dán trên giấy, mời về nhà để... vay tiền. Sau đó bắt giữ, lập biên bản xử phạt theo lỗi dán quảng cáo, rao vặt không đúng nơi quy định ở mức cao nhất: 1,5 triệu đồng/người/lần phát hiện. Phó Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Long Phan Vĩnh Duy Mãn cho biết: "Mục đích chính của phường không phải là xử phạt, nhưng đến nay cũng đã lập ba biên bản, phạt ba đối tượng; đồng thời điểm mặt, răn đe nhiều đối tượng khác... Ðiều mà chính quyền phường mong muốn nhất là người dân luôn có ý thức tự phòng bị cho mình, tránh khỏi những cám dỗ".

Mới đây, người dân địa phương nức lòng khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Huế đã lập chuyên án, đấu tranh, bắt giữ một nhóm cho vay theo hình thức tín dụng đen. Tất cả đối tượng trong nhóm cho vay lãi nặng này đều từ các tỉnh phía bắc đến Huế thuê nhà ở để hoạt động. Ðối tượng Nguyễn Ðắc Hải Anh, SN 1999, có nhà ở Hà Nội khai nhận, đã hoạt động từ năm 2018. Mỗi lần có người vay 10 triệu đồng trong hai tháng thì cắt mỗi ngày 200 nghìn đồng tiền lãi. Ngoài ra, còn tính phí đi lại thẩm định 500 nghìn đồng/lần vay. Trong hơn một năm hoạt động, nhóm này đã thu lãi khoảng hai tỷ đồng. Ngoài cho vay nặng lãi, các đối tượng còn bị điều tra tội sử dụng công cụ trái phép và hiếp dâm trẻ em.

Ðại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: "Ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện còn nhiều nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, nguồn tiền từ các đối tượng ở Hà Nội cung cấp. Chúng cử người phụ trách hoạt động theo từng địa bàn. Thời gian qua, công tác đấu tranh đã quyết liệt, nhưng hệ thống văn bản, hướng dẫn xử lý đối tượng nêu trên còn bất cập. Tuy nhiên, qua tài liệu chứng cứ đã thu thập, đã đủ cơ sở để khởi tố nhiều nhóm với tội danh cho vay nặng lãi".

Theo cơ quan Công an tỉnh, đến nay, lực lượng trinh sát của các đơn vị đã kiểm soát khoảng 15 băng, ổ nhóm cho vay lãi suất cao đang hoạt động ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ða số các đối tượng đều là thanh niên dạt từ các tỉnh phía bắc về. Kể từ khi chính quyền, người dân, cơ quan điều tra tổ chức trấn áp tội phạm tín dụng đen, một số đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động, cũng như cách tiếp cận bằng cách in tờ rơi, rải ở các đường làng, ngõ xóm. Tuy nhiên, hành động đó không thoát khỏi hệ thống "mắt thần" của Trung tâm điều hành đô thị thông minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Ðịnh cho biết: "Tội phạm tín dụng đen xuất hiện ở địa phương tuy chưa nhiều, nhưng lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo các ngành theo dõi sát, xử lý nghiêm, triệt để loại tội phạm này. Tất cả các số điện thoại, tờ rơi, đối tượng liên quan hoạt động tín dụng đen thời gian qua đều đã được Trung tâm điều hành đô thị thông minh thu thập, chuyển cho cơ quan điều tra xử lý".

Thừa Thiên - Huế dù chưa phải là địa bàn nóng của loại tội phạm cho vay nặng lãi như một số nơi khác, nhưng những hệ lụy mà loại tội phạm này gây ra cho người dân rất lớn. Vì vậy, việc các cơ quan chức năng của tỉnh quyết tâm đấu tranh triệt phá các nhóm tội phạm này đang được người dân hoan nghênh.

NHẬT TIẾN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/42072702-ngan-chan-nan-tin-dung-den-o-thua-thien-hue.html