Ngăn chặn nạn tảo hôn ở Quảng Trị

Công tác giáo dục, tuyên truyền chưa hiệu quả, tình trạng học sinh bỏ học sớm, việc xử lý các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình còn nhiều khó khăn... là những nguyên nhân khiến nạn tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị gia tăng, đặc biệt là ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đăkrông...

Lấy chồng từ tuổi... 14

Sinh sống ở Apun-một thôn khá xa trung tâm xã Tà Rụt (huyện Đăkrông) nhưng Hồ Thị P. (14 tuổi) vẫn có điện thoại thông minh để tham gia mạng xã hội facebook. Qua mạng xã hội, P. làm quen với Hồ Văn L. (16 tuổi), cách nhà P. 5km. Sau một tháng nhắn tin qua lại, P. và L. hẹn gặp nhau và sang tháng thứ 3 thì... cưới. Lúc chúng tôi tìm gặp P. và L. để viết bài này thì con của họ đã được 8 tháng tuổi. P. nói trong khi rót nước mời khách: “Hôm qua chồng em đi nhậu say nên ngủ chưa dậy... Hai đứa em đang ở tạm nhà bố mẹ chồng chờ đủ tuổi để đăng ký kết hôn sau đó làm hộ khẩu...”.

Có "một nghìn lẻ một" cách để những "đứa trẻ" đến với nhau. Hồ Văn D. (sinh năm 1996) và Hồ Thị Đ. (sinh năm 1999) ở thôn Tà Rụt 1, xã Tà Rụt chung sống với nhau từ năm 2014, lúc đó D. mới 18 tuổi, học hết lớp 9, còn Đ thì 15 tuổi, học hết lớp 6. "Không đi học nữa thì đi chơi, gặp con gái tìm hiểu rồi lấy nhau, sau đó sinh con. Hiện giờ vợ chồng cháu sống với bố mẹ...", D. chia sẻ với chúng tôi lý do "lấy vợ" đơn giản như thế.

Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị phối hợp với tổ chức Plan và Trường THPT số 2 Đăkrông tổ chức truyền thông giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh.

Ông Hồ Văn Hoái, Trưởng thôn Tà Rụt 1, cho biết: "Tình trạng tảo hôn hiện nay phát triển rất mạnh. Không chỉ ở Tà Rụt 1, những thôn, bản khác cũng có nhiều trẻ em đi lấy vợ, lấy chồng. Chúng tự do yêu đương, cha mẹ không cấm, không khuyên giải. Và nhiều lắm những ông bố, bà mẹ còn rất trẻ nhưng đã có con lớn, con nhỏ... Có con thì phải cưới, nhiều trường hợp như thế".

Thực trạng tảo hôn ở tỉnh Quảng Trị đang diễn biến phức tạp ở hầu hết các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, từ năm 2011 đến tháng 6-2016, trên địa bàn 31 xã đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh có 1.339 trường hợp tảo hôn và 16 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tập trung chủ yếu ở huyện Hướng Hóa (678 trường hợp tảo hôn, 8 trường hợp hôn nhân cận huyết thống) và huyện Đăkrông (575 trường hợp tảo hôn, 8 trường hợp hôn nhân cận huyết thống)...

Hương ước có hiệu lực chống tảo hôn

Tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Trị có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giáo dục, tuyên truyền chưa hiệu quả. Hiện nay, ở nhiều thôn, bản, việc tuyên truyền được thực hiện lồng ghép trong các cuộc họp thôn chỉ có đại diện gia đình là bố hoặc mẹ tham gia, thanh thiếu niên không được tuyên truyền trực tiếp và hầu hết cũng không được cha mẹ phổ biến lại. Chính quyền địa phương cũng chưa có sự chỉ đạo thống nhất, phân công cụ thể các ban, ngành, đoàn thể chủ trì và chịu trách nhiệm đối với công tác này.

Ông Hồ Văn Nghiệp, Phó chủ tịch UBND xã A Vao (huyện Đăkrông), cho chúng tôi hay: "Ở địa phương chưa có mô hình truyền thông nào phù hợp, hiệu quả để tuyên truyền nhằm giảm tình trạng tảo hôn. Phương pháp tuyên truyền tại địa phương chưa hiệu quả do không có tài liệu hướng dẫn, cán bộ tuyên truyền chưa được tập huấn về công tác tuyên truyền nói chung và những kiến thức về hôn nhân, gia đình nói riêng. Nhiều người kém hiểu biết còn cho rằng, tảo hôn là có lợi bởi lấy chồng, lấy vợ sớm sẽ ổn định cuộc sống gia đình, có thêm người lao động và tránh được tình trạng không kết hôn được do lớn tuổi".

Qua khảo sát thực tế chúng tôi được biết, ngoài công tác tuyên truyền chưa tốt, tình trạng tảo hôn gia tăng còn do các em học sinh bỏ học sớm, có thể dễ dàng tiếp cận mạng xã hội, các trang web có nội dung "người lớn" mà không có sự quản lý, định hướng của phụ huynh. Mặt khác, việc xử lý các vi phạm về tảo hôn đang có nhiều bất cập. Ông Pả Hợp, Trưởng thôn Tà Rẹc (xã Ba Nang, huyện Đăkrông) cho chúng tôi biết thêm: "Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn nữa là do thanh thiếu niên không được đi học hoặc bỏ học, không có việc làm ổn định, ở nhà lấy vợ, lấy chồng sớm để có thêm lao động cho gia đình. Học sinh học ở trường nội trú xa gia đình, thiếu sự quản lý của cha mẹ, ảnh hưởng từ những trang mạng có nội dung "người lớn" dẫn tới phát sinh tình cảm hoặc lỡ có thai phải bỏ học để cưới sớm".

Trong việc xử lý vi phạm tảo hôn nói riêng và Luật Hôn nhân và Gia đình nói chung, chính quyền cấp xã còn gặp nhiều khó khăn. Ở nhiều địa phương, khi trao đổi với chúng tôi, cán bộ tư pháp-hộ tịch xã đều lắc đầu ngao ngán, bởi, nếu xử phạt một người thì những người còn lại sợ bị phạt mà trốn, sẽ không có chuyện những ông bố hoặc bà mẹ trẻ lên UBND xã để khai sinh cho con, điều đó kéo theo hệ lụy là trẻ không có giấy khai sinh, không được đi học và không có thẻ bảo hiểm y tế.

Tảo hôn đang là vấn nạn của vùng cao Quảng Trị, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Để góp phần ngăn chặn tình trạng này cần khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên. Đặc biệt, cần xây dựng hương ước, quy ước làng bản trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bài và ảnh: HOÀNG HẢI LÂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngan-chan-nan-tao-hon-o-quang-tri-555696