Ngăn chặn nạn mua bán người ở Điện Biên

Dù chính quyền tỉnh Điện Biên rất nỗ lực chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc tuyên truyền, vận động nâng cao cảnh giác trong nhân dân, nhưng mỗi năm, bảng thống kê các vụ mua bán người (chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số) vẫn dài ra và thủ đoạn của các đối tượng cũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Diện tích tự nhiên rộng, đường biên giới dài, đời sống vật chất thiếu thốn, mặt bằng dân trí và hiểu biết luật pháp không cao... là những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người dân hiền lành, chất phác, trong đó có không ít thanh niên trở thành nạn nhân của các đối tượng mua bán người.

Thào Thị P., trú tại xã Mường Toong, huyện Mường Nhé là nạn nhân của một vụ mua bán người được công an giải cứu thành công. Gặp chúng tôi sau gần một tháng được giải cứu, khuôn mặt cô như còn dấu vết của sự hoảng loạn. Phải nhờ người nhà động viên mãi, chúng tôi mới có cuộc trò chuyện ngắn cùng P., nhưng cũng liên tục bị ngắt quãng. Kể lại cái ngày du xuân định mệnh ấy, P. không khỏi rùng mình vì sợ hãi. P. bảo, quen nhau được mấy ngày, Chờ (đối tượng bán người) rủ P. đi chơi hội xuân Mường Nhé thì P. nhận lời. Khi đến hội, Chờ lại rủ P. đi xã khác chơi vui hơn, nhiều trò chơi hơn, cho nên P. đồng ý. Vậy mà khi ngồi sau xe rồi, Chờ cứ đi mãi và lần nào P. hỏi gần đến chưa thì Chờ đều nói gần đến. Chỉ khi đến một nơi xa lắc thấy toàn người xa lạ, nói tiếng cũng xa lạ thì P. bắt đầu thấy sợ và kêu khóc cầu cứu. Nhưng chẳng ai hiểu và cũng chẳng ai giúp được P. Còn Chờ thì cầm tiền rồi ngược xe quay về.

Chang Thị D. (sinh năm 1997) ở thôn Pàng Dề A2, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa là con thứ trong gia đình, cho nên được ưu tiên hơn trong việc học hành. Mười sáu tuổi, đôi má D. luôn đỏ hồng nên quanh nhà D. không ngớt điệu khèn môi kèn lá của trai tráng bản gần bản xa. Cũng chính vì nhan sắc hơn người ấy mà D. đã lọt vào mắt buôn của một đối tượng đã có tiền án về tội buôn bán trái phép chất ma túy là Giàng Thị Dung (người cùng bản với D.). Biết D. mới lớn lại chẳng đi đâu xa bao giờ, Giàng Thị Dung đã vẽ ra viễn cảnh đẹp như mơ ở một đất nước bên kia biên giới. Thế rồi, mỗi ngày đi học về D. đều vào nhà Dung chơi, nghe Dung kể chuyện quần áo bên biên giới rẻ, người bên biên giới tốt. Rồi một ngày, Dung không úp mở mà nói thẳng với D. rằng: "Chị quý mày mới muốn mày đi để nhàn thân sung sướng. Mày cứ đi đi, sau này ấm thân rồi thì về hậu tạ chị cũng chưa muộn". Tin lời đường mật của Dung, D. về giấu cha mẹ gấp hai bộ váy áo cất ra sau nhà rồi phấp phỏng chờ đêm. Sáng sớm, khi trời Xá Nhè còn mờ sương, gà chưa cất tiếng gáy chào ngày mới, thì D. đã lẻn dậy và đi thật nhanh ra con đường đầu bản. Ở đó, Giàng Thị Dung đã đợi sẵn rồi rất nhanh, hai cái bóng chìm khuất trong màn đêm. Chiều muộn ngày hôm sau, khi chiếc xe khách dừng tại chốt kiểm soát giao thông ở khu vực Nậm Loỏng (thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu), để lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Ðiện Biên, Công an tỉnh Lai Châu làm nhiệm vụ thì D. vẫn không mảy may nghĩ ngợi gì. Chỉ đến khi Công an áp giải Giàng Thị Dung đi thì D. mới ngớ người vì nghe các chú công an nói: May còn bên này biên giới chứ qua bên kia thì đã rất nguy hiểm với cháu rồi.

Thào Thị P. và Chang Thị D. chỉ là hai trong số hàng trăm, hàng nghìn nạn nhân của nạn mua người mấy năm qua. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Công an tỉnh Ðiện Biên phối hợp các cơ quan chức năng, điều tra, phát hiện, bắt giữ 19 vụ, 43 đối tượng phạm tội mua bán phụ nữ và trẻ em, giải cứu được 22 nạn nhân đưa trở về gia đình (tăng một vụ, bốn đối tượng, chín nạn nhân so với năm 2016). Trong số rất nhiều vụ án lực lượng công an đã triệt phá, có những vụ án phức tạp liên quan đến người nước ngoài, như Chuyên án 217P mà Công an huyện Tủa Chùa đã triệt phá hồi tháng 12-2017. Kể lại những ngày chỉ đạo phá án, Ðại tá Lò Văn Pọm, Trưởng Công an huyện Tủa Chùa cho biết: Lợi dụng địa hình và sự cả tin của các cô gái, đối tượng cầm đầu là người nước ngoài dùng điện thoại điều hành các đối tượng trong nước đưa đón nạn nhân, hoặc hướng dẫn nạn nhân tự bắt xe đi. Nếu bại lộ thì các đối tượng sẽ cao chạy xa bay. Trong Chuyên án 217P, Công an Tủa Chùa bắt quả tang ba đối tượng trong đó có Hờ Seo Cù (sinh năm 1988) trú tại huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), khi Cù cùng hai đối tượng người Việt Nam đang trên đường đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán. Trước đó, từ tháng 5 đến tháng 9-2017, các đối tượng cũng đã lừa và bán hai nạn nhân khác là Sùng Thị D. và Phàn Thị T., đều trú tại xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa sang Trung Quốc.

Nói về khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người, Thượng tá Dương Quốc Hoàn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Ðiện Biên) cho biết: Ngoài một số cửa khẩu quốc gia và quốc tế, dọc hai tuyến biên giới còn có hàng nghìn con đường tiểu ngạch xuyên núi cắt rừng, không dễ và thậm chí không thể kiểm soát. Dọc hai bên đường biên, bao đời nay, đồng bào các dân tộc có những mối quan hệ huyết thống, họ mạc, hoặc qua lại thăm thân, buôn bán, đổi chác hàng hóa. Lợi dụng điều này, bọn tội phạm đã trà trộn rồi dùng mọi mánh khóe bắt quen với các cô gái, nhất là các cô gái trẻ người dân tộc thiểu số chưa chồng con hoặc có chồng rồi nhưng hoàn cảnh khó khăn, dỗ dành rồi đưa họ sang bán ở bên kia biên giới. Mặt khác, ở nhiều địa bàn vùng cao trong tỉnh vẫn còn tình trạng bạo hành, phân biệt đối xử với phụ nữ, dẫn tới nhiều trường hợp phụ nữ bỏ nhà ra đi…, do vậy dễ bị mắc bẫy của các đối tượng bởi những lời hứa hẹn sẽ tìm được việc làm có thu nhập cao hoặc lấy chồng Trung Quốc có cuộc sống nhàn hạ.

Một số nơi công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là nhận biết các thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, chưa giúp được phụ nữ nâng cao cảnh giác, tự bảo vệ mình. Thống kê cho biết, hầu hết các xã biên giới của Ðiện Biên đều có hiện tượng phụ nữ đi khỏi địa bàn và chủ yếu là sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm thuê. Trong đó, đông nhất là ở các huyện: Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé, ước tính có hàng trăm phụ nữ và trẻ em gái vắng mặt tại địa bàn không rõ lý do nghi bị mua bán qua biên giới. Một thực trạng khác là các đối tượng môi giới, lôi kéo và đưa người xuất cảnh trái pháp luật hoặc tự ý sang Trung Quốc để lao động làm thuê có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.700 trường hợp xuất cảnh trái pháp luật qua biên giới (tăng 422 trường hợp so với năm 2016). Ðây cũng là một trong những điều kiện dễ bị các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi mua bán người.

Ðể nâng cao nhận thức và giúp người dân cảnh giác với thủ đoạn, tội phạm mua bán người, Công an tỉnh Ðiện Biên đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tội phạm mua bán người tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự, thu hút hơn 20 nghìn lượt người tham gia. Cùng với đó, lực lượng công an tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho hơn 500 cán bộ ban, ngành, đoàn thể tại các xã trọng điểm về mua bán người của các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa... Tiếp tục duy trì và sử dụng có hiệu quả 28 hòm thư tố giác tội phạm để nắm bắt thông tin, giải quyết vụ việc liên quan tội phạm buôn bán người và các loại tội phạm hình sự khác ngay tại cơ sở. Tuy vậy, thực tế cho thấy các biện pháp này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Nói về những khó khăn của người trong ngành khi đi tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác với tội phạm mua bán người, Thượng tá Dương Quốc Hoàn cho biết, cán bộ về cơ sở tuyên truyền thì chỉ ở được một buổi đến một ngày; chưa thạo tiếng địa phương, trong khi đối tượng âm mưu dụ dỗ, lừa người lại có điều kiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con cho nên những điều chúng rỉ tai người ta dễ tin hơn. Giải quyết thực trạng này, có nhiều giải pháp được đặt ra nhưng cơ bản vẫn là công tác tuyên truyền, vận động. Song để công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả, để giảm thiểu số phụ nữ ở Ðiện Biên bị lừa bán hoặc tự nguyện ra đi, thiết nghĩ đã đến lúc cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phải coi trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người. Một khi nhận thức tốt, thông tin đầy đủ, người dân tự chủ động phòng tránh cho bản thân và người thân trong gia đình. Ðây chính là nhiệm vụ cấp bách, xuyên suốt ở tất cả các địa bàn, không chỉ ở các bản, làng heo hút đặc biệt khó khăn mà kể cả các địa bàn ở sâu trong nước...

Lê Lan và Trường Long

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/36236702-ngan-chan-nan-mua-ban-nguoi-o-dien-bien.html