Ngăn chặn nạn kỳ thị trong học sinh

Nhiều năm đã qua nhưng những trò chơi tai ác của lũ bạn vẫn còn ám ảnh tôi. Tôi hiểu được, đó là do thiếu sự chăm sóc, hướng dẫn, uốn nắn suy nghĩ, hành động từ gia đình.

HS thân thiện bên nhau tạo nên hình ảnh trái tim yêu thương

HS thân thiện bên nhau tạo nên hình ảnh trái tim yêu thương

Thầy cô, cha mẹ cần quan tâm phát hiện, giúp trẻ sửa chữa khi làm sai, đừng để trẻ biến những điều sai trái có khi gây đau khổ cho người khác thành niềm vui của mình.

1. Năm tôi học lớp 10 là thời điểm đất nước gặp nhiều khó khăn. Nhiều học sinh cùng lứa tuổi tôi rất vất vả khi đến trường. Là con trong một gia đình có cha là giáo viên, mẹ công tác trong bệnh viện tỉnh, tôi có cuộc sống không hơn gì các bạn cùng lớp.

Với nền nếp gia đình, tôi được dạy phải luôn tươm tất, sạch sẽ dù gia đình tôi vẫn hưởng chế độ tem phiếu như mọi người. Thế nhưng không biết vì sao vẻ ngoài hình thức ấy đã làm cho một số bạn cùng lớp có ác cảm với tôi. T và N là hai nhân vật đầu têu cho quãng đời đau khổ của tôi khi bắt đầu học trung học phổ thông.

Phải nói lúc bấy giờ nội quy nhà trường khá nghiêm khắc, nếu đánh bạn sẽ bị đuổi học ngay. T và N biết rất rõ điều này nên đã nảy sinh nhiều chiêu trò khác.

Đầu tiên T và N phát động tẩy chay tôi. Nghĩa là kêu gọi cả lớp, nhất là các bạn cùng bàn, cùng tổ không cho tôi tham dự những sinh hoạt chung của tổ. Những bạn nào không đồng ý lập tức T và N đe dọa bằng nhiều cách. Mức độ ngày càng cao khi T và N chủ động thông báo cho cả lớp, tất cả không nói chuyện, không tiếp xúc với tôi.

Những lúc trực lớp, tôi chỉ làm công việc có một mình dù thầy đã phân thêm nhiều bạn. Chưa hết, trong học tập, T và N chủ trương phải làm mọi cách để tôi nản chí. Khi tôi không làm tốt bài tập hay trả lời không đúng câu hỏi của thầy cô thì bị ngay nhiều bạn la ó, trêu ghẹo.

Ngược lại, khi tôi làm tốt thì gặp cảnh xì xầm, bàn tán, nêu ý kiến với thầy cô về điểm số…

Đâu chỉ có vậy T và N còn nghĩ ra vô số trò chơi tai ác để hành hạ tôi. Ghi những câu bậy bạ, những hình vẽ thô tục lên mặt bàn chỗ tôi ngồi rồi báo cho thầy cô biết để tôi bị thầy cô la rầy.

Lưng áo tôi bị viết, vẽ, dán những mảnh giấy với nội dung xấu mà T và N nghĩ ra được. Khi tan trường, xe tôi bị xì cả hai bánh phải dẫn bộ về. Có hôm T và N tháo tung cả thắng và dây sên xe. Yên xe bị bôi đầy mực.

Về nhà tôi phải giấu cha mẹ cọ rửa cả buổi. Có những giờ ra chơi, T và N cầm đầu một lũ bạn xấu đến tận chỗ tôi ngồi để chọc phá, khiêu khích; quăng vở của tôi ra ngoài…

Tôi đã nhẫn nhục chịu đựng vì cả lớp ai cũng sợ T và N. Ngay cả lớp trưởng cũng làm ngơ hay đồng tình trước những việc làm đó. Tôi đã van xin nhiều lần với T và N rằng hãy để cho tôi học tập bình thường như các bạn nhưng không có kết quả gì.

T và N còn đe dọa nếu tôi báo cho thầy chủ nhiệm biết, sẽ còn nhiều trò độc ác hơn chờ tôi. Đã có lúc tôi muốn đánh nhau với lũ bạn xấu ấy nhưng lại sợ nếp nhà gia giáo, sợ ba tôi phiền lòng, mất mặt vì là thầy giáo mà có con đánh nhau trong trường. Tôi cũng không dám nói sự việc cho thầy chủ nhiệm biết vì không có chứng cớ nào cụ thể để tố giác lũ bạn ấy.

Tôi lầm lũi đến trường mà không có niềm vui suốt một khoảng thời gian dài. Chúng còn không tha cho tôi mỗi khi thấy tôi ở bất kỳ nơi đâu. Đang chạy xe trên đường, bất ngờ có hàng chục chiếc ép tôi vào giữa, đạp cho tôi té ngã rồi vỗ tay cười. Vì sợ T và N nên cả lớp không ai hé lộ điều gì cho thầy chủ nhiệm biết.

Một thời gian sau, có bạn cho tôi biết nguyên nhân T và N rủ rê bạn xấu hành hạ tôi là vì cho rằng tôi có cuộc sống sung sướng hơn các bạn đó. Trong một tập thể đông người mà có bạn đôi dép đi học còn không nguyên lành, tôi đâu được quyền đi dép da.

Ai nấy chỉ có chiếc túi xách bằng nhựa hay chỉ mảnh bìa cứng kẹp sách vở mà tôi lại xách chiếc cặp da đến lớp. Có bạn nam chiếc quần dài bung cả khóa kéo phải cột lại bằng dây thun khi đến lớp mà tôi quần áo đàng hoàng có cả thắt lưng cho dù là chiếc thắt lưng của cửa hàng quốc doanh…

Những năm tháng trung học phổ thông của tôi qua đi như thế cùng với sự hành hạ tai quái của lũ bạn mà cầm đầu là T và N.

2. Tôi vào sư phạm và thành thầy giáo. Suốt quãng đời đi dạy tôi luôn nhắc nhở học sinh rằng, điều mà tôi lên án ở mức cao nhất, đó là việc hà hiếp bạn bè. Không chỉ đánh bạn mới là vi phạm nội quy, sẽ bị kỷ luật mà bất cứ hành động, lời nói nào nhằm có ý cô lập bạn, khống chế sinh hoạt của bạn, đưa bạn đến chỗ bị trầm cảm, không hòa nhập được với cộng đồng như tôi từng bị, cũng xem như bạo lực.

Tôi dặn dò các em, bất cứ khi nào các em bị đe dọa, bị bắt nạt bởi các bạn dù dưới bất cứ hình thức nào, các em cứ cho tôi biết, tôi sẽ bảo vệ các em đến cùng. Những học sinh có khuynh hướng xấu khi bị phát hiện, tôi dành thời gian tiếp xúc, giải thích và răn đe.

Tôi luôn đặt câu hỏi: nếu em bị các bạn đối xử như thế em chịu nổi không và nếu cần thì thầy cho em chọn đóng vai để trải nghiệm. Tất nhiên không em nào dám đón nhận thử thách tôi đề nghị đó.

Một kinh nghiệm, bên cạnh việc làm cho học sinh luôn tin tưởng, thương yêu mình là việc chú ý thắt chặt mối dây đoàn kết trong lớp. Những học sinh có hoàn cảnh kinh tế khác nhau cần có được sự thông cảm, chia sẻ cùng nhau trong sinh hoạt. Không nên so sánh bề ngoài mà dẫn đến xa cách, mâu thuẫn, áp chế nhau.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/ngan-chan-nan-ky-thi-trong-hoc-sinh-3996705-b.html