Ngăn chặn nạn buôn lậu ở Lạng Sơn (Kỳ 1)

Càng gần Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu qua biên giới phía bắc, nhất là tại tỉnh Lạng Sơn càng diễn biến phức tạp. Những cuộc phối hợp tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng ngày càng dày hơn với các chốt chặn được dựng lên cũng ngày một nhiều. Song, số hàng hóa được thẩm lậu trót lọt qua địa bàn các tỉnh biên giới phía bắc vẫn rất lớn.

Bài 1: Căng mình nơi chốt chặn

Ðến Lạng Sơn trong những ngày Tết Nguyên đán đang đến gần, chúng tôi được chứng kiến cảnh những đoàn xe nối đuôi nhau tấp nập qua lại các cửa khẩu như Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị,... để giao thương hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh không khí nhộn nhịp đó, tại đường mòn, lối mở khu vực các cửa khẩu, lực lượng biên phòng và hải quan vẫn ngày đêm “căng mình” tuần tra, chốt trực nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới trong bối cảnh, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Chặn đứng hàng lậu từ đường mòn, lối mở

Theo chân những chiến sĩ thuộc Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Tân Thanh đi tuần tra dọc lên đường mòn Ðồi Cao, một trong những điểm nóng của tình trạng cõng, vác hàng lậu khu vực cửa khẩu Tân Thanh, chúng tôi có dịp tận mắt chứng kiến những nỗi gian lao, vất vả và hiểu thêm về nhiệm vụ của những người lính mang quân hàm xanh đang thực hiện mỗi ngày. Ngoài việc bảo vệ biên giới đất nước, những chiến sĩ biên phòng còn mang trên mình trọng trách nặng nề trong việc ngăn chặn hàng lậu xâm nhập qua biên giới đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ.

Ðể đi tới được lán chốt chặn dã chiến tại các điểm nóng, chúng tôi phải vượt qua nhiều đoạn dốc núi đá tai mèo gần như thẳng đứng, nhọn hoắt và lởm chởm, nhưng đối với Ðại úy Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Trạm trưởng KSBP Tân Thanh, người dẫn chúng tôi đi thì đó là công việc hằng ngày của các anh. Trên đường tuần tra, Ðại úy Cảnh chỉ cho chúng tôi dấu vết của hàng trăm "lối mòn buôn lậu" mà những người gùi hàng đã "xé" rừng để vận chuyển hoặc chui lủi vào bụi rậm lẩn trốn mỗi khi gặp lực lượng bộ đội biên phòng.

Chia sẻ với chúng tôi, Ðại úy Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, ba đường mòn khu vực cửa khẩu Tân Thanh lúc nào cũng duy trì bốn chiến sĩ biên phòng cùng một chú chó nghiệp vụ thay phiên nhau ứng trực 24/24 giờ. Trong mấy ngày vừa qua, anh và đồng đội mỗi ngày chỉ có vài giờ để chợp mắt nghỉ ngơi, ăn cơm hộp tại chỗ do các đối tượng cõng vác hàng qua biên giới đang hoạt động vô cùng ráo riết, nhất là ở khu vực đường mòn Lọ Bon, Ðồi Cao, bởi đây là một trong những tụ điểm nóng nhất của tình trạng “ném hàng” vào nhà dân. Chúng hoạt động bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa, nếu bị truy đuổi chúng liền “ném hàng” và trốn vào nhà dân dọc chân đồi rồi đóng chặt cửa lại. Mỗi lúc như vậy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, bắt giữ, dù nhìn thấy mười mươi là cõng hàng lậu nhưng lại không được tự ý vào nhà dân nếu không có lệnh khám xét. Chưa kể, việc bắt hàng lậu đã khó, nhưng để chuyển số hàng này về địa điểm thu giữ còn khó hơn rất nhiều bởi “cửu vạn” (người vác hàng thuê) sẵn sàng tổ chức đông người để cướp lại số hàng.

Là tỉnh vùng biên có đường biên giới dài với Trung Quốc, Lạng Sơn được coi là một trong những địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đường bộ. Ðã từ nhiều năm nay, tâm điểm buôn lậu vẫn thường diễn ra ở chung quanh khu vực các cửa khẩu như Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng); Hữu Nghị (huyện Cao Lộc),... Từ các khu vực này, hàng lậu được xé lẻ, vận chuyển bằng các phương tiện như xe ôm, xách tay, cất giấu trên ô-tô khách chạy theo các tuyến quốc lộ 1B, 4B,... hoặc vận chuyển trên các chuyến tàu lên ga Ðồng Ðăng. Thậm chí, để né tránh các trạm kiểm tra, các đối tượng còn tổ chức vận chuyển hàng theo cung đường vòng qua địa bàn tỉnh Cao Bằng, sau đó theo quốc lộ 3 vận chuyển về Hà Nội để phân phối đi các nơi tiêu thụ.

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng lậu phần lớn đều do các chủ nậu lợi dụng cư dân biên giới không có việc làm hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn tham gia vận chuyển bằng cách chờ đêm tối, khi vắng bóng lực lượng chức năng, sẽ vác từng bao tải nặng từ 50 đến 70 kg theo đường mòn, vách núi cheo leo dọc biên giới như khu vực Bà Ðen, Thác Nước (Ðồng Ðăng), đường mòn Lọ Bon, Nà Han (Văn Lãng),... để “giúp” các đầu nậu tuồn hàng lậu vào trong nước. Ðáng chú ý, các đối tượng buôn lậu còn thuê cả nhà dân làm kho chứa hàng dã chiến, chờ khi gom đủ hàng sẽ nhanh chóng chuyển lên các xe máy rồi vận chuyển sâu vào trong nước. Sau đó, các đối tượng sẽ sử dụng hóa đơn bán hàng, hóa đơn giá trị gia tăng mua lại của một số hộ kinh doanh khu vực thị trấn Ðồng Ðăng hoặc trong các chợ sát biên giới nhằm hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa để vận chuyển về các tỉnh tiêu thụ.

Thiếu tá Vũ Bá Thanh, Phó Ðồn trưởng Biên phòng Tân Thanh cho rằng, việc ngăn chặn vận chuyển hàng buôn lậu như ngăn lũ, bởi lực lượng chức năng lập lán canh, chốt chặn đến đâu thì các đối tượng buôn lậu tránh đến đó bằng cách tìm đường mới để đi. Chưa kể, với gần 500 m hàng rào dây thép gai rào chắn tại các điểm nóng trên địa bàn Ðồn Tân Thanh quản lý, liên tục bị các đối tượng cắt, phá để đi qua cho nên thường xuyên phải sửa chữa, gia cố. Ðể đấu tranh với vô số đường dây, chủ hàng và đông đảo người tham gia vận chuyển hàng lậu, đơn vị buộc phải tổ chức trực 24/24 giờ tại các điểm chốt chặn trên biên giới trong điều kiện chiến đấu và sinh hoạt gian khổ. Lực lượng mỏng, trang bị còn thiếu, địa bàn rộng, hiểm trở, dù đã tăng cường lực lượng, duy trì chốt chặn nhưng bằng những thủ đoạn tinh vi, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra dù chỉ là manh mún, nhỏ lẻ, nhưng lại gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Chi Cục trưởng Quản lý Thị trường (QLTT) Lạng Sơn Nguyễn Văn Trường nhận định, thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng đang ngày càng trắng trợn, tinh vi hơn khi chúng còn bố trí cài cắm một mạng lưới "chim lợn" (người cảnh giới) dày đặc để theo dõi quy luật hoạt động của lực lượng chức năng hòng tìm cách lẩn trốn, cản trở các hoạt động kiểm tra. Chính vì vậy, Chi cục thường xuyên chỉ đạo các đội phụ trách địa bàn các huyện biên giới, nhất là các địa bàn trọng điểm như các huyện Văn Lãng, Lộc Bình, Cao Lộc,… tăng cường trinh sát, hóa trang, nắm địa bàn và thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng chức năng biên giới nhằm xác định rõ các tuyến đường mà đầu nậu vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào trong nước để tổ chức chặn bắt; đặc biệt vào các khoảng thời gian giữa trưa hoặc nửa đêm, ngày nghỉ,...

Những đối tượng mang vác hàng chủ yếu là người địa phương khác đến làm thuê hoặc cư dân biên giới có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đi cõng vác hàng lậu thuê để kiếm sống qua ngày. Khi bị bắt những đối tượng này rất liều lĩnh, bằng mọi cách chống trả, tẩu tán hay tiến công lực lượng chức năng để cướp hàng. Ngay trong cuối tháng 12-2017 vừa qua, nhận được tin báo có một chiếc ô-tô BKS 12C-048.97 sẽ vận chuyển hàng lậu chạy theo hướng cửa khẩu Hữu Nghị về TP Lạng Sơn qua khu vực Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt, lãnh đạo trạm đã bố trí lực lượng để dừng phương tiện kiểm tra. Tuy nhiên, lái xe đã bất chấp tăng ga, lách qua các chướng ngại vật, lao thẳng vào khu vực trạm đâm một cán bộ Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn làm việc tại đây khiến vị cán bộ này đã hy sinh trên đường đi cấp cứu do vết thương quá nặng.

Xác định từ nay đến sát Tết Nguyên đán là thời kỳ cao điểm về các hành vi buôn lậu, GLTM, nhất là hành vi mang, vác hàng lậu qua biên giới, các lực lượng như biên phòng, hải quan, QLTT tỉnh Lạng Sơn cần chủ động bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các đường mòn trọng yếu; tăng cường chốt chặn ở xa khu vực cửa khẩu. Quyết liệt ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép để hạn chế cư dân đi qua biên giới mang vác hàng lậu; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải, không để hình thành các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua địa bàn. Không chỉ nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của đối tượng, mà cần tổ chức, bố trí lực lượng bảo đảm các yếu tố chặt chẽ, bí mật, đồng thời phối hợp hiệp đồng linh hoạt giữa các lực lượng với nhau thì mới ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu qua biên giới.

(Còn nữa)

Năm 2017, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã kiểm tra, xử lý gần 4.700 vụ buôn lậu, GLTM, hàng giả và hàng cấm (tăng 38,8% so năm 2016); tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 25 tỷ đồng; phạt bổ sung truy thu thuế hơn 23 tỷ đồng; tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 90 tỷ đồng.

(Nguồn: Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn)

Bài và ảnh: MINH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35397702-ngan-chan-nan-buon-lau-o-lang-son-ky-1.html