Ngăn chặn nạn bắt chim trời mùa di cư

Nạn săn bắt chim trời mùa di cư với nhiều hình thức khác nhau gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loài chim hoang dã.

Ngày 15/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng chức năng vừa tổ chức kiểm tra, tháo gỡ hàng loạt bẫy săn bắt chim trời trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Trước đó, lực lượng kiểm lâm nhận được tin báo về việc người dân đặt bẫy nhựa, cò giả tại một cánh đồng lúa trên địa bàn Tổ dân phố 4, thị trấn Phú Lộc nên tiến hành kiểm tra.

Lực lượng kiểm lâm tháo dỡ bẫy chim trời.

Lực lượng kiểm lâm tháo dỡ bẫy chim trời.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện, tháo gỡ hơn 3.500 que dính nhựa làm bẫy, 300 cò giả bằng xốp dùng để dẫn dụ, săn bắt chim trời để tiến hành tiêu hủy. Đồng thời, tiến hành giải cứu, thả về tự nhiên 10 cá thể chim cò tự nhiên.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cho biết, trước mỗi mùa mưa bão, người dân thường đoán trước việc các loài chim di cư sẽ xuất hiện nên có tình trạng một đặt bẫy tại một số điểm nhỏ lẽ nhằm săn bắt chim trời. Do đó, đơn vị phối hợp cùng lực lượng chức năng, địa phương nhằm phối hợp truy quét, ngăn chặn và xử lý.

Nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển buôn bán động vật hoang dã, các loài chim trời, UBND huyện Phú Lộc yêu cầu Hạt Kiểm lâm cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra nhà hàng kinh doanh các tuyến đường trọng điểm... để phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.

Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng, có sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, những năm qua với áp lực từ nhiều phía, trong đó có tình trạng săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép làm cho tài nguyên rừng, động vật bị ảnh hưởng đáng kể. Việc chung tay của các cơ quan chức năng nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.

Tiêu hủy bẫy bắt chim trời.

Tiêu hủy bẫy bắt chim trời.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế cho biết, khoảng tháng 9, tháng 10 khi bắt đầu mùa mưa bão các loài chim thường di cư về trên những cánh đồng, các lùm cây ven đầm phá để trú ngụ. Cũng trong thời gian này, nạn bẫy bắt chim trời với nhiều hình thức khác nhau xuất hiện làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loài chim di cư đang tìm nơi trú ngụ.

Những năm qua, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức ra quân, xử lý, thu hồi các bẫy chim trái phép, đồng thời tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ chim hoang dã. Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ người dân... Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng đặt bẫy và bắt chim trời.

"Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm lâm trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, truy quét nhằm tháo gỡ, thu hồi các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép. Những trường hợp vi phạm sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế nói.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản về việc nghiêm cấm việc cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương, tổ chức, đơn vị tiêu thụ thịt cũng như sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim trời. Đồng thời, có hướng dẫn xử phạt về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, bao gồm các loài chim trời.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngan-chan-nan-bat-chim-troi-mua-di-cu-169240915085348332.htm