Ngăn chặn lợn nhập lậu ngay từ biên giới

Trước việc dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và diễn biến phức tạp tại tỉnh An Giang, BĐBP tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống và ngăn chặn các hoạt động mua bán, vận chuyển lợn thịt, các sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới.

Lực lượng chức năng tiêu hủy số lượng lợn nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Chiến Khu

Lực lượng chức năng tiêu hủy số lượng lợn nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Chiến Khu

Từ đầu tháng 11 đến nay, BĐBP An Giang đã bắt giữ 5 vụ buôn lậu lợn từ Campuchia về Việt Nam, tịch thu 165 con lợn, tổng trọng lượng gần 12 tấn, trị giá hơn 525 triệu đồng; phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú tiêu hủy hoàn toàn 136 con lợn. Toàn bộ 5 vụ buôn lậu lợn đều diễn ra trên địa bàn biên giới huyện An Phú.

Theo đó, vào hồi 23 giờ 30 phút, ngày 16-11, Tổ tuần tra kiểm soát trên sông của Đồn Biên phòng Phú Hữu đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát chống buôn lậu trên sông Hậu, khu vực đầu cồn Liệt sĩ, thuộc ấp Quốc Phú, xã Phú Hữu, huyện An Phú, thì phát hiện một ghe vỏ gỗ đang chạy từ hướng kênh Bắc Nam, thuộc ấp Bắc Nam, xã Prek Chrey, huyện Koh Thum, tỉnh Kan Dal (Campuchia) về hướng ấp Phú Thành, xã Phú Hữu, huyện An Phú với nhiều biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã phát tín hiệu cho người điều khiển phương tiện dừng lại để kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện không có biển kiểm soát, không có giấy tờ đăng ký phương tiện; trên phương tiện chở 53 con lợn (trọng lượng trung bình 70kg/con), trị giá hàng hóa khoảng 185,5 triệu đồng.

Tiếp đó, hồi 23 giờ, ngày 17-11, Tổ công tác chống buôn lậu của Đồn Biên phòng Nhơn Hội tổ chức mật phục tại khu vực rạch Xẻo Tre, thuộc ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú thì phát hiện một thuyền máy composite chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác ra tín hiệu cho người điều khiển phương tiện dừng lại để kiểm tra. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên thuyền máy chở 30 con lợn (trọng lượng 60kg/con), tổng trọng lượng khoảng 1,8 tấn, trị giá khoảng 90 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số lợn trên nên tổ công tác đã đưa phương tiện và tang vật về Đồn Biên phòng Nhơn Hội để xác minh, làm rõ.

Cả hai vụ việc trên, Đồn Biên phòng Phú Hữu và Nhơn Hội đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tịch thu tang vật và bàn giao cho Đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú, đồng thời phối hợp tiến hành lấy mẫu máu và tiêu hủy toàn bộ số lợn vừa thu giữ.

Tại cơ quan chức năng, đối tượng Lê Văn Hải, SN 1990, thường trú tại ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, phụ trách lái thuyền máy chở 30 con lợn bị BĐBP An Giang bắt giữ, khai nhận: “Thịt lợn ở Campuchia chủ yếu nhập về từ Thái Lan, giá thường rất rẻ, dao động từ 40.000 đến 45.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi tại tỉnh An Giang, lợn có giá khoảng 71.000-80.000 đồng/kg lợn hơi. Chúng tôi vận chuyển thuê đàn lợn từ một người đàn ông khoảng 40 tuổi người Campuchia để bán cho người đàn ông tên Hiệp, ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú, lấy tiền công 500.000 đồng mỗi người”.

Còn Nguyễn Văn Hùng, SN 1976, thường trú tại ấp Phú Mỹ, xã Phú Hội, huyện An Phú, phụ trách lái thuyền máy chở 53 con lợn bị BĐBP An Giang bắt giữ, khai nhận: “Tôi mua lợn từ một người Campuchia và vận chuyển sang địa bàn huyện An Phú bán kiếm lời. Mỗi con nếu vận chuyển trót lọt vào nội địa, tôi lời từ 1 đến 1,5 triệu đồng”.

Hiện nay, do dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nguồn cung thịt lợn không đủ cầu, chênh lệch giá lớn, lợi nhuận từ việc buôn bán lợn nhập lậu cao và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, nên tình trạng buôn lậu lợn thịt từ bên kia biên giới, đặc biệt là từ Campuchia vào nước ta cũng tăng mạnh, với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh hơn. Các đối tượng vận chuyển lợn thường lợi dụng lúc đêm tối, giờ nghỉ, ngày nghỉ, vận chuyển lợn bằng thuyền máy nhỏ, ghe lớn trên các dòng sông biên giới rồi “tuồn” hàng từ Campuchia vào Việt Nam để tiêu thụ.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện An Phú cho biết: “Do dịch tả lợn châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm, chưa có vắc xin tiêm phòng nên hiện nay, việc phòng, chống dịch là quan trọng nhất. Khi phát hiện, bắt giữ lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc hoặc nghi ngờ phải lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng cần tiêu hủy ngay theo quy định”.

Hiện nay, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi tại An Giang đang được các cơ quan chức năng kiểm soát và khống chế lây lan. Tuy nhiên, các địa phương bên kia biên giới của Campuchia tiếp giáp với tỉnh An Giang, bệnh dịch này đang diễn biến phức tạp. Do đó, nguy cơ các loại mầm bệnh xâm nhiễm qua lợn thịt, các sản phẩm động vật từ Campuchia vào tỉnh An Giang là rất cao, nếu không thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt ngay từ biên giới.

Vì vậy, UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu các đơn vị, sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh An Giang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn ở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không đảm bảo an toàn; yêu cầu chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn và sản phẩm từ lợn qua khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, nhất là dịp lễ, Tết đang đến gần.

Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP An Giang cho biết: “Càng về cuối năm, cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn càng lớn. Vì vậy, hoạt động mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh nói riêng và ngăn chặn buôn lậu gia súc, gia cầm nói chung trên khu vực biên giới tỉnh An Giang vẫn đang là thách thức lớn đối với BĐBP tỉnh và các lực lượng chức năng”.

“Với phương châm ngăn chặn dịch bệnh ngay từ biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã chỉ đạo triển khai lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực cửa khẩu, đường mòn, đường sông trên biên giới, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, vận chuyển, nhập lậu động vật, sản phẩm từ động vật, đặc biệt là lợn thịt, các sản phẩm từ thịt lợn nhập lậu. Đồng thời, các phòng, ban chuyên môn, đồn Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về nguy cơ của dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh xâm nhiễm thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn trái phép vào An Giang” - Đại tá Nguyễn Thượng Lễ nhấn mạnh.

Chiến Khu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngan-chan-lon-nhap-lau-ngay-tu-bien-gioi/