Ngăn chặn hối lộ trong lĩnh vực xét đặc xá

Việc bổ sung quy định xét đặc xá cho phạm nhân không thể thực hiện hết được phần nghĩa vụ dân sự do hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn.

Dự thảo Luật Đặc xá là một chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với những phạm nhân đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, một số quy định của luật Đặc xá đã phát sinh bất cập trong thực tế nên đang được Quốc hội xem xét sửa đổi. Trong đó có việc bổ sung quy định xét đặc xá cho phạm nhân không thể thực hiện hết được phần nghĩa vụ dân sự do hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn.

 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá sửa đổi.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đặc xá sửa đổi.

Tạo động lực cho người nghèo cải tạo tốt

Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) hiện đã được chỉnh lý, hoàn thiện gồm 6 chương, 40 điều; bổ sung thêm người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vào đối tượng được đề nghị đặc xá; bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về một trong các tội:

Phản bội Tổ quốc, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, gián điệp, bạo loạn và khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân…; quy định rõ các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt gồm người đang người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân…

Tại Kỳ họp thứ 6 đang diễn ra, Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc, không quy định điều kiện phải thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác để tạo điều kiện cho người chấp hành án là người nghèo, chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự vẫn được xét đặc xá.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy quy định như dự thảo Luật dẫn đến có những người mặc dù quá trình cải tạo rất tốt, đáp ứng nhiều điều kiện luật định... nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có khả năng thi hành nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự (mà không phải do họ cố tình chây ì, không tự nguyện chấp hành án) thì sẽ không bao giờ được đặc xá.

"Điều này ảnh hưởng đến công bằng xã hội và giảm đi ý nghĩa của chính sách đặc xá, đồng thời làm mất đi động lực của những người bị kết án là người nghèo phấn đấu cải tạo tốt" - bà Nga nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật bổ sung quy định: Đối với trường hợp người bị kết án về tội phạm khác không phải là tội phạm tham nhũng mà đã chấp hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn, không thể thực hiện được phần nghĩa vụ còn lại thì vẫn được xét đặc xá.

Trường hợp này bổ sung quy định nếu có quyết định của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác còn lại đó theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Cũng liên quan đến điều kiện được đề nghị đặc xá, Đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), cho biết, theo Điểm b Khoản 2 Điều 11 của dự thảo Luật, người có công với cách mạng; người được tặng thưởng danh hiệu Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước;

Người có thành tích trong xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động; người được tặng thưởng một trong các loại Huân chương, Huy chương kháng chiến; cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ;

Con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” và vợ, chồng, con của người đó là điều kiện được đề nghị đặc xá. Đối với nội dung này, ông Thân đề nghị, nội dung này chỉ cần nêu một cách gọn lại là “các đối tượng là người có công với cách mạng theo pháp luật người có công".

Chống tiêu cực trong đặc xá

Bên cạnh đó, tình trạng đưa, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, sách nhiễu, lợi dụng chức vụ quyền hạn… trong lĩnh vực đặc xá được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý phản biện.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, đoàn Ninh Thuận nêu ý kiến: “Tại khoản 2 quy định đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, sách nhiễu trong việc thực hiện đặc xá. Bà đề nghị sửa lại cụm từ "sách nhiễu" thành "nhũng nhiễu".

Bởi vì nhũng nhiễu là hành vi đã được giải thích rất rõ trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, sử dụng cụm từ "nhũng nhiễu" sẽ phù hợp hơn. Nếu Luật này vẫn sử dụng cụm "sách nhiễu" thì phải giải thích từ ngữ đối với cụm từ này.

Cũng trong Điều 7 đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung cấm đối với hành vi thông tin về việc đặc xá không đúng thẩm quyền, trái với quy định của pháp luật và bổ sung thêm một khoản cấm các hành vi khác vi phạm quy định của luật này nhằm đảm bảo cho quy định được chặt chẽ hơn và không bỏ sót các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện đặc xá.

Bàn về vấn đề tiêu cực trong hoạt động đặc xá, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đoàn Tiền Giang cho rằng: “Trong một số trường hợp nào đó có những chủ thể lợi dụng chức vụ, quyền hạn có liên quan đến hoạt động đặc xá. Khi người không được đưa vào danh sách đề nghị đặc xá thực hiện quyền khiếu nại, sẽ đối diện với những hành vi cản trở.

Việc cản trở có thể thực hiện dưới các dạng hành động như ngăn cản việc khiếu nại ở dạng không hành động như không thông báo về quyền khiếu nại của người được đưa vào danh sách được đề nghị đặc xá, không chuyển đơn khiếu nại đến chủ thể có thẩm quyền để giải quyết...

Theo ông, việc này gây ra hậu quả trực tiếp là xâm phạm quyền khiếu nại của người đang chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật về quyền con người. Còn gián tiếp là hành vi cản trở, tước đi việc sửa sai của chủ thể có thẩm quyền trong việc thực thi chính sách nhân đạo của Nhà nước..

“Một chính sách nhân đạo bị thực hiện sai sẽ trở thành không nhân đạo. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Nhà nước ta. Với những lý lẽ trên thì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở việc khiếu nại trong hoạt động đặc xá là cần thiết, bị nghiêm cấm.

Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào Điều 7 dự thảo luật để luật này ngày càng hoàn thiện chỉnh hơn” - ông nói. Theo chương trình, dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/ngan-chan-hoi-lo-trong-linh-vuc-xet-dac-xa-d82199.html