Ngăn chặn hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ

Hiện nay, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khiến các quốc gia đang đẩy mạnh sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Trước bối cảnh này, Việt Nam đang nỗ lực, chủ động ứng phó và ngăn chặn các hành vi lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia cam kết cắt giảm những rào cản thương mại để hàng hóa có thể lưu thông một cách tối đa qua biên giới các nước. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép áp dụng một số biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu.

Thông thường, PVTM bao gồm 3 biện pháp cơ bản như: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu (như bán phá giá hoặc được trợ cấp). Trong khi đó, biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa trong nước, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến.

Nhiều mặt hàng nằm trong vùng nguy hiểm

Trao đổi về vấn đề trên, bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều mặt hàng có nguy cơ bị các nước Châu Âu áp dụng biện pháp PVTM như nông sản, thủy sản, giày dép, may mặc, gỗ, thép…

Ví dụ điển hình là mặt hàng giày dép, đây là sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Ngành giày dép đang mang đến công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động, đặc biệt là các lao động nữ ở nông thôn. Tuy nhiên, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì ngành giày dép cũng là ngành hàng có nguy cơ cao bị EU quay lại điều tra và áp dụng biện pháp PVTM.

Ngành giày dép cũng là ngành hàng có nguy cơ cao bị EU quay lại điều tra và áp dụng biện pháp PVTM. Ảnh minh họa.

Ngành giày dép cũng là ngành hàng có nguy cơ cao bị EU quay lại điều tra và áp dụng biện pháp PVTM. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, nông thủy sản cũng là mặt hàng nhạy cảm và có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp PVTM. Bởi, EU là nền kinh tế đứng đầu thế giới về trợ cấp nông nghiệp cho người nông dân. Và nông nghiệp luôn là ưu tiên số 1 của các nước EU về trợ cấp. Chính vì vậy, bất cứ mặt hàng nông nghiệp nào nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường EU gây thiệt hại cho nông dân thì EU sẽ không ngần ngại áp dụng các biện pháp PVTM.

Cũng theo bà Giang, may mắn cho Việt Nam là những mặt hàng nông sản trong nước xuất khẩu sang thị trường châu Âu đều không phải là ngành hàng cạnh tranh trực tiếp với nông dân châu Âu như sữa, chăn nuôi, cây trồng... Nông sản Việt Nam xuất sang châu Âu chủ yếu là cà phê, hạt điều và các loại hạt khác.

Ngoài ra, gỗ cũng là mặt hàng nằm trong “vùng nguy hiểm” do nhiều nước trong khối EU đang sản xuất đồ gỗ chất lượng cao hoặc đồ gỗ là mặt hàng đóng góp GDP lớn cho quốc gia. Chính vì vậy, chỉ cần 1 – 2 nước trong EU bị thiệt hại thì EU sẽ áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng gỗ.

Cần ngăn chặn hành vi lẩn tránh các biện pháp PVTM

Bởi vậy, theo nhận định từ giới chuyên gia, có 3 nhóm biện pháp để tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư nước ngoài.

Thứ nhất, cần cảnh báo sớm, ngăn ngừa các hành vi lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ một cách có chọn lọc; Thứ hai là đẩy mạnh chống gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua tăng cường hiệu quả của công tác cấp và kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), tăng cường kiểm tra đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa;

Thứ ba là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước thông qua hoàn thiện quy định xem xét, giải quyết việc đăng ký đầu tư nước ngoài, quản lý các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ.

Muốn các biện pháp nói trên đi vào thực tiễn thì cần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về chống lẩn tránh, xuất xứ, hải quan bằng cách nâng cao khả năng phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định về quy tắc xuất xứ, chống lẩn tránh, nguy cơ bị các nước áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, tăng cường khả năng ứng phó của các ngành, cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phối hợp, hợp tác với các nước liên quan trong việc ngăn chặn các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ.

Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo doanh nghiệp không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính…

Thanh Tùng

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ngan-chan-hanh-vi-lan-tranh-cac-bien-phap-phong-ve-thuong-mai-gian-lan-xuat-xu-d177630.html