Ngăn chặn hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt: Cần quyết liệt trong việc quy trách nhiệm

Thực tế cho thấy, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt đang diễn ra khá phổ biến với những vi phạm như: dựng lều lán - kinh doanh gần đường ray, mở đường ngang trái phép, phớt lờ biển cảnh báo của ngành đường sắt. Những hành vi này không chỉ xâm phạm hành lang ATGT đường sắt mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

Khảo sát trên dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn các quận, huyện của TP Hà Nội như: Đống Đa, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt đang diễn ra phổ biến. Có đoạn chưa đầy 1 km, trên dọc tuyến đường sắt mà xuất hiện gần chục điểm đường ngang dân sinh. Điều đáng nói là, dù đã chứng kiến nhiều tai nạn thương tâm nhưng người dân vẫn vô tư chiếm dụng hành lang đường sắt để buôn bán, sinh hoạt… bất chấp hiểm nguy rình rập.

Ghi nhận của PV vào 17g ngày 1-3 trên tuyến đường sắt chạy qua Ngọc Hồi, cảnh mua bán diễn ra tấp nập ngay sát hành lang và điểm giao cắt tuyến đường sắt với khu dân sinh. Vào đúng giờ tan tầm, lượng người lưu thông và dừng lại mua bán càng đông hơn. Người bán hoa quả, người bán rau, tất cả đều quên đi mối nguy hiểm rình rập hàng ngày.

Hoạt động kinh doanh, buôn bán quanh khu vực đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Ảnh: T.An

Hoạt động kinh doanh, buôn bán quanh khu vực đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT. Ảnh: T.An

Thời điểm đoàn tàu chạy qua với tiếng còi thét inh ỏi, bánh xe tàu hỏa lăn vội vàng, kêu ầm ầm. Không ai bảo ai, những gánh hàng rong vội vàng thu dọn chiếc ghế nhựa, quắp gánh hàng hô nhau chạy. Tất cả những hoạt động ấy chỉ diễn ra trong chớp mắt. Họ đứng canh hàng, trông xe, mắt trân trân nhìn tàu chạy qua.

Một người buôn bán gần đường tàu chia sẻ: “Bán hàng ở khu vực này biết là rất nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên chẳng còn cách nào. Chúng tôi đã nắm rõ được giờ của tàu chạy, hơn nữa khi tàu đến thì sẽ có tiếng còi từ xa nên chúng tôi chỉ cần nhanh chóng tránh chạy ra ngoài là an toàn”.

Đặc biệt, tình trạng này không chỉ diễn ra trong thời gian gần đây mà trong nhiều năm qua. Buổi sáng, họp chợ tại khu vực hành lang an toàn từ 6 - 8g, buổi chiều chợ họp từ 16 - 19g, bất kể nắng hay mưa.

Một người dân sinh sống tại khu vực đường Ngọc Hồi cho biết: “Thỉnh thoảng vẫn có người tử vong do va chạm với tàu hỏa. Nguy hiểm đấy nhưng dân ở đây chỉ nhắc nhau cẩn thận hơn thôi, mấy ngày họ lại quên ngay sự việc ấy mà. Tôi sống ở đây lâu rồi nên cũng thành quen, không thấy sợ. Mấy hàng quán này là nơi người dân quanh khu vực Ngọc Hồi ra mua bán thực phẩm hàng ngày. Thỉnh thoảng, đơn vị chức năng đến dẹp nhưng hôm sau lại thấy họ bán ở địa điểm khác dọc tuyến này”.

Nguy hiểm là vậy, một số hộ dân kinh doanh còn tự ý mở lối đi cắt ngang đường sắt, dỡ ba-ri-e bảo vệ đường tàu. Thậm chí, nhiều đoạn ba-ri-e đường sắt dài đến trăm mét đã bị tháo dỡ làm đường dân sinh. Rào chắn, biển báo, hệ thống cảnh báo tàu chạy tại các đường dân sinh cắt ngang khu vực đường sắt tự phát này cũng không có.

Còn tại các quán cà phê đường tàu chạy qua khu phố cổ (đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng, Hà Nội), khách du lịch trong và ngoài nước vẫn đến tham quan, chụp ảnh. Họ bất chấp lệnh cấm của UBND TP Hà Nội từ 4 tháng trước đó. Tại “xóm đường tàu” ven đường Phùng Hưng, đã không ít lần cơ quan chức năng đến làm việc, lập biên bản xử lý các hàng quán kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, hoạt động kinh doanh hai bên đường tàu lại tấp nập, nhộn nhịp trở lại.

Để “né” lực lượng chức năng túc trực tại các ba-ri-e, một số chủ quán đã dẫn khách đi vào thông qua các hẻm. Các du khách tập trung ở khu vực xóm cà phê đường tàu vào khoảng thời gian tàu chạy từ 19g - 22g30. Theo quan sát của chúng tôi, khi tàu đang chạy qua nhiều khách du lịch bất chấp nguy hiểm vẫn cố tình ra chụp ảnh, quay phim.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội có 6 tuyến đường sắt đi qua với tổng chiều dài hơn 162km nhưng có tới hơn 1.130 vị trí vi phạm hành lang, hạ tầng đường sắt. Trong đó, 252 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt; 883 vị trí vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt chưa được xử lý. Đồng thời, các lối đi tự mở chưa được xóa bỏ theo lộ trình, việc xây dựng đường gom nhằm giảm tai nạn còn chậm…

Cũng theo ông Ngô Mạnh Tuấn, thời gian qua Hà Nội phối hợp với ngành đường sắt tổ chức rào chắn, xóa bỏ lối đi tự mở tại 19 vị trí, thu hẹp lối đi tự mở tại 137 vị trí, xây dựng gờ giảm tốc ở 91 vị trí. Hệ thống gờ giảm tốc này đã phát huy hiệu quả trong việc cảnh báo cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. “Trước mắt TP Hà Nội dự kiến sẽ lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động tại một số đường ngang; rà soát các vị trí mất an toàn để bố trí người trực cảnh giới. TP cũng sẽ cải tạo mặt đường tại các lối giao cắt và xây dựng gờ giảm tốc, đồng thời đóng, thu hẹp các lối đi tự mở có bề rộng nhỏ hơn 3m để hạn chế giao thông”, ông Ngô Mạnh Tuấn cho hay.

Thừa nhận công tác triển khai các đường gom, xóa bỏ đường ngang dân sinh, bảo đảm hành lang ATGT đường sắt gặp rất nhiều khó khăn, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, hiện chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt; thiếu kiên quyết trong xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. “Nếu không quy rõ trách nhiệm thì tai nạn đường sắt còn tiếp tục xảy ra. Ủy ban ATGT quốc gia chưa thấy có việc xử lý nghiêm khắc đối với hộ dân, cá nhân tổ chức, hoặc cán bộ có trách nhiệm theo quy định pháp luật về vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Khi xảy ra tai nạn, sự cố, mới chỉ dừng ở mức phê bình mà chưa có hình thức nào thích đáng hơn,” ông Hùng nhấn mạnh.

Thiết nghĩ, để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Cùng với những chế tài xử phạt nghiêm khắc với các hành vi vi phạm thì cũng cần có những giải pháp để đảm bảo an toàn hành lang ATGT đường sắt, trước tiên phải kịp thời bảo đảm công tác duy tu, bảo dưỡng, an toàn cho hệ thống cơ sở hạ tầng ngành đường sắt. Có như vậy, chúng ta mới có thể tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt.

Theo Nghị định 56/2018/NĐ – CP về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt tốc độ cao là 7,5m; đối với đường sắt đô thị là 5,4m; đường sắt còn lại là 5,6m. Nghị định cũng nêu rõ, chiều rộng hành lang ATGT đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra được xác định là 5m đối với đường sắt tốc độ cao, trong khu vực đô thị; 15m đối khu vực ngoài đô thị

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ngan-chan-hanh-vi-lan-chiem-hanh-lang-an-toan-duong-sat-can-quyet-liet-trong-viec-quy-trach-nhiem-182006.html